 |
Bộ đội xuất ngũ huyện Châu Thành tham dự buổi lễ đón nhận, tư vấn nghề nghiệp, định hướng việc làm. Ảnh: Hoài Nhân |
Hàng năm, bên cạnh việc tổ chức động viên, kêu gọi và tuyển chọn công dân lên đường nhập ngũ xây dựng quân đội thì các địa phương cũng luôn quan tâm đến công tác đón nhận, tư vấn nghề nghiệp, định hướng việc làm... nhằm giúp các thanh niên xuất ngũ hăng hái tham gia vào hoạt động chăm lo đời sống kinh tế gia đình.
Đặc biệt, đối với những thanh niên là đảng viên khi hoàn
thành nghĩa vụ quân sự và trở về địa phương, cũng được tạo điều kiện tham gia
công tác trong hệ thống chính trị cơ sở.
Đầu năm 2017, trên địa bàn các huyện, thành phố đồng loạt
tổ chức lễ đón nhận 640 quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương.
Tại đây, các quân nhân xuất ngũ được tuyên truyền về ý thức lập thân, lập nghiệp,
cung cấp những thông tin về chủ trương, chính sách của Nhà nước đối với người
lao động tham gia tìm kiếm việc làm và xuất khẩu lao động.
Thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tại các
buổi tư vấn, có 640 bộ đội xuất ngũ tham dự; trong đó có 89 người đăng ký tìm
việc làm, 94 người đăng ký nhu cầu học nghề, 8 người đăng ký xuất khẩu lao động
(chủ yếu tham gia vào thị trường Nhật Bản). Các bộ đội xuất ngũ cũng được Trung
tâm Dịch vụ việc làm (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) và các doanh
nghiệp hoạt động xuất khẩu lao động đến từ TP. Hồ Chí Minh thông tin về những
chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về việc làm, xuất khẩu lao động và
tổ chức tư vấn, định hướng cho bộ đội xuất ngũ sau khi trở về địa phương tích cực
tham gia tìm kiếm việc làm hoặc tham gia xuất khẩu lao động, góp phần phát triển
kinh tế - xã hội ở địa phương.
Là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác đón
nhận, tư vấn nghề nghiệp, định hướng việc làm cho quân nhân xuất ngũ, Ban Chỉ
huy Quân sự huyện Châu Thành phối hợp với các đơn vị, nhất là Trường Cao đẳng
nghề Đồng Khởi, tổ chức tư vấn giúp cho các thanh niên xuất ngũ chọn nghề nghiệp
theo trình độ, năng lực hay tìm kiếm nghề phù hợp với bản thân.
Thượng tá Phạm Ngọc Nguyên - Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy
Quân sự huyện Châu Thành cho biết: Hàng năm, đơn vị phối hợp chặt chẽ với một số
ngành, trường tập trung thực hiện tốt khâu đón nhận và tư vấn, hướng nghiệp cho
các quân nhân xuất ngũ của huyện. Vừa qua, Châu Thành đón nhận, tư vấn nghề
nghiệp, định hướng việc làm cho 151 quân nhân xuất ngũ; trong đó, ngành nghề được
các em quan tâm nhiều nhất là sửa xe và lái xe ô tô, số còn lại thì đi làm việc
ở TP. Hồ Chí Minh, hay các công ty ở Khu công nghiệp Giao Long (Châu Thành).
Chúng tôi thấy cái khó hiện nay đó là mình chỉ dừng lại ở việc tư vấn, hướng
nghiệp cho các em chứ chưa có bước tiến xa hơn là giới thiệu việc làm cho các
em sau khi ra trường. Đối với đảng viên là quân nhân xuất ngũ, địa phương cũng
đã có bố trí, sắp xếp tham gia công tác ở các tổ chức chính trị cơ sở, gần đây
nhất là ở xã An Hiệp và Tân Thạch, mỗi nơi một trường hợp.
Được phát triển Đảng tại Tiểu đoàn 17, Sư đoàn 9, Quân
đoàn 4, sau khi xuất ngũ vào năm 2014, Nguyễn Hoàng Lâm trở về địa phương và
tham gia công tác Đoàn tại ấp Tân Quới Nội (xã Tân Thạch). Đầu năm 2017, Hoàng
Lâm được quy hoạch và đề bạt giữ chức Phó chủ tịch Hội Nông dân xã.
Nguyễn Hoàng Lâm cho biết: Khi lên đường tham gia xây dựng
quân đội, bản thân luôn tự nhủ phải nỗ lực phấn đấu rèn luyện và trưởng thành
hơn trong môi trường quân đội. Trong thời gian tại ngũ, tôi được kết nạp và
vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Khi xuất ngũ, tôi vẫn mang hoài bão góp
công sức nhỏ bé của mình để xây dựng địa phương. Được quy hoạch, đề bạt giữ chức
Phó chủ tịch Hội Nông dân xã, bản thân thấy vinh dự và đồng thời cũng lo lắng,
nhưng với sức trẻ tôi sẽ cố gắng nghiên cứu để có những ý tưởng hay nhằm góp phần
đưa hoạt động của Hội ngày một tốt hơn, đời sống nông dân khá hơn.
Hàng năm, khi tổ chức đón nhận quân nhân xuất ngũ trở về
địa phương, các sở, ngành tỉnh cũng như địa phương đã chủ động tư vấn đào tạo
nghề, định hướng việc làm, tuy nhiên các thanh niên xuất ngũ vẫn chưa “mặn mà”
với nội dung này. Bởi, số liệu thống kê từ 8 huyện và TP. Bến Tre trong đợt đón
nhận vừa qua cho thấy, bộ đội xuất ngũ đăng ký nhu cầu tìm kiếm việc làm, học
nghề, xuất khẩu lao động chỉ có 191 người, chiếm tỷ lệ 29,8%. Vấn đề đặt ra là
cần tạo sức hấp dẫn, đảm bảo tính thiết thực, phù hợp.
Có thể nói, việc tư vấn nghề nghiệp, định hướng việc làm
cho thanh niên xuất ngũ trở về địa phương là hoạt động rất có ý nghĩa, góp phần
khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong mỗi bạn trẻ. Tuy nhiên, để “đánh thức” được
tinh thần đó cần có những giải pháp sát hợp hơn, hiệu quả hơn.