Quan tâm công tác gia đình

26/06/2018 - 22:07

BDK - Gia đình được khẳng định là tế bào của xã hội, là nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng trong việc hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp. Có thể nói, xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững là yếu tố quan trọng để tiến đến xây dựng xã hội tiến bộ, văn minh.

Một hoạt động hội thi nhân kỷ niệm Ngày gia đình Việt Nam 28-6.

Một hoạt động hội thi nhân kỷ niệm Ngày gia đình Việt Nam 28-6.

Thực trạng tình hình

Theo đánh giá của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) về lĩnh vực gia đình, tình trạng gia đình Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, có sự xuống cấp của một số giá trị đạo đức, lối sống, văn hóa đang diễn ra hằng ngày, hàng giờ… Những điều đó đặt ra vấn đề là cần tìm giải pháp để cải thiện tình trạng vừa nêu. Bởi, gia đình không chỉ là nơi tập hợp các thành viên có quan hệ về hôn nhân, huyết thống và nuôi dưỡng mà còn giữ vai trò là một thiết chế cơ bản, quan trọng cấu thành nên xã hội. Gia đình là cái nôi nuôi dưỡng, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của mỗi gia đình, cộng đồng, dân tộc, xã hội. Vì thế, gia đình có vai trò vô cùng quan trọng trong xã hội.

Giải pháp về công tác gia đình đã và đang được Bộ VHTT&DL triển khai trong toàn quốc cũng nhằm mục đích nâng cao các giá trị gia đình. Đó là các đơn vị chức năng quản lý công tác gia đình tập trung triển khai các văn bản, chương trình hành động về lĩnh vực gia đình; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về gia đình; tổ chức hoạt động kỷ niệm Ngày Quốc tế hạnh phúc (20-3), Ngày Gia đình Việt Nam (28-6)...; triển khai các hoạt động phòng chống bạo lực gia đình; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công tác gia đình…

Tại Bến Tre thời gian qua, lĩnh vực gia đình đã được tỉnh quan tâm chỉ đạo bằng các văn bản cụ thể. “Ngành VHTT&DL sẽ quan tâm đến các giải pháp phòng chống bạo lực gia đình, nhân rộng các mô hình hay trong hỗ trợ, phòng chống bạo lực gia đình. Đồng thời, tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản, hỗ trợ, hướng dẫn các ngành, các cấp có những việc làm mang tính chất thiết thực gắn với công tác gia đình. Từ đó, nâng cao hiệu quả công tác gia đình” - Giám đốc Sở VHTT&DL Trương Quốc Phong cho biết.

Xây dựng gia đình hạnh phúc

Để xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững, chị Võ Ái Hòa - Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chia sẻ: Hiện nay, tình trạng ly hôn, nhất là ở các gia đình trẻ gia tăng rất nhiều, xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhưng trong đó liên quan nhiều nhất là vấn đề về kinh tế. Do đó, đảm bảo ổn định về kinh tế được xem là yếu tố rất quan trọng trong xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững. Một yếu tố nữa, những giá trị đạo đức truyền thống cốt lõi trong gia đình Việt Nam cần được quan tâm đề cao nhiều hơn. Việc chung tay chăm lo, giáo dục cho con cái, vun đắp tình cảm gia đình, giáo dục cho con về các giá trị đạo đức gia đình cũng không thể xem nhẹ.

Đối với các ban, ngành, đoàn thể có liên quan cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn trong thực hiện công tác gia đình, tăng cường tuyên truyền các nội dung về công tác gia đình. Ngay từ bây giờ, cần có sự chung tay giáo dục tốt cho các thế hệ con cái về các giá trị đạo đức tốt đẹp của gia đình Việt Nam, bồi dưỡng kỹ năng sống, những kiến thức về xây dựng gia đình từ độ tuổi vị thành niên để khi các em trưởng thành sẽ có nhận thức tốt về việc duy trì các giá trị ấy trong xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững.

Sự quan tâm, chia sẻ của cộng đồng, những người bên cạnh cũng rất quan trọng vì mỗi gia đình đều sống trong một cộng đồng. Khi một gia đình nào đó xảy ra vấn đề không vui, thì rất cần sự quan tâm chia sẻ kịp thời của những người hay các tổ chức có trách nhiệm (như: tổ hòa giải, tổ hội phụ nữ, cơ quan đơn vị nơi làm việc…) để nhận diện sớm nhất và sẽ làm “cầu nối” giúp cho gia đình ấy vượt qua giai đoạn khó khăn, tiếp tục xây dựng gia đình hạnh phúc.

Bài, ảnh: Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN