|
Ông Trần Thanh Hồng và con trai – Thượng úy Trần Trung Hiếu tham gia giao lưu ngày 19-1-2016. |
“Đường dài hành quân xa, đi khắp non sông nhà. Ngày ngày quàng trên vai ba lô và cây súng… Ta đi trong tiếng ca, ngàn đời còn ngân nga. Ôi kiêu hãnh sao bước trên đường xa…”. Âm vang khúc hát “Bài ca người lính” tại buổi giao lưu họp mặt tôn vinh gia đình 3 thế hệ tham gia xây dựng và chiến đấu trong Quân đội nhân dân Việt Nam, kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống lực lượng vũ trang nhân dân Bến Tre (12-2-1946 – 12-2-2016), diễn ra ngày 19-1-2016, vẫn còn đọng mãi trong lòng tôi.
Trong
số 129 gia đình tham dự buổi họp mặt, có nhiều gia đình có đến 4 thế hệ là Bộ
đội Cụ Hồ. Gia đình của ông Trần Thanh Hồng – Trung úy, nguyên cán bộ kỹ thuật
Bến A 101 – Bến Bến Tre, Đoàn 692, Quân khu 9 là một gương điển hình. Gia đình
ông Hồng có 4 đời tham gia quân đội: ông nội ông Hồng, cha ông Hồng, bản thân
ông Hồng và con trai ông. Đặc biệt, những người Bộ đội Cụ Hồ này đều tham gia
chiến đấu và trưởng thành từ Bến A 101 tại xã Thới Thuận, huyện Bình Đại.
Ông
Trần Văn Chẵn (ông nội ông Hồng), sinh năm 1905, quê xã Thới Thuận, tham gia
Việt Minh, kháng chiến chống Pháp, là thương binh, mất năm 1984. Ông Chẵn có 4 người
con tham gia cách mạng, trong đó có 2 người là liệt sĩ (bà Trần Thị Be, cán bộ phụ xã, hy sinh năm
1959; ông Trần Văn Tám, bộ đội Bến A 101, hy sinh năm 1968); ông Trần Quốc Bảo
(Tư Sang) nguyên là Chính trị viên Huyện đội Bình Đại, hiện nghỉ hưu và ông
Trần Văn Trường (cha ông Hồng).
Ông
Trần Văn Trường (sinh năm 1925, thường gọi Hai Bình), nhập ngũ năm 1946, nguyên
là Chính trị viên Bến A 101 - Bến Bến Tre, Đoàn 962, Quân khu 9. Ông Trường có
3 người con trai tham gia bộ đội: ông Trần Văn Nô (sinh năm 1945), tham gia bộ
đội năm 1961, là bộ đội đặc công tỉnh, sau đó về công tác tại Bến A 101 Bình
Đại, bệnh mất năm 1998; ông Trần Văn Nít (sinh năm 1948), tham gia bộ đội năm
1964 tại Bến A 101 Bình Đại, hy sinh năm 1967 và ông Trần Thanh Hồng.
Ông
Trần Thanh Hồng (sinh năm 1954), tham gia bộ đội năm 1969 tại Bến A 101 Bình
Đại, hiện là Phó Ban liên lạc Bến A 101 - Bến Bến Tre. Ông Hồng cho biết, hoàn
cảnh nhập ngũ của 3 anh em của ông đều giống nhau là trốn nhà đi bộ đội lúc
tuổi mới chỉ 15, 16; khi mẹ của ông (bà Hai Huề) biết chuyện cũng rất lo lắng,
sau đó thì bà an tâm vì các con của bà đã chọn và tiếp bước theo của con đường
của cha và chồng bà đã đi. Cựu binh Trần Thanh Hồng chia sẻ: “Tôi có nhiều kỷ
niệm, nhưng tôi nhớ nhất là lần ta phải hủy tàu số hiệu 176, khi bị địch phát
hiện, bố trí nhiều tàu chiến, hải thuyền, máy bay để vây bắt tàu chở vũ khí miền
Bắc chi viện cho miền Nam”. Đêm hôm đó (21-11-1970), khi tàu 176 vào cách cửa
Hàm Luông khoảng 40km thì bị địch phát hiện (bấy giờ, ông Hồng đang làm nhiệm
vụ trực máy PRC25 liên lạc để tiếp nhận vũ khí của tàu 176). Dưới biển, địch dùng
tàu chiến, hải thuyền, tàu khu trục, tàu TCF và trên bờ thì thả 1 tiểu đoàn
lính dù xuống cồn Bửng để hòng bao vây bắt sống toàn bộ thủy thủ và thuyền viên
trên tàu (trong đó có 10 đồng chí đặc công thủy của miền Bắc chi viện vào). Bị
địch bao vây ráo riết, tập thể cán bộ, chiến sĩ tàu 176 đã bình tĩnh né tránh
và anh dũng chiến đấu, bắn cháy 1 tàu, làm hư hỏng 1 tàu khác của địch (ta hy
sinh 10 đồng chí). Tuy nhiên, do lực lượng không cân sức, Thuyền trưởng tàu 176
quyết định hủy tàu (cùng 70 tấn vũ khí trên tàu) để bảo vệ bí mật và không cho
vũ khí lọt vào tay địch; 16 đồng chí còn lại bơi bằng tay vào bờ theo 2 hướng Bến:
Thạnh Phú và Bình Đại… Giờ đây, dù đã trên 60 tuổi nhưng ông Trần Thanh Hồng vẫn
nhiệt tình tham gia công tại địa phương, làm Trưởng Ban công tác Mặt trận Khu
phố 1, phường Phú Tân (TP. Bến Tre); ông luôn nhắc nhở, động viên con cháu
nhiệt tình công tác và cống hiến cho đất nước.
Con
trai của ông Hồng - Thượng úy Trần Trung Hiếu (sinh năm 1983), Trợ lý động
viên, Ban Chỉ huy Quân sự TP. Bến Tre là thế hệ thứ tư tiếp bước ông, cha tham
gia quân đội. Hoàn cảnh nhập ngũ của Trần Trung Hiếu khá đặc biệt, anh không
thi vào Trường Đại học Thủy sản như mong muốn của gia đình mà thi vào Trường Sĩ
quan Lục quân. Ra trường năm 2008, anh được phân công tác tại Tiểu đoàn 9,
Trung đoàn 3, Sư đoàn 330, Quân khu 9. Năm 2015, anh xin chuyển công tác về Bến
Tre phục vụ tại quê nhà. “Tôi tự hào với truyền thống tham gia cách mạng của
gia đình. Tôi càng phải phấn đấu nhiều hơn để làm tròn trách nhiệm của một
người quân nhân, để xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân đối với người lính
Bộ đội Cụ Hồ” - Thượng úy Trần Trung Hiếu cho biết.