Tưởng nhớ vị tướng miền biên cương

06/11/2009 - 08:35
Thiếu tướng Vũ Khắc Sương (đứng thứ hai từ trái sang) cùng các tướng lĩnh quê Giồng Trôm: Trần Minh Phú, Đồng Văn Cống, Nguyễn Hữu Vị, Trần Minh Tích.

Dẫu biết rằng tuổi cao sức yếu và không ai cưỡng lại được quy luật “sinh – lão – bệnh – tử”, nhưng sự ra đi về cõi vĩnh hằng (27-10-2009) của vị tướng miền biên cương Vũ Khắc Sương đã làm cho dân làng Long Mỹ (Giồng Trôm) cùng đồng đội cựu chiến binh và lực lượng vũ trang Bến Tre không khỏi xúc động, tiếc thương…

Đại tá cựu chiến binh (CCB) Phạm Minh Thảo từ thành phố Bến Tre vẫn còn kịp thời gian đến bên giường bệnh ở Quân y viện trước ngày Thiếu tướng lâm chung. Riêng CCB đặc công Nguyễn Hạo (Ba Sơn Sừng) – nguyên Tham mưu phó Tỉnh đội Bến Tre đã gắng sức vượt hàng trăm cây số bằng mô-tô để kịp thấy mặt lần cuối trước khi truy điệu tiễn đưa thủ trưởng Vũ Khắc Sương đến nơi an nghỉ cuối cùng.

Tên thật của Thiếu tướng Vũ Khắc Sương là Võ Văn Cẩn. Ông sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, đông con ở làng quê Long Mỹ và sớm mồ côi mẹ. Thời niên thiếu của ông trải qua đói nghèo, cơ cực; lúc trưởng thành ông tiếp tục vượt qua bi kịch của gia đình khi hai con trai chưa đủ lớn đã phải vĩnh viễn lìa xa cha mẹ vì bệnh trái trắng. Cuộc đời nghiệt ngã hơn khi bom pháo của kẻ thù cùng một lúc cướp mất sự sống của người vợ và đứa con trai út thơ dại. Đối diện với sự nghiệt ngã, tưởng chừng ông sẽ đầu hàng trước số phận. Nén đau thương tột cùng khi tiễn biệt vợ con, ông khắc sâu vào cuộc đời tên của vợ (Trần Thị Sương) ghép với họ của mình trở thành Vũ Khắc Sương – tên gọi gắn bó cả đời binh nghiệp và đến khi đi xa mãi mãi.

Ông sớm giác ngộ cách mạng, tạm xa làng quê nghèo, tự nguyện gia nhập bộ đội “Ông Cống”, tìm thấy niềm vui trong tình nghĩa quân-dân, gắn bó trọn đời với kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Ông sống hòa đồng với tập thể quân nhân, chiến đấu ngoan cường, dũng cảm và trưởng thành từ chiến sĩ. Ông tham gia chiến đấu khắp miền Tây-Nam bộ, gặp người vợ kế, tiếp tục xây tổ ấm gia đình, ông bà nương tựa lẫn nhau trên con đường cách mạng.

Đình chiến năm 1954, ông tập kết ra Bắc, tham gia xây dựng quân đội chính quy, được học thêm văn hóa và đào tạo cơ bản ở trường sĩ quan. Năm 1962, sĩ quan Vũ Khắc Sương vượt Trường Sơn về Nam chiến đấu. Ông từng là Tiểu đoàn trưởng dũng cảm của Tiểu đoàn 364 lập nhiều chiến công, trong đó có thành tích tiêu diệt Chi khu Kiên Lương, chiến thắng trận Vĩnh Thông vang dội… Sau đó, Vũ Khắc Sương tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở cương vị Tham mưu trưởng, rồi Tỉnh đội trưởng An Giang. Chiến công của ông ở thời kỳ này gắn liền với bao địa danh nổi tiếng của An Giang anh hùng. Năm 1972, ông được Quân khu 8 điều về quê hương xứ dừa chỉ huy chiến đấu khi các đồng chí Tám Vị, Ba Đào, Mười Phục… đã đối đầu quyết tử với đủ loại chủ lực của đối phương và sau đó lần lượt rời khỏi chiến trường Bến Tre.

 Thời gian Vũ Khắc Sương làm Tỉnh đội trưởng Bến Tre (1972-1975) cũng là thời kỳ ác liệt của giai đoạn cuối cuộc chiến tranh. Ông chỉ huy đấu trí, đấu lực, cùng đồng đội đánh tan tác Chiến đoàn A bảo an, tiến công triệt hạ hàng loạt Phân chi khu: An Ngãi Tây, Hưng Phong, Phước Tuy, Tân Xuân, Tân Hưng, Bình Khánh, Chi khu Trúc Giang, xóa sổ Tiểu đoàn 453, Tiểu đoàn 454 bảo an, phục kích Quới Sơn – Phú An Hòa đánh dập đầu Bạch Hổ (Tiểu đoàn 401 bảo an), vây lấn tấn công diệt hàng loạt đồn bót, đánh phá bình định của địch, chuyển thế chủ động chiến trường, tích cực xây dựng lực lượng chuẩn bị tham gia chiến dịch mùa xuân 1975. Đối phương ở Kiến Hòa (Bến Tre) ngoan cố tử thủ khi chính quyền Sài Gòn tuyên bố đầu hàng. Tỉnh đội trưởng Vũ Khắc Sương kiên quyết dùng quả đấm quân sự ở mặt trận Lương Quới và sân bay Tân Thành, buộc địch buông súng đầu hàng, quê hương xứ dừa hoàn toàn giải phóng.

 Cuối năm 1975, ông rời khỏi Bến Tre trở lại quê hương thứ hai là An Giang tiếp tục nhận nhiệm vụ Tỉnh đội trưởng. Ông lại gánh vác trách nhiệm nặng nề ở một địa bàn còn khá phức tạp sau mấy tháng giải phóng và bắt đầu phòng thủ đối phó với chiến tranh lấn chiếm biên giới của tập đoàn diệt chủng Pônpốt – Iêngsari. Ông nỗ lực vượt bậc, góp công cùng với Đảng bộ An Giang xây dựng nền quốc phòng toàn dân, lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ biên giới thiêng liêng và nghĩa vụ quốc tế cao cả. Ông được phong Thiếu tướng vào năm 1988, một vị tướng xứng tầm với đức độ và tài năng quân sự.

Tướng Vũ Khắc Sương để lại cho đồng đội sự kính phục về đức độ, tài thao lược, biết tổ chức chiến đấu, sát cánh cùng chiến sĩ trong từng trận đánh và giành thắng lợi trong mọi tình huống. Suốt cuộc trường chinh chống thực dân, đế quốc, giải phóng quê hương, bảo vệ Tổ quốc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế, tướng Vũ Khắc Sương luôn tỏa sáng về lòng nhân ái, yêu thương đồng chí, đồng bào, thủy chung với dân, với nước. Đã là vị tướng nhưng ông vẫn giữ tác phong giản dị, tính cách ngay thẳng, trọng nghĩa tình của người Nam bộ. Tướng Nguyễn Hữu Vị còn nhớ: “Có lần dự tập huấn ở Bộ Quốc phòng, tranh thủ ngày nghỉ, anh Năm Sương không mặc quân phục tướng, mượn xe chở quà mang từ trong Nam ra, ngược lên các tỉnh Tây-Bắc tìm thăm các gia đình kết nghĩa trong những năm tháng anh sống và học tập ở miền Bắc làm bao người ngỡ ngàng, xúc động”.

Cách nay chưa đầy hai tháng, tướng Nguyễn Hữu Vị đi thăm tướng Vũ Khắc Sương, có mang theo một triệu đồng của Tỉnh ủy Bến Tre tặng vị tướng xa quê. Tướng Năm Sương vui vẻ nhận quà của quê hương, nhưng liền tay trích một phần tiền nhờ tướng Tám Vị chuyển về tặng lại cho Đại tá Nguyễn Hữu My đang bị tai biến ở Tân Hào. Tướng Vị xúc động trước tấm lòng của Tướng Sương, luôn nhớ và chia sẻ niềm vui, nỗi buồn đến với người bạn chiến đấu năm xưa.

Những tháng còn lại của cuộc đời, sức yếu, ông không thể về thăm quê, nhưng rất vui khi nghe tin khánh thành đền thờ Trung tướng Đồng Văn Cống – người anh cả của lực lượng vũ trang Bến Tre, người chỉ huy tài ba của Chi đội 19 và Trung đoàn 99 trong kháng chiến chống Pháp mà ông vinh hạnh là thành viên trong đội ngũ.

Xin dẫn lời tướng Nguyễn Hữu Vị thay cho lời kết: “Anh Năm Sương là vị tướng mà tôi kính trọng, bởi anh có nghị lực vượt lên số phận khi đối diện với sự nghiệt ngã, cả đời giữ gìn sự liêm khiết, mẫu mực, sống có nghĩa, có tình, có thủy, có chung với nhân dân, với đồng đội, trung thành với lý tưởng, gương mẫu thực thi “quân lệnh như sơn”, dũng cảm trong chiến đấu, làm nhiều hơn nói, sâu sát từng công việc, hết lòng thương yêu cấp dưới…”

HOÀNG AN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN