 |
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì Tọa đàm |
Phấn đấu đạt tỷ lệ nữ đại biểu trong các cơ quan dân cử 30% trở lên là một biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới.
Ngày 22/5/2011 tới đây sẽ diễn ra bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và Hội đồng Nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Kỳ bầu cử lần này được tổ chức trong thời điểm Luật Bình đẳng Giới có hiệu lực được hơn 3 năm và Chiến lược Quốc gia về Bình đẳng Giới giai đoạn 2011-2020 mới được Chính phủ ban hành ngày 24/12/2010. Các văn bản pháp lý đều đề cập việc bảo đảm tỷ lệ nữ tham gia trong các cơ quan dân cử như một biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới. Theo đó, phấn đấu đạt tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 từ 30% trở lên.
Chiều 14/4/2011 Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Tọa đàm tuyên truyền nâng cao tỷ lệ nữ đại biểu quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Bí thư trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và xã hội, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam chủ trì tọa đàm.
Tỷ lệ nữ tham chính của Việt Nam đạt mức trung bình trên thế giới
Theo bà Nguyễn Thị Kim Ngân, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội đã tăng hơn 20% từ khóa I (2,5%) đến khóa XII (25,7%), tỷ lệ nữ đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2004-2011 ở cả ba cấp đều ở dưới mức 24%. Như vậy, tỷ lệ phụ nữ tham gia các vị trí quản lý, lãnh đạo tuy có tăng nhưng chưa tương xứng với tiềm năng của phụ nữ hiện chiếm trên 50% lực lượng lao động của xã hội và không đồng đều ở các địa phương.
Mặc dù hiện nay chỉ số nâng cao quyền năng giới của Việt Nam thuộc loại trung bình trên thế giới- 62/109 nước trên thế giới được xếp hạng, nhưng tỷ lệ cán bộ nữ giữ chức danh chủ chốt trong các cơ quan Nhà nước hiện rất thấp: có 01 nữ bộ trưởng, khoảng 10 trên hơn 100 thứ trưởng và tương đương là nữ; tỷ lệ nữ Chủ tịch HĐND cấp tỉnh đạt 4,76%, Chủ tịch UBND cấp tỉnh là 1,59%, Phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh là 16%, Phó chủ tịch UBND là 16,08%.
Thách thức đặt ra trong thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị ở nước ta vẫn còn nhiều, nhưng thách thức lớn nhất vẫn là những định kiến của xã hội đối với vấn đề bình đẳng giới, quan niệm “trong nam coi thường nữ” vẫn là một vấn đề còn tồn tại trong nhận thức của nhân dân. Bên cạnh đó một số quy định khác biệt giữa nam và nữ như tuổi nghỉ hưu, tuổi đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch đã hạn chế sự tham gia của chị em phụ nữ vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, mà rõ nét nhất là trong tham gia quản lý, lãnh đạo…
Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội chưa ổn định
 |
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng |
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội ở cả khu vực Trung ương và địa phương qua 5 nhiệm kỳ (từ 1987-2011) chưa ổn định, tăng dần trong 4 nhiệm kỳ lần lượt là: 17,74%, 18,48%, 26,2%, 27,3% nhưng giảm xuống 25,7% tại nhiệm kỳ 2007-2011.
Theo kết quả Hội nghị Hiệp thương lần 2 chuẩn bị cho bầu cử Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, tỷ lệ nữ ứng cử đại biểu Quốc hội đạt 31,12%, với số lượng 338 nữ/1.086 đại biểu. Tỷ lệ nữ ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh đạt tỷ lệ 33,75%, với số lượng 2.423 nữ/7.180 người. Tỷ lệ nữ ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện, xã tương ứng là 30,55% và 34,63%.
Qua so sánh số liệu cùng thời kỳ sau hội nghị hiệp thương lần thứ 2 của các nhiệm kỳ Quốc hội và HĐND gần đây cho thấy, tỷ lệ nữ tham gia ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh qua 2 nhiệm kỳ tăng hơn trước nhưng không đồng đều; tỷ lệ nữ tham gia ứng cử địa biểu Quốc hội do địa phương giới thiệu qua 3 nhiệm kỳ chưa ổn định.
Nữ ứng cử viên không phải là số dư
 |
Bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ tịch Hội LH Phụ nữ Việt Nam |
Bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ tịch Hội LH Phụ nữ Việt Nam cho rằng, chính phụ nữ cũng cần hiểu cho đúng về quyền của mình được tham gia vào bầu cử Quốc hội và HĐND. Nữ đại biểu là đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của các nữ cử tri, chứ không phải tham gia vào cơ cấu cho đẹp. Vẫn còn có quan niệm rằng, phụ nữ còn gia đình, còn việc nhà, nếu được bầu vào các cơ quan dân cử thì thêm khó khăn, gánh nặng cho chị em.
Theo bà Thúy, tỷ lệ nữ ứng cử viên hiện nay không nhiều, chỉ có hơn 30%. Nhưng nhìn vào cơ cấu thì rất ít nữ ứng cử viên thuộc cơ cấu cứng, phần lớn là cơ cấu kết hợp. Mà cơ cấu kết hợp thì khó được lựa chọn. Nhiều chị em không trong cơ cấu cứng, mà là người trong số dư. Đó là thực tế ở các địa phương.
Hội Phụ nữ Việt Nam đã phối hợp với Bộ Nội vụ tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho chị em, đặc biệt là những ứng cử viên lần đầu. Theo đó, các nữ ứng cử viên sẽ được cung cấp thêm thông tin liên quan đến bầu cử, bổ sung kỹ năng cần thiết để tự tin hơn trong quá trình vận động bầu cử và tiếp xúc cử tri.
"Có người gánh 4 cơ cấu: phụ nữ, DTTS, quần chúng ngoài Đảng, trẻ tuổi. Như thế rất khó tìm được 1 nữ ứng cử viên thật tiêu biểu". |