
Chị Huỳnh Xuân Thảo (con gái út của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát) tặng quyển hồi ký “Đám cưới giữa mùa thu”. Ảnh: PV
Thuở thiếu thời
Bà Bùi Thị Nga (1922 - 2001) - nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh những ngày đầu giải phóng, bà là phu nhân kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát. Nhờ quyển hồi ký của bà Bùi Thị Nga “Đám cưới giữa mùa thu”, Nhà xuất bản Phụ Nữ, Hà Nội - 2003, hầu như “chỉ để dành riêng để kể lại cuộc đời và sự nghiệp của ông, người chồng thân yêu, vị lãnh tụ của phong trào cách mạng miền Nam mà bà đã gắn bó với tất cả tình yêu và lòng kính trọng” (Trích lời giới thiệu quyển hồi ký, do Nhà văn Hoàng Minh Tường viết năm 2003). Quyển hồi ký “Đám cưới giữa mùa thu” được bà Bùi Thị Nga viết từ sau ngày kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát từ trần (30-9-1989).
Quê nội kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, qua lời kể của anh Tư Kiến - người thân ông Huỳnh Tấn Phát, bà Bùi Thị Nga thuật lại: Đất làng Tân Hưng (nay là xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) trước kia hầu hết là của hương chủ Huỳnh Văn Lâu (ông nội kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát). Ông Huỳnh Văn Lâu rộng rãi và thương người nên ai cũng kính mến. Nhưng khi xây nhà mới, hương chủ Huỳnh Văn Lâu đã đổ vào đó nhiều tiền bạc. Nhà ông thuộc loại lớn và đẹp nhất xã, nền cao, cột kèo đều chạm trổ công phu. Xây xong thì ông cạn tiền, mùa màng thất bát. Kế đó, ông Huỳnh Văn Lâu đau ốm liên tục.
Ông Huỳnh Tấn Phát mới 2 tuổi thì năm 1915 ông Huỳnh Văn Lâu mất. Ông Huỳnh Tấn Đặng (con thứ sáu của ông Huỳnh Văn Lâu, ba kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát) gượng không nổi, phải cầm đất, bán nhà. Gia đình kể như phá sản. Ba ông Huỳnh Tấn Phát phải đi xuống Thốt Nốt coi ruộng cho ông trưởng tòa Quảng Duy Hưng (anh hai của mẹ ông Huỳnh Tấn Phát). Kể từ đó, 3 người con của ông Huỳnh Tấn Đặng là Huỳnh Thị Hay (chị Hai Hay), Huỳnh Tấn Phát (Ba Phát), Huỳnh Tấn Thế (Tư Thế) được gửi bên ngoại ở Mỹ Tho để sống và ăn học.
Quê ngoại kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát nằm bên bờ sông Bảo Định tại TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Mẹ ông Huỳnh Tấn Phát tên Quảng Thị Úc. Bà là con gái thứ mười của ông Quảng Duy Cần, gia đình làm chủ vựa mắm. Thời còn nhỏ, ông Huỳnh Tấn Phát sống ở nhà ngoại. Ông Ba Phát thường bơi qua bơi lại sông Bảo Định và tập bơi cho các em nhỏ trong nhà nên em nào bơi cũng giỏi. Ông Ba Phát còn trèo cây leo dừa, chạy đua và đá banh rất tài. Mợ Hai (vợ ông Quảng Duy Hưng) kể: “Phát có kỷ luật lắm. Phát học giỏi toàn được học bổng. Phát được tất cả nhà, nhất là ngoại cưng lắm. Mỗi ngày đi học ngoại cho năm xu, nhưng Phát chỉ lấy hai. Phát sợ bà ngoại tốn tiền. Phát sợ cậu Mười Hai, nhưng tính con trai của Phát cũng ra tính con trai. Phát thích đá banh, chạy đua, học vẽ, tắm sông, lại còn học võ! Vậy chớ không khi nào Phát đánh lộn ngoài đường, hoặc chửi thề bậy bạ”.
Bà Quảng Thị Tâm (con cậu Mười Hai Quảng Duy Thơ) nhớ lại: “Anh Phát hay chơi cái trò “diễn thuyết”, lâu lâu ảnh mua bánh bẻng, bánh lỗ tai heo, rủ chị Hai và mấy em ra sau vườn nghe ảnh “diễn thuyết”... Có khi ảnh nói về trái đất xoay xung quanh mặt trời để giải thích về ngày và đêm. Tại sao có mưa? Tại sao có trăng khuyết, trăng tròn?... Hồi đó, tụi em không hiểu gì lắm, chỉ trông anh dứt lời để xáp vô ăn bánh hoặc kẹo”. Khi ông Quảng Duy Thơ biết chuyện, ông không rầy Ba Phát, chỉ nhận xét: “Thằng Phát nữa lớn làm pô-li-tích (chính trị)”.
Một lần về quê
Bà Bùi Thị Nga kể trong hồi ký: “Sau 30 năm chiến tranh, khi đất nước thanh bình, ai cũng náo nức tranh thủ một lần về thăm quê cha đất tổ, nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Ngược lại, sau khi thống nhất nước nhà, anh Huỳnh Tấn Phát lại khăn gói lên đường ra Hà Nội, nhận nhiệm vụ mới, càng ít có cơ hội đến thăm hỏi bà con họ hàng nội ngoại. Nhiều lần anh Tư Kiến, người anh chú bác, từ xã Tân Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre lên tìm anh Huỳnh Tấn Phát nhưng không gặp”. Ông Tư Kiến than thở với vợ ông Huỳnh Tấn Phát: “Bà con gia quyến thuộc họ Huỳnh ai cũng trông gặp chú Ba Phát. Nhiều người than phiền trách móc thái độ hờ hững của chú”. Bà Bùi Thị Nga vội cải chính: “Không phải như vậy đâu anh Tư. Mỗi lần về Nam là công việc lút đầu, làm không hết. Trước giờ lên máy bay, anh em vẫn còn bám xin ý kiến về chuyện này, chuyện nọ. Để kỳ này tôi nói nếu anh (ông Huỳnh Tấn Phát) không về thì bà con giận lắm. Như vậy, anh sẽ thu xếp thôi”.
Năm 1981, nhân dịp vào Sài Gòn công tác, bà Bùi Thị Nga thuật lại lời anh Tư Kiến, ông Huỳnh Tấn Phát nhận lời ngay. Bà Nga sắp xếp với anh Tư Kiến có mặt dẫn đường, hơn 9 giờ sáng, ông Huỳnh Tấn Phát và chị Hai Hay cùng vợ là bà Bùi Thị Nga về tới nhà anh Tư Kiến tại xã Phú Thuận, huyện Bình Đại. Bà con thân quen đã tề tựu đông đủ. Ông Huỳnh Tấn Phát chỉ tranh thủ được 1 ngày về quê. Hôm đó, đồng chí Bí thư xã cũng có mặt, ông Huỳnh Tấn Phát đề nghị đến ủy ban xã, ông có đôi lời ngắn gọn cảm ơn và khích lệ các đồng chí cố gắng làm cho xã mình ngày càng thay da đổi thịt theo hướng ổn định sản xuất và phục vụ quyền lợi thiết thực của nhân dân...”. Sau đó, ông Huỳnh Tấn Phát đi thăm mộ ông nội, cụ hương chủ Huỳnh Văn Lâu. Nhiều bà con đổ ra hai bên lộ. Anh Tư Kiến giới thiệu đây là chị, đây là mợ, đây là thím... Không mấy ai nhận ra ông Huỳnh Tấn Phát vì ông đã xa làng lúc mới 5, 6 tuổi. Ngược lại, chị Hai Hay cứ quýnh lên, hết ôm người này đến hỏi người khác. Về đến nền nhà cũ (chỉ còn nền nhà), ông Ba Phát đứng lặng nhìn. Ông Huỳnh Tấn Phát trầm ngâm một hồi trước cảnh nền xưa vườn cũ nơi ông sinh ra năm 1913.
Lúc gần 1 giờ trưa, ông Phát vẫn đề nghị đến đình Tân Hưng, đến nơi ông khựng lại trước ngôi đình nhỏ, mái đình loang lổ, dòm thấy trời. Bên trong đình, bài vị giữa đình ghi: “Hỏa linh Nguyên Hưng chủ tánh Huỳnh văn tự Thiệu thần vị”. Đây là bài vị ông cố họ Huỳnh, đã có công lập ấp được dân Tân Hưng phong sắc thần làng. Ông Huỳnh Tấn Phát lặng lẽ đốt ba nén hương cắm vào lư hương, chị Hai Hay khấn vái rì rầm và thành kính lạy ba lạy.
Chuyến về thăm quê này là lần đầu (theo lời kể của bà Bùi Thị Nga) cũng là lần cuối ông về thăm làng Tân Hưng. Ông Hai Tuyên (một người họ hàng của ông Huỳnh Tấn Phát) khăn đóng, áo dài, chân mang giày hàm ếch cùng với bà con làng Tân Hưng trịnh trọng chờ đón ông Huỳnh Tấn Phát. Tuy chỉ có món cháo vịt nhưng bà con xa gần đến chật cả ba bàn tròn, bộ ván thì dành cho phụ nữ.
Bà Bùi Thị Nga thuật lại: “Chuyến về quê nội gợi cho anh nhiều kỷ niệm thời thơ ấu. Anh có vẻ phấn khởi cười hoài, nhưng về đến nhà, anh vừa thu gọn giấy tờ để trở ra Hà Nội anh vừa nói với tôi: Thấy bà con trông mình, muốn gặp mình, anh cảm động quá mà cũng ân hận là không về sớm hơn. Nhưng em thấy đấy, mỗi lần đi như vậy, phiền hà anh em tỉnh, huyện, cử người đưa đón. Qua phà cũng ưu tiên, đi đường cũng ưu tiên, anh ngại quá...”.
Bài, ảnh: Thạch Thảo