
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Hồng Nhung cùng đoàn thắp hương tại Đền thờ đồng chí Huỳnh Tấn Phát. Ảnh: Phạm Tuyết
Tham dự lễ viếng có Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Hồng Nhung, các Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Ủy viên Ban Thường trực, cán bộ chuyên trách Ủy ban MTTQ tỉnh, đại diện lãnh đạo, cán bộ Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Bình Đại, Đảng ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội xã Châu Hưng.
Đại biểu dành phút mặc niệm tưởng nhớ công lao đồng chí Huỳnh Tấn Phát đối với sự nghiệp cách mạng nói chung, công tác Mặt trận (MT) nói riêng; thành kính dâng hoa, dâng hương tại đền thờ.
Đồng chí Huỳnh Tấn Phát sinh ngày 15-2-1913 trong một gia đình viên chức nghèo ở xã Châu Hưng, huyện Bình Đại. Nhiệt huyết cách mạng đã được Huỳnh Tấn Phát ấp ủ ngay từ thời học sinh, sinh viên. Cùng với những đóng góp cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, đồng chí Huỳnh Tấn Phát còn là người cán bộ tận tâm với công tác MT.
Vào giữa năm 1982, trên cương vị là Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Huỳnh Tấn Phát ra sức khôi phục và phát triển Ủy ban Xây dựng cơ bản Nhà nước, theo đúng chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về ngành kiến trúc và xây dựng. Ông quy tụ được một số đông kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng giỏi để phát huy tác dụng của ngành, tiếp đó ông được chuyển sang làm công tác MT.

Đoàn cán bộ lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, huyện Bình Đại, Đảng ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Châu Hưng viếng Đền thờ đồng chí Huỳnh Tấn Phát. Ảnh: Phạm Tuyết
Nhiều người muốn kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát ở lại phụ trách ngành, nhưng ông không chần chừ, sẵn sàng sang cơ quan MT. Ông góp sức với Đảng đoàn và Ban Thư ký soạn Chỉ thị số 17-CT/TW, ngày 18-4-1983 của Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa V) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác MTTQ Việt Nam trong giai đoạn mới”, một chỉ thị có thể làm nền tảng cho việc đổi mới công tác MT, góp nhiều kinh nghiệm chuẩn bị nội dung, nhân sự.
Tháng 5-1983, Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ II được tổ chức trọng thể tại Hội trường Ba Đình, ông Huỳnh Tấn Phát được bầu làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - nguyên Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, dù ở cương vị nào đồng chí cũng luôn tận tụy, hết lòng phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân. Với những công lao đóng góp và thành tích lớn đối với cách mạng, đồng chí được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng; được Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tặng thưởng Huy chương “Vì sự nghiệp đại đoàn kết” cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.
* Chiều 30-1-2023, đoàn cán bộ Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh do PGS.TS Nguyễn Thế Dũng, Hiệu trưởng nhà trường làm trưởng đoàn đã đến thắp hương Đền thờ đồng chí Huỳnh Tấn Phát (xã Châu Hưng, huyện Bình Đại). Tham gia cùng đoàn có lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các đơn vị trực thuộc, chính quyền địa phương.

PGS.TS Nguyễn Thế Dũng - Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh thắp hương tưởng niệm bà Huỳnh Lan Khanh, con gái đồng chí Huỳnh Tấn Phát. Ảnh: Phạm Thanh Bình.
Tại đây đoàn đã thắp hương đồng chí Huỳnh Tấn Phát, con gái Huỳnh Lan Khanh và tham quan trưng bày tại đây.
Sau đó, đoàn cán bộ Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh làm việc với Ban tổ chức kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Huỳnh Tấn Phát của tỉnh Bến Tre, thông qua kịch bản Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Người vẽ cờ giải phóng”. Tác giả là Tiến sĩ Trịnh Đăng Khoa - Hiệu phó nhà trường trình bày toàn bộ nội dung kịch bản dự kiến của chương trình nghệ thuật.
Trong đó, nhấn mạnh các giá trị cốt lõi của đồng chí Huỳnh Tấn Phát cùng những giá trị cơ bản của con người Bến Tre hiện đại. Đây là chương trình nghệ thuật đặc biệt phục vụ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Huỳnh Tấn Phát (15-2-1913 - 15-2-2023).
Phạm Tuyết - Hoàng Huấn