Nhằm triển khai kịp thời, có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục (VDNC) phù hợp với diễn biến dịch bệnh hiện nay, đảm bảo hạn chế thấp nhất nguy cơ dịch bệnh xảy ra và lây lan trên địa bàn tỉnh; chủ động kiểm tra, giám sát, phát hiện, ngăn chặn sớm, sẵn sàng ứng phó kịp thời, hiệu quả với bệnh VDNC, UBND tỉnh Bến Tre vừa ban hành kế hoạch ứng phó khẩn cấp bệnh Viêm da nổi cục trâu, bò trên địa bàn tỉnh Bến Tre năm 2021.
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương thông tin kịp thời, chính xác về tình hình diễn biến dịch bệnh, trong đó có sự phối hợp chặt chẽ, giữa các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, sự tham gia tích cực của người dân trong phòng, chống dịch bệnh kịp thời, hiệu quả. Triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn chặn và phòng, ngừa bệnh VDNC ở trâu, bò trên địa bàn tỉnh; nâng cao nhận thức của người dân về phòng bệnh bằng vắc-xin là giải pháp hữu hiệu nhất đối với bệnh. Thực hiện theo đúng quy định của Luật Thú y, Luật Chăn nuôi và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thú y... trong việc thực hiện biện pháp phòng, chống bệnh VDNC. Chủ động các giải pháp ứng phó kịp thời trong trường hợp dịch bệnh xảy ra trên địa bàn tỉnh, hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra.
Hiện nay, bệnh VDNC trên trâu, bò đã xảy ra tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước với tốc độ lây lan nhanh và khó kiểm soát. Tại Bến Tre bước đầu xác định đã xảy ra tại 1 hộ nuôi với 3 con bò có dấu hiệu bị bệnh (đang chờ kết quả xét nghiệm). Từ đó, cho thấy nguy cơ dịch bệnh phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao do các hoạt động giao thương mua bán, mùa hoạt động mạnh của các loài véc tơ truyền bệnh, tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ không đảm bảo an toàn sinh học, nhận thức của người dân về phòng, chống dịch bệnh còn hạn chế, đặc biệt trong thời gian dịch bệnh Covid-19. Trong khi đó, tỉnh Bến Tre có tổng đàn trâu, bò khá lớn, với trên 223 ngàn con, trong đó, đàn bò sữa là 2,1 ngàn con với giá trị kinh tế rất cao.
Trung Trí