Vài suy nghĩ về giải pháp phòng chống hạn mặn

08/04/2016 - 06:54

Các chiến sĩ Quân khu 9 cấp nước ngọt sinh hoạt cho người dân xã Vang Quới Đông, huyện Bình Đại. Ảnh: Đặng Thạch

Từ đầu năm 2016 đến nay, nước ta đã chứng kiến hiện tượng biến đổi khí hậu (BĐKH) rõ ràng hơn, như nắng hạn gay gắt kéo dài, xâm nhập mặn vào các cửa sông. Hiện tượng này chưa từng có trong gần 100 năm qua, gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân, nhất là ở miền Trung, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long.

Tác hại của thiên tai vô cùng tàn khốc, hàng ngàn hộ dân thiếu nước sạch sinh hoạt, vật nuôi không có nước để uống, cây trồng khô héo, đặc biệt là lúa chưa trổ bông đã cháy vàng đồng, thiệt hại 100% do nắng hạn hoặc nước mặn gây ra.

Trước tình hình đó, là một cán bộ Quân đội nghỉ hưu, tôi rất đau lòng và lo lắng trước hiện tượng diễn biến ngày càng khắc nghiệt của thời tiết. Để góp sức cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân giảm nhẹ thiệt hại do nắng hạn, xâm nhập mặn gây ra năm nay cũng như những năm sắp tới, bản thân tôi có nhiều suy nghĩ. Trước hết, chúng ta cần tuyên truyền sâu rộng cho nhân dân hiểu đầy đủ về BĐKH và tác hại nặng nề của nó gây ra, ảnh hưởng nặng nề đến sự tồn tại và phát triển của loài người, sự tồn vong của mỗi quốc gia, dân tộc, đặc biệt là tài nguyên nước bị cạn kiệt… để mọi người có ý thức chung tay bảo vệ môi trường, nguồn nước ngọt, không làm điều gì dù nhỏ nhất để ảnh hưởng đến môi trường sống và nên làm nhiều việc dù nhỏ nhất để bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên nước như trồng một cây xanh, thả một con cá, nhặt một túi ni-lông rơi ngoài đường bỏ vào thùng rác…

Sau khi mọi người có nhận thức đúng về tác hại của biến đổi khí hậu và tầm quan trọng của nguồn nước ngọt, thì hệ thống chính trị, nhất là cấp cơ sở cần tập trung vận động, tổ chức cho mọi người dân, mỗi hộ gia đình bằng mọi biện pháp có thể để tích nước, dự trữ nước ngọt cho sinh hoạt, ăn uống, sản xuất, chăn nuôi của gia đình. Có thể tận dụng tất cả các vật dụng, dụng cụ, phương tiện để dự trữ nước ngọt khi mùa mưa đến hoặc lúc nước ngọt dồi dào; mỗi hộ gia đình ở đô thị nên tận dụng dụng cụ chứa nước để tích trữ ít nhất vài ngàn lít nước ngọt để ăn uống, hộ dân ở nông thôn sử dụng hồ chứa, lu, khạp tích trữ nước càng nhiều càng tốt. Đối với hộ làm nông nghiệp, trong vườn hoặc ruộng, rẫy nên kiến tạo một ao vừa rộng, vừa sâu ở giữa diện tích đất, lắp đặt đường ống để lấy nước tưới, đồng thời lắp đặt hệ thống cống để lấy nước ngọt bổ sung vào và đóng cống lại khi gần đến mùa nước mặn, giữ cho nước trong ao ngọt quanh năm. Nếu không muốn đào ao sâu, có thể đào vài lưỡi vá, sau đó mua bạt mủ trải quanh thành một hồ nhân tạo, lớn nhỏ tùy điều kiện để bơm nước ngọt vào dự trữ. Hoặc cách khác nữa là dùng túi nhựa (loại làm hầm biogas), bơm nước ngọt vào và thả xuống mương vườn, ao hồ, sông rạch để trữ nước ngọt vẫn được. Đối với bà con trong khu dân cư hoặc từng xóm, ấp cũng có thể làm phương án tích trữ nước ngọt cho bà con khu vực cùng sử dụng.

Có thể nói, mục đích cuối cùng của chúng ta là vận động mọi người dân phải có ý thức trong tiết kiệm và sử dụng đúng mục đích nguồn tài nguyên nước. Nếu làm được như vậy, hàng tỷ mét khối nước ngọt không bị trôi ra biển uổng phí và người dân mất hết hoa màu, nguồn nước sạch, Nhà nước tốn hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng để cứu trợ khẩn cấp như hiện nay. Về phía Nhà nước, để hỗ trợ thiết thực cho người dân phòng chống BĐKH, ngăn mặn, trữ ngọt kịp thời, khả thi, cần có chiến lược ưu tiên đầu tư nguồn vốn để xây dựng các công trình mang tầm vóc quốc gia, quốc tế và đa dụng, vừa phòng chống BĐKH gắn với phát triển kinh tế bền vững và đảm bảo quốc phòng và an ninh trong giai đoạn mới. Mặt khác, nên có cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất nhựa dân dụng, cần nghiên cứu sản xuất các bao, túi nhựa, thùng chứa, tấm bạt an toàn, chất lượng và đa chủng loại, kích cỡ để đáp ứng nhu cầu sử dụng chứa nước ngọt trong từng hộ gia đình hoặc cơ sở sản xuất, kinh doanh, công sở, trường học, bệnh viện...

Đây là những giải pháp tình thế, trước mắt để đối phó với hạn mặn, nhưng về lâu dài, chúng ta phải có một chiến lược khác, làm chậm BĐKH hoặc phòng chống có hiệu quả các diễn biến phức tạp của thời tiết là bảo vệ môi trường sống trong lành, chống ô nhiễm do khí thải, nước thải từ các nhà máy sản xuất, tăng cường trồng cây xanh, bảo vệ rừng nguyên sinh, rừng ngập mặn, mở rộng và trồng mới nhiều cánh rừng; đặc biệt là giáo dục mỗi người có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, không xả rác thải bừa bãi, biết bảo vệ, sử dụng nguồn nước sạch đúng cách, tiết kiệm và an toàn.

Đại tá Ngô Phong Sơn - Nguyên Trưởng Phòng Tuyên huấn Quân khu 9

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN