Dự án được thực hiện tại 10 tỉnh,
thành trong cả nước, trong đó có Bến Tre. Mục tiêu nhằm góp phần cải thiện điều
kiện cấp nước, vệ sinh môi trường và dinh dưỡng cho 366 ngàn người dân trong
khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của hạn hán và xâm nhập mặn.
Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh
Bến Tre (Trung tâm) là đơn vị đầu mối tiếp nhận và triển khai thực hiện dự án tại
3 huyện Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam và Giồng Trôm. Theo kế hoạch, có 12.500 hộ nghèo
và 20 trường THCS được hưởng lợi từ dự án, tổng kinh phí tài trợ 271 ngàn USD gồm:
19.360 hộp thuốc khử trùng nước Aquatabs, 13.740 hộp thuốc làm trong nước Pur,
30.208 bánh xà phòng (trong đó cấp cho các trường THCS 5.208 bánh, số còn lại
cho hộ gia đình), 12.500 xô nhựa có nắp đậy loại 12 lít, 12.500 tấm vải lọc.
Bên cạnh đó,
UNICEF đặc biệt chú trọng đến mảng truyền thông giáo dục. Có trên 25 ngàn tờ
rơi truyền thông hướng dẫn các loại và 12.500 quyển cẩm nang bảo vệ nguồn nước
và thực hành vệ sinh được phát hành. Đồng thời, dự án cũng cung cấp 534 sổ tay
thông điệp và hướng dẫn phát triển tài liệu truyền thông ứng phó với thiên tai
thảm họa cho cán bộ triển khai chương trình nhằm phục vụ hàng loạt hoạt động tập
huấn truyền thông hướng đến hộ nghèo hưởng lợi từ dự án cũng như các em học
sinh tại 20 trường THCS trong 3 huyện dự án.
Trung tâm phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo, Hội Liên hiệp
Phụ nữ tỉnh, Hội Chữ thập đỏ và Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe triển
khai các hoạt động của dự án. Dự án UNICEF tập trung can thiệp về nước sạch, vệ
sinh, truyền thông khuyến khích thực hành vệ sinh cho trẻ em, người nghèo bị ảnh
hưởng hạn hán và xâm nhập mặn tại 47 xã dự án. Thời gian dự kiến đến hết quý I
năm 2017 hoàn thành, các hoạt động chính của dự án bao gồm 7 mảng chính:
Một là, tập huấn 4 lớp (Giồng Trôm 2, Mỏ Cày Nam 1, Mỏ
Cày Bắc 1) hướng dẫn cho 169 cán bộ nguồn cấp xã về nội dung: Hướng dẫn sử dụng
thuốc xử lý nước do UNICEF tài trợ; Hướng dẫn 6 bước rửa tay bằng xà phòng đúng
cách. Các nội dung này sẽ được lớp cán bộ nguồn về hướng dẫn lại cho người dân
trước khi bước cấp phát thuốc cho hộ dân được triển khai.
Hai là, Trung tâm phối hợp với địa phương vận chuyển tập
kết hàng về 47 xã dự án; UBND các xã lên kế hoạch cấp phát hàng cho các hộ dân
trên địa bàn 3 huyện. Mỗi hộ được nhận 70 viên thuốc khử trùng nước Aquatabs,
260 gói thuốc làm trong nước Pur, 2 bánh xà phòng, 1 xô và vải lọc cùng các tài
liệu hướng dẫn, truyền thông các loại liên quan đến xử lý nước và thực hành vệ
sinh cá nhân. Hoạt động cấp phát thuốc cho 12.500 hộ đến nay đã hoàn tất.
Ba là, huy động cộng đồng áp dụng các giải pháp cấp nước
hộ gia đình, thúc đẩy hành vi vệ sinh cá nhân, truyền thông về nước sạch thông
qua họp nhóm tại 47 xã dự án, dự kiến có 2.632 người được hướng dẫn xử lý nước,
thực hành vệ sinh cá nhân.
Bốn là, truyền thông về nội dung khuyến khích thay đổi
hành vi, sử dụng hóa chất xử lý nước qua hệ thống loa đài truyền thanh huyện,
xã dự án. Trong thời gian diễn ra hoạt động cấp phát hàng của UNICEF, đài phát
thanh huyện truyền thông “Xử lý nước ô nhiễm thành nước sạch” và “6 bước có bàn
tay sạch”. Bên cạnh đó, đài truyền thanh xã cũng phát bài hướng dẫn người dân
cách sử dụng viên thuốc khử trùng nước Aquatabs và túi thuốc lọc trong và khử
trùng nước Pur.
Năm là, khuyến khích thực hành vệ sinh đúng cách cho học
sinh tại 20 trường THCS tại 3 huyện, dự kiến 8.687 em được hướng dẫn, truyền
thông.
Sáu là, hoàn thành lắp đặt 20 hệ thống lọc nước tinh khiết
công nghệ RO công suất 35 lít/h cho 20 trường THCS. Nguồn nước đầu vào chủ yếu
là nước máy, chất lượng nước đầu ra đạt quy chuẩn QCVN 01:2009/BYT nước dùng
cho ăn uống.
Bảy là, dự án sẽ có kế hoạch khảo sát viếng thăm hộ/trường
học theo lộ trình đến hết quý I năm 2017 là kết thúc toàn bộ hoạt động giám sát
đánh giá. Hoạt động này được thực hiện với sự phối hợp giữa Trung tâm với
UNICEF và Trung tâm Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn.
Với 7 nội dung chính nêu trên, Trung tâm kết nối cùng
UNICEF, Trung tâm Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, các ngành
tỉnh được phân giao, 47 xã và 20 trường học của dự án nỗ lực hoàn thành đúng tiến
độ, đạt yêu cầu đúng kỳ vọng của UNICEF. Dự án đã giúp 12.500 hộ nghèo tương ứng
khoảng 46.050 người, trong đó 19.649 phụ nữ, 10.257 trẻ em có được nguồn nước sạch
an toàn dùng trong sinh hoạt trường hợp hạn mặn diễn ra, giảm thiểu tác động
tiêu cực của biến đổi khí hậu.