Về Phước Hiệp thăm mẹ Việt Nam anh hùng

13/07/2012 - 07:26
Mẹ Biền.

Phước Hiệp là một trong những xã chịu nhiều thiệt hại trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Toàn xã hiện có 8.505 nhân khẩu, với 2.048 hộ dân. Trong đó có trên 1.000 hộ gia đình chính sách, 665 gia đình liệt sĩ, trên 200 gia đình thương binh, 48 mẹ Việt Nam anh hùng, 2 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Về Phước Hiệp vào những ngày tháng 7, chúng tôi mới thấy được sự tất bật của mọi người trong công tác chăm lo cho gia đình chính sách. Anh Bùi Văn Đẹp - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hiệp cho biết: “Không phải chỉ đến những ngày tháng 7, xã mới thực hiện công tác chăm lo cho người có công, mà đây là công tác thường xuyên của xã. Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội của xã rất quan tâm công tác này, nhằm bù đắp phần nào sự mất mát của các gia đình có công với nước”. Phước Hiệp được công nhận là xã Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1996. Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Phước Hiệp là địa phương chịu nhiều tổn thất về người và của. Hiện nay, cách UBND xã khoảng 1 km, có một bia căm thù, nằm trong chợ xã, với ngôi mộ tập thể chôn 39 dân thường và chiến sĩ cách mạng trong cuộc càn quét của thủy quân lục chiến trong những năm 50 của thế kỷ trước. Anh Đẹp cho biết thêm, ở Phước Hiệp, bất cứ nhà nào cũng là gia đình có công với cách mạng, không đi kháng chiến thì cũng nuôi giấu cán bộ, chiến sĩ. Chúng tôi theo chân anh Đẹp về thăm mẹ Nguyễn Thị Niềm, sinh năm 1923. Mẹ Niềm có mẹ ruột, mẹ chồng đều là mẹ Việt Nam anh hùng. Mẹ có chồng và 2 con hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Mẹ kể, lúc chồng mẹ hy sinh, một  mình mẹ phải làm mướn nuôi 8 người con. Nỗi đau mất chồng đã trở thành động lực của sự căm thù làm cho mẹ hăng say hơn trên con đường đấu tranh cách mạng. Mẹ kể dù có nhà cửa, vườn tược nhưng bọn giặc Mỹ đã phá sạch, đốt sạch, buộc mẹ phải chuyển hướng hoạt động sang ấp An Nhơn (xã Đa Phước Hội) để mọi việc tạm ổn, mẹ có cơ hội trở về hoạt động tại địa phương. Gia đình mẹ gần như tất cả đều là chiến sĩ cách mạng, 2 cô con gái, 1 con dâu là du kích xã sau làm dân công hậu tuyến trở thành lực lượng đấu tranh thường trực và giúp đỡ các gia đình chiến sĩ cách mạng... Hiện giờ, mẹ là cán bộ hưu trí, tâm sự: “Đảng và Nhà nước có nhiều chính sách thể hiện sự quan tâm của thế hệ hôm nay đối với những người có công, dù có mất mát, hy sinh nhưng mẹ vẫn thấy ấm lòng”.

Rời nhà mẹ Niềm, chúng tôi đến thăm mẹ Nguyễn Thị Biền, sinh năm 1909. Đường vào nhà mẹ khá quanh co nhưng lại được tráng bê-tông sạch sẽ, cao ráo. Tiếp chúng tôi là chú Nguyễn Duy Bửu - cán bộ hưu trí là con của mẹ Biền. Chú cho biết, trước đây chú làm việc tại Ban Tuyên huấn tỉnh, rồi chuyển sang Ty Văn hóa - Thông tin, nhưng do tình trạng sức khỏe, nên chú nghỉ, trở về địa phương tham gia công tác đến nay. Mẹ Biền do tuổi cao (103 tuổi), dù còn khỏe nhưng trí nhớ của mẹ õ không còn minh mẫn. Chú Bửu kể cho chúng tôi nghe về những chiến công của gia đình trong kháng chiến. Gia đình chú có 3 liệt sĩ là ba và một anh, một chị của chú. Chú Bửu ngậm ngùi: “Khi còn minh mẫn, lúc nào mẹ cũng ao ước tìm được hài cốt của anh Nguyễn Văn Chương đưa về quê hương để đoàn tụ gia đình”. Vì hoàn cảnh đất nước chiến tranh, tất cả vì độc lập của dân tộc, không ai nghĩ rằng hy sinh để được nhớ ơn. Tuy nhiên, Đảng và Nhà nước đã thực hiện rất tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, từ việc thăm viếng, tặng quà đến chăm sóc sức khỏe, xây nhà tình nghĩa, tình thương cho gia đình chính sách…

Mất mát nào rồi cũng qua đi, hy sinh nào rồi cũng nguôi ngoai theo năm tháng nhưng cũng có những mất mát, hy sinh không thể nào quên được, đó là sự mất mát về con người. Thế hệ của chúng ta hôm nay và muôn đời sau vẫn mãi nhớ đến công lao, sự hy sinh to lớn của các vị anh hùng đã “vị quốc vong thân”.

Bài, ảnh: P.T

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN