Vận dụng lời dạy của Bác Hồ để sống tốt hơn

06/06/2010 - 16:17
Ông Bùi Bằng Đoàn lên danh sách các em học sinh nghèo để trao học phẩm, học bổng. Ảnh: Q.H

Có ai đó đã từng nói, chúng ta không thể trở thành Hồ Chí Minh, nhưng chỉ cần học được ở Bác một đức tính là đã sống tốt hơn rất nhiều. Ông Bùi Bằng Đoàn, một giáo viên hưu trí, đã làm như thế.

Ông đã vận dụng lời dạy của Bác vào những công việc bình dị để nó không chỉ thấm sâu trong nhận thức mà còn biến thành hành động cụ thể, như vận động nhiều nguồn hỗ trợ trong và ngoài nước để giúp đỡ học sinh nghèo, người già neo đơn... góp phần cùng với địa phương chăm lo công tác khuyến học và đời sống người dân.

Sau khi về hưu, ông Bằng Đoàn tham gia công tác xã hội tại địa phương. Với vai trò là Chủ tịch Hội Khuyến học, Chủ tịch Hội Chất độc da cam/dioxin và Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Phú An Hòa (Châu Thành) ông Bằng Đoàn luôn trăn trở làm sao để giúp đỡ người nghèo có cơm ăn áo mặc, học sinh nghèo được cắp sách đến trường... Thế là ông bắt tay vào việc, đến gõ cửa từng nhà, vận động từ những người thân cùng chung tay.

Lúc đầu, do chưa vận động được nhiều, nên ông chỉ giúp trẻ em nghèo trong khả năng vận động từ những người thân trong gia đình mình. “Tiếng lành đồn xa”, các bạn học ngày xưa sinh sống trong và ngoài nước, chủ động tìm đến và xin được cùng ông giúp đỡ những người nghèo. Tính từ năm 2006 đến nay, ông vận động hàng tỷ đồng giúp đỡ cho nhiều hoàn cảnh khó khăn, nhiều em học sinh có nguy cơ bỏ học trở lại mái trường. Ông Bằng Đoàn chia sẻ: Từ nhỏ, tôi đã phải chịu nhiều vất vả để được đến trường, vì gia đình nghèo. Mỗi ngày tôi phải đi bộ khoảng 5 cây số để đến trường. Trước khi đi học, tôi mang theo lon gạo, vào trường nhờ cô ở nhà bếp nấu dùm và xin nhà trường thức ăn (lúc đó tôi học bán trú). Có lẽ vì thế mà tôi đã tìm được sự đồng cảm với những em học sinh nghèo...

Trong thời gian qua, ông Bằng Đoàn đã giúp đỡ cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở 14 trường học, và người nghèo, người  già neo đơn ở 6 xã trên địa bàn huyện Châu Thành. Là người tích cực tham gia và vận động mọi người làm công tác xã hội từ thiện, nhưng khi được hỏi về việc làm ý nghĩa của mình, ông khiêm tốn nói: “Xã hội còn nhiều mảnh đời khó khăn, bất hạnh đã thôi thúc tôi phải đi giúp người, vì làm công tác này chủ yếu là ở cái tâm, tấm lòng của mình đối với người nghèo”. Hiện tại, ông Bằng Đoàn đang nhận trợ cấp cho 9 cụ già neo đơn tại xã, với số tiền 200 ngàn đồng/người/tháng, cấp học bổng cho 3 sinh viên được theo học đại học ở TP.HCM.

Không những lo cho người nghèo có cái ăn, cái mặc, trẻ em nghèo được đến trường mà ông Bằng Đoàn còn mua bảo hiểm y tế cho người nghèo và bảo hiểm tai nạn cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Hay có nhiều người muốn làm nấm rơm, làm bún miến, bán vé số... ông cho họ mượn vốn (không hoàn lại) để làm, kiếm thu nhập. Đến xã Phú An Hòa, hỏi thăm đến ông Bằng Đoàn thì hầu như ai cũng biết, nhất là các em học sinh. Em Đặng Nhật Trường (học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Phú An Hòa) nói: Ông thường hay phát học bổng, học phẩm cho con và cho tiền gia đình con mua gạo. Con và gia đình rất biết ơn ông...!

Bây giờ, khi đã bước vào độ tuổi 80, nhưng ông Bằng Đoàn vẫn rất xông xáo, nhiệt tình với công tác xã hội. Đôi chân ông không ngơi nghỉ để tìm đến người nghèo và học sinh có hoàn cảnh khó khăn trao những món quà tình nghĩa. Điều ông Bằng Đoàn mong ước là bản thân có sức khỏe tốt, để chăm lo cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhiều hơn nữa, giúp người nghèo vươn lên ổn định cuộc sống theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Chia tay ông Bằng Đoàn lúc mặt trời đã đứng bóng, chúng tôi vẫn còn nghe vọng đâu đó lời tâm sự của ông: “Làm công tác nhân đạo để cứu giúp những mảnh đời khó khăn, hoạn nạn chính là niềm vui và hạnh phúc của mình. Bởi, đã sinh ra trong cuộc đời này thì điều quan trọng nhất là mình sống sao cho có ích, chứ không phải sống được bao lâu…”.

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN