Ứng phó khẩn cấp bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò

12/08/2021 - 12:01

BDK.VN - Ngày 9-8-2021, Chi cục Thú y vùng VI thông báo phát hiện vi-rút Capripox gây bệnh viêm da nổi cục trên bò trong mẫu xét nghiệm bệnh phẩm bò bệnh tại xã Phú Lễ, huyện Ba Tri.

Trước đó, UBND huyện Ba Tri đã có báo cáo về tình hình dịch bệnh trên đàn bò tại xã Phú Lễ, huyện Ba Tri. Cụ thể, 4/9 con bò cái của một hộ nuôi tại ấp Phú Lợi, xã Phú Lễ, huyện Ba Tri có dấu hiệu bị bệnh viêm da nổi cục (VDNC) với các triệu chứng như: sốt cao, biếng ăn, ăn ít, miệng chảy nước bọt, có nhiều nốt sần có kích thước khác nhau ở nhiều vị trí trên cơ thể. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) nhận định, những con bò trên chưa được tiêm phòng vắc-xin ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: lở mồm long móng, tụ huyết trùng, VDNC nên không có miễn dịch đối với bệnh.

Hiện ngành chức năng đang tích cực điều trị cho đàn bò để chống phụ nhiễm, hướng dẫn chủ nuôi chăm sóc nuôi dưỡng để tăng sức đề kháng cho đàn gia súc, thực hiện cam kết chủ nuôi không được di chuyển, bán bò cho đến khi kết thúc ổ dịch, tăng cường công tác vệ sinh tiêu độc chuồng trại.

Được biết, xã Phú Lễ hiện có tổng đàn gia súc với 5.700 con trâu, bò, riêng ấp Phú Lợi (ấp có ca bệnh) có 2.150 con trâu, bò. UBND xã Phú Lễ đã phân công thành viên tiếp tục theo dõi điều trị những con bò bệnh; đồng thời, giám sát chặt chẽ số bò còn lại trên địa bàn. Đồng thời, tổ chức thông tin tuyên truyền vận động người chăn nuôi thường xuyên vệ sinh tiêu độc chuồng trại,và tích cực hưởng ứng công tác tiêm phòng bệnh VDNC để sớm tạo khả năng miễn dịch cho đàn gia súc.

Theo Sở NN&PTNT, tình hình bệnh xảy ra ở xã Phú Lễ cho đến thời điểm hiện tại còn đang ở diện hẹp (xảy ra trên 1 hộ chăn nuôi bò) và nằm trong tầm kiểm soát của địa phương. Sở đã trình UBND tỉnh cho chủ trương tạm thời không công bố dịch VDNC trên địa bàn xã Phú Lễ, huyện Ba Tri. Không tiêu hủy gia súc mắc bệnh; giám sát chặt, thực hiện các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan, tăng cường chăm sóc và điều trị các triệu chứng cho gia súc bị bệnh. Chỉ thực hiện tiêu hủy trong trường hợp gia súc bệnh chết hoặc bị bệnh nặng không có khả năng hồi phục và thực hiện hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9-1-2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn có khả năng lây lan do phần lớn đàn bò chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh VDNC, chăn nuôi nhỏ lẻ khó quản lý mầm bệnh phát tán ngoài môi trường, véc tơ truyền bệnh (ruồi, muỗi, ve, mòng…) xâm nhập vào chuồng nuôi truyền bệnh. Sở NN&PTNT trình tỉnh xem xét, Cấp 12.000 liều vắc-xin dự trữ chống dịch VDNC để tiêm phòng cho toàn bộ đàn trâu, bò và 120 lít hóa chất dự trữ chống dịch Hantox 200 để phun xịt tiêu diệt véc tơ truyền bệnh trên địa bàn xã có dịch (xã Phú Lễ), xã Mỹ Nhơn và 1 phần của xã Phước Ngãi (các ấp liền kề với xã Phú Lễ).

Trước đó, ngày 6-8-2021, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch Ứng phó khẩn cấp bệnh VDNC trâu, bò trên địa bàn tỉnh Bến Tre năm 2021. Theo đó, đối với địa phương khi dịch bệnh VDNC xảy ra, thành lập các tổ, đội: tổ chức tiêm vắc-xin phòng bệnh VDNC đạt tối thiểu 90% trâu, bò trong diện tiêm; tổ chức tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi, phun hóa chất diệt côn trùng, tần suất thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Đối với các địa phương khi bệnh VDNC trên trâu, bò chưa xảy ra, cấp huyện, xã tổ chức thống kê tổng đàn tại cơ sở, đề nghị các tổ chức, cá nhân chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn chủ động tổ chức tiêm phòng vắc-xin VDNC khẩn cấp bảo đảm tỷ lệ tiêm phòng đạt tối thiểu trên 80% số trâu, bò thuộc diện tiêm phòng.

Nhân lực tiêm phòng do UBND các huyện, thành phố (cấp huyện) chỉ đạo UBND cấp xã thành lập tổ, đội tiêm phòng hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi nông hộ, trang trại có nhu cầu tiêm phòng vắc-xin theo hướng dẫn; công tiêm phòng do hộ chăn nuôi chi trả theo quy định. Hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên phát quang bụi rậm, quét dọn chuồng trại, thu gom chất thải; định kỳ tiêu độc, khử trùng và phun hóa chất để diệt mầm bệnh và ký chủ trung gian (ruồi, muỗi, ve, mòng...) để phòng chống các loại dịch bệnh phát sinh, liều lượng và tần suất thực hiện theo hướng dẫn của nhà sản xuất; người chăn nuôi tự chịu chi phí mua hóa chất và tổ chức phun xịt.

Đối với các địa phương khi bệnh VDNC trên trâu, bò chưa xảy ra, UBND cấp xã tổ chức cho người chăn nuôi, các cơ sở mua bán, vận chuyển, giết mổ trâu, bò cam kết thực hiện 5 “không” (không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển trâu bò bệnh, trâu bò chết; không giết mổ, tiêu thụ sản phẩm trâu bò bệnh, trâu bò chết; không vứt xác trâu, bò ra ngoài môi trường; không chăn thả rông trâu bò bị bệnh chung trên đồng cỏ). Ngoài ra, các xã, phường, thị trấn có chăn nuôi trâu, bò đánh giá tình hình và xem xét quỹ đất để dự phòng các trường hợp hộ chăn nuôi không có đất để tiêu hủy (chôn lấp).

Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN