Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà hoạt động chính trị lỗi lạc, lãnh tụ vĩ đại của
cách mạng Việt Nam, đồng thời là nhà giáo, nhà văn hoá lớn của thế giới, Người
sáng lập, đặt nền móng và chỉ đạo việc xây dựng nền giáo dục mới Việt Nam. Chỉ
riêng về giáo dục, tư tưởng Hồ Chí Minh cũng đã là một kho tàng, ở tầm chiến
lược và ngày càng ngời sáng qua thực tiễn.
1. Nói đến tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, trước hết, phải nói đến
tư tưởng giải phóng con người thoát khỏi tăm tối, lạc hậu, đưa dân tộc ta trở
thành một dân tộc văn minh, tiến bộ. Đây vừa là mục tiêu, vừa là khát
vọng "tột bậc" của Người. Trong mỗi giai đoạn cách mạng, dù ở trong hoàn cảnh
nào, Người cũng là chiến sĩ tiên phong đi vào phong trào quần chúng, thức
tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do
độc lập ; giải phóng họ thoát khỏi ách áp bức bóc lột của thực dân phong
kiến, thoát khỏi sự ràng buộc của hệ tư tưởng lạc hậu, tạo mọi điều kiện cho mỗi
dân tộc và mỗi người dân đứng lên làm chủ nền văn hoá, làm chủ vận mệnh và tương
lai của mình.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người kế tục và phát triển cao hơn
cuộc đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ, dân trí của thế hệ những người Việt
Nam yêu nước cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Người đã tố cáo đanh thép chế độ
thực dân Pháp trong việc "làm cho dân ngu để trị", "gieo rắc một nền giáo dục
đồi bại, xảo trá và nguy hiểm hơn cả sự dốt nát", đòi quyền "tự do học tập" và
"thực hành giáo dục toàn dân"(1). Đồng thời, Người đã dày công tìm kiếm, phát
hiện và giới thiệu cho đất nước những nét tiến bộ mới của nền giáo dục kiểu mới
của nhân dân lao động - nền giáo dục Việt Nam xã hội chủ nghĩa mang tính nhân
đạo và tính dân chủ cao cả, bảo đảm cho sự phát triển toàn diện những năng lực
sẵn có của con người.
Trong suốt thời gian lãnh đạo đất nước, Chủ tịch
Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở toàn Đảng, toàn dân: "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho
đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết". Người chỉ rõ cho chúng ta thấy
mối quan hệ biện chứng giữa giáo dục với cách mạng ; giữa giáo dục với sự nghiệp
giải phóng dân tộc và kiến thiết đất nước. Người khẳng định: "Muốn giữ vững nền
độc lập, muốn cho dân mạnh, nước giàu, thì mỗi người Việt Nam phải hiểu biết
quyền lợi của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây
dựng nước nhà, và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ". Muốn cho dân
mạnh, nước giàu thì dân trí phải cao, phải "đa dạng hoá các loại hình đào tạo,
mở trường vừa học, vừa làm để tạo điều kiện cho người lao động, cán bộ, chiến sỹ
được đi học". Khi dân trí cao sẽ xuất hiện nhiều nhân tài tham gia xây dựng đất
nước. Người chỉ cho chúng ta con đường đưa đất nước thoát khỏi cảnh yếu hèn - đó
là con đường phát triển giáo dục. Người nói : "Một dân tộc dốt là một dân tộc
yếu" và kêu gọi mọi người thi đua học tập để đưa dân tộc ta trở thành một dân
tộc văn minh, tiến bộ.
2. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nội dung cơ
bản của giáo dục là phải đào tạo ra những con người xây dựng chủ nghĩa xã hội
"vừa hồng vừa chuyên". Đây là một tư tưởng then chốt của Chủ tịch Hồ Chí
Minh về giáo dục. Người nhấn mạnh, trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở
nước ta, mỗi cô giáo, thầy giáo phải là