Vẫn chưa có người “phát pháo” cho Đề án Bến Tre 50

30/06/2010 - 08:09

Đề án Bến Tre 50 (Đề án Đào tạo 50 cán bộ khoa học, kỹ thuật ở nước ngoài có trình độ sau đại học (40 thạc sĩ và 10 tiến sĩ) của tỉnh Bến Tre giai đoạn 2009 –2015), đến nay đã gần một năm nhưng vẫn chưa có cán bộ nào đi học. Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn cán bộ đi học bị hạn chế.

Ông Nguyễn Văn Bằng – Phó Giám đốc Sở Nội vụ - cho biết, trong số 10 hồ sơ nộp trong quý 1-2010 (3 cán bộ và 7 sinh viên) thì có 4 hồ sơ đủ điều kiện đi học. Tuy nhiên, khi Sở xúc tiến việc đi học thì có sinh viên không muốn đi vì… không chịu về tỉnh làm việc sau khi học xong! Để tạo điều kiện cho cán bộ nguồn tham gia Đề án, UBND tỉnh đã có công văn phân bổ chỉ tiêu cho các cơ quan, ban, ngành tỉnh và các huyện, mỗi đơn vị 2 người. Nhưng thực tế, các đơn vị chưa thật sự vào cuộc, đến nay mới có 10 ứng viên đăng ký (3 ứng viên đã nộp hồ sơ). Và vì thế, đến nay vẫn chưa có cán bộ, công chức hay sinh viên nào đi học theo đề án này.
Thêm một trở ngại trong việc thực hiện Đề án Bến Tre 50 là cán bộ bị hạn chế về ngoại ngữ. Điều kiện đủ để đi học nước ngoài là trình độ tiếng Anh đạt TOEFL 550 điểm hoặc IELTS 6.0. Tuy nhiên, đến thời điểm này, có rất ít ứng viên đăng ký đi học đủ điều kiện về ngoại ngữ. Để khắc phục tình trạng này, từ tháng 7-2009, tỉnh đã tổ chức lớp học ngoại ngữ theo hướng TOEFL cho gần 50 cán bộ, công chức trong tỉnh. Nhưng trong thời gian học, nhiều người tự ý bỏ lớp và đến cuối khóa chỉ còn khoảng 20 người. Lớp học cũng được tổ chức thi thử nhưng người cao điểm nhất cũng chưa quá 450 điểm. Ông Trần Việt Dũng – chuyên viên Phòng Xây dựng chính quyền và đào tạo (Sở Nội vụ) cho biết, Sở đang tạo điều kiện để các học viên có khả năng đăng ký dự thi TOEFL tại TP.HCM trong tháng tới.
Theo ông Nguyễn Văn Bằng, sắp tới Sở sẽ đề xuất khi cử cán bộ đi học ngoại ngữ là sẽ học tập trung, không bị phân tâm bởi công việc. Có như vậy thì việc đào tạo mới thật sự đạt hiệu quả. Còn về chọn nguồn cần có sự quan tâm, nhiệt tình hơn từ các sở, ngành và cấp huyện. “Lãnh đạo các ban, ngành và địa phương cần mạnh dạn đặt niềm tin ở người trẻ. Bởi đề án này quy định độ tuổi đi học từ 30 trở lại (hoặc 33 tuổi nếu học tiến sĩ)” – ông Bằng nói.
Cũng cần nói thêm rằng, Đề án Bến Tre 50 được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua từ năm 2006. Kinh phí đi học từ nguồn ngân sách tỉnh là chủ yếu. Sau 3 năm thực hiện nhưng chưa có người nào chính thức đi học theo đúng như qui định của đề án (có 3 trường hợp nhưng chỉ được hỗ trợ một phần kinh phí). Tháng 10-2009, HĐND quyết định kéo dài đề án đến năm 2015. Điều kiện bắt buộc của Đề án này là cán bộ nguồn được cử đi đào tạo phải có cam kết phục vụ lâu dài cho tỉnh: thạc sĩ (6 năm), tiến sĩ (9 năm), do Nhà nước giữ bằng cấp trong thời gian cam kết phục vụ. Đây là đề án đề ra mục tiêu đào tạo cán bộ kỹ thuật ở nước ngoài nhiều nhất của tỉnh từ trước đến nay.

Phương Yến

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN