Vẻ vang nền báo chí cách mạng

09/11/2021 - 11:21

BDK - Báo chí cách mạng Bến Tre có một vị trí đặc biệt quan trọng trong lịch sử báo chí Việt Nam. Nếu tính từ tờ Gia Định Báo, ấn hành năm 1865, tờ báo quốc ngữ đầu tiên do Trương Vĩnh Ký (1837 - 1898), người con của quê hương Chợ Lách, Bến Tre làm chủ bút, đến nay báo chí nước ta đã có trên 150 năm hình thành và phát triển.

Báo chí cách mạng Việt Nam với việc ra đời của tờ Thanh Niên vào năm 1925 do Nguyễn Ái Quốc sáng lập và điều hành đã qua 96 năm, góp phần không nhỏ cho sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do và hạnh phúc của toàn dân tộc và hòa nhập vào cộng đồng thế giới.

Lịch sử báo chí cách mạng Bến Tre đến nay có khoảng 90 năm hình thành và phát triển. Tờ báo đầu tiên của Đảng bộ tỉnh là tờ Dân Cày, xuất bản sau khi Liên Tỉnh ủy Bến Tre - Mỹ Tho được thành lập vào tháng 6-1930.

Nghiên cứu cội nguồn và cống hiến của báo chí cách mạng tỉnh, chúng ta có thể chia thành 4 thời kỳ: Thời kỳ từ 1930 đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945; thời kỳ kháng chiến chống Pháp 1945 - 1954; thời kỳ chống Mỹ 1954 - 1975; thời kỳ sau ngày giải phóng 30-4-1975 đến nay.

Tháng 3-1960, tờ Hòa Bình Thống Nhất đổi tên thành tờ Chiến Thắng do đồng chí Ba Kiên phụ trách. Tiếp đến là đồng chí Nguyễn Văn Tánh (tức Bảy Đấu) điều hành. Lúc này, đồng chí Lê Chí Nhân cùng Ban biên tập được tăng cường rất hùng hậu gồm: Huỳnh Năm Thông, Nguyễn Hồ, Chim Trắng, Thanh Nhân, Hoàng Lê, Thống Quốc, Bến Hải, Tiền Phong, Hà Mãnh, Lê Dân… Tờ báo có một bước tiến đáng kể về cả số lượng lẫn chất lượng.

Từ năm 1960 - 1968, trước sự chống phá, tìm diệt ác liệt của địch, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy đã dự kiến tình huống xấu có thể xảy ra, nên đã bố trí hai cơ sở in khác nhau trên cù lao Minh và cù lao Bảo.

Ngoài tờ báo chính thức do Tiểu ban Thông tấn Báo chí điều hành, từ năm 1964 trở đi, Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Bến Tre còn phát hành tờ Cứu Nước, Cứu Đạo in typo được nhà báo Australia Burchett mang đi giới thiệu với nhiều nước trên thế giới.

Sau Chiến thắng 30-4-1975, tòa soạn Báo Chiến Thắng chuyển về thị xã Bến Tre (nay là TP. Bến Tre). Nhân khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ I, Tỉnh ủy Bến Tre đã đổi tên Báo Chiến Thắng thành Báo Đồng Khởi. Đó là ngày 11-11-1976. Lúc này đồng chí Huỳnh Năm Thông làm Tổng biên tập.

So với sự nghiệp báo chí của cả nước, những kết quả gặt hái được của Bến Tre là rất đáng trân trọng, biểu dương, đã góp phần quan trọng vào truyền thống báo chí cách mạng Việt Nam, trong khu vực Tây Nam Bộ cũng như toàn miền Nam.

Kỷ niệm 91 năm hình thành và phát triển báo chí tỉnh Bến Tre, 96 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam và hướng đến Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà báo tỉnh đã và đang tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm thiết thực, với chủ đề “Truyền thống - Bản lĩnh - Trách nhiệm”, nhằm phát huy truyền thống vẻ vang của nền báo chí cách mạng, vững vàng bản lĩnh, không ngừng nâng cao trách nhiệm xã hội, luôn hướng tới nhân dân và vì nhân dân, vì Tổ quốc.

Bến Tre rất tự hào và vinh dự khi có hai nhà báo đi đầu trong lịch sử báo chí Việt Nam. Đó là học giả Trương Vĩnh Ký và nữ sĩ Sương Nguyệt Anh. Trong công cuộc kháng chiến đánh đuổi đế quốc xâm lược, bảo vệ Tổ quốc đã có hàng hàng lớp lớp nhà báo hăm hở ra trận, không tiếc máu xương. Nhiều người đã anh dũng hy sinh ngay trên chiến trận.

46 năm qua, từ ngày toàn thắng, thống nhất đất nước, các nhà báo lại phải tiếp tục xông pha trên trận tuyến mới chống đói nghèo, lạc hậu, chống các biểu hiện tiêu cực, góp sức mình vào công cuộc đổi mới, hội nhập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Lực lượng báo chí cũng từ đó ngày càng lớn mạnh, trưởng thành và chuyên nghiệp hơn. Cả nước hiện có 22 ngàn nhà báo, hội viên hoạt động khắp trong và ngoài nước. Riêng Bến Tre, có trên 150 nhà báo hoạt động chính thức trên các lĩnh vực, đáp ứng tốt công tác thông tin, tuyên truyền, văn hóa tư tưởng của Đảng.

Tự hào truyền thống báo chí cách mạng Việt Nam 91 năm hình thành, phát triển, báo chí tỉnh nhà, những người làm báo hoạt động bất cứ loại hình báo chí nào, ở Trung ương hay địa phương, báo in, báo nói, báo hình, hay báo điện tử đều luôn nhắc nhở, hãy luôn tỏ rõ bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của mỗi nhà báo, tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân, Tổ quốc.

Trong quá trình phát triển đi lên của báo chí, mỗi người làm báo phải phấn đấu tự hoàn thiện mình, không ngừng học tập, rèn luyện, chống suy thoái  về phẩm chất, đạo đức, bẻ cong ngòi bút, lợi dụng danh nghĩa để trục lợi, vi phạm pháp luật. Mỗi nhà báo đều tâm nguyện rằng, trong giai đoạn hiện nay phải đảm bảo thực hiện thật tốt các nguyên tắc, đạo đức nghề nghiệp.

Đó là quyền được thông tin trung thực, hãy luôn nhận rõ rằng, con người và các cá nhân có quyền nhận được bức tranh hiện thực khách quan với những thông tin chính xác và toàn diện, cũng như có quyền tự do thể hiện bản thân qua các phương tiện truyền thông khác nhau.

Phải có thái độ tận tâm đối với sự thật khách quan, nhiệm vụ nhà báo là với khả năng của mình, giúp người dân được tiếp cận với những thông tin chính xác và đáng tin cậy, phù hợp với thực tế khách quan. Các sự kiện đưa ra có bối cảnh phù hợp, chỉ ra những mối liên hệ quan trọng và không bị bóp méo. Qua đó, công chúng được cung cấp những tư liệu đầy đủ, giúp họ có cái nhìn chính xác và toàn diện về thế giới, về nguồn gốc và bản chất của các sự kiện, về các quá trình và hoàn cảnh của sự việc một cách khách quan.

Về trách nhiệm xã hội của nhà báo, thông tin trên báo chí là một loại hàng hóa mang tính xã hội chứ không phải hàng hóa vật chất, có nghĩa là các nhà báo cùng nhau có trách nhiệm truyền tải thông tin. Đó không chỉ là trách nhiệm đối với những người quản lý các phương tiện truyền thông đại chúng, mà còn là trách nhiệm với công chúng, với nhiều lợi ích xã hội khác nhau. Trách nhiệm xã hội của nhà báo đòi hỏi nhà báo trong mọi trường hợp phải tuân thủ ý thức đạo đức cá nhân.

Đặc biệt, vai trò xã hội của nhà báo phải luôn đề cao các tiêu chuẩn về liêm chính nghề nghiệp, kể cả quyền từ chối các hoạt động trái ngược với niềm tin của mình hoặc tiết lộ các thông tin, cũng như quyền tham gia quyết định trong các cơ quan truyền thông mà mình làm việc. Tính liêm chính nghề nghiệp không cho phép nhà báo nhận hối lộ hay cơ hội thăng tiến dưới bất cứ hình thức nào trái với lợi ích chung.

Huỳnh Văn Thanh - Nguyên Tổng biên tập Báo Đồng Khởi

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN