Lực lượng Cảnh sát Bến Tre ra quân tấn công, trấn áp tội phạm.
Truyền thống vẻ vang
Lực lượng CSND Bến Tre xuất thân từ lực lượng an ninh vũ trang, được tôi luyện qua 2 cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đầy gian khổ, hy sinh, cho đến tháng 8-1976 mới chính thức tổ chức phong cấp bậc hàm sĩ quan, hạ sĩ quan và đi vào họat động theo hướng chính quy. CSND và An ninh nhân dân đã thể hiện rõ vai trò là hai lực lượng chủ lực trong việc triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ty Công an Bến Tre (nay là Công an tỉnh).
Được sự hướng dẫn nghiệp vụ thường xuyên của các đơn vị trực thuộc Bộ Công an, lực lượng CSND tỉnh nhà vừa củng cố về mặt tổ chức, vừa triển khai các biện pháp công tác đảm bảo trật tự an toàn xã hội sau ngày hòa bình, đã tổ chức thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả một số chủ trương lớn của Nhà nước và ngành như: công tác đăng ký, quản lý nhân hộ khẩu; công tác cấp phát chứng minh nhân dân; công tác thu hồi vũ khí, vật liệu nổ… Tăng cường củng cố lực lượng Cảnh sát bảo vệ, cơ động, bố trí bảo vệ tuyệt đối an toàn các cơ quan đầu não, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh; các mục tiêu, tuyến, lĩnh vực quan trọng về quốc phòng, an ninh; các kho tàng, cơ sở trọng điểm về kinh tế, văn hoá, xã hội của địa phương; phối hợp với các lực lượng khác trong ngành và Quân đội nhân dân mở nhiều đợt truy quét, truy bắt tàn quân chế độ cũ.
Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa và đấu tranh với các loại tội phạm, giải quyết ổn định từng bước tình hình tệ nạn xã hội ở các địa bàn thị xã, thị trấn. Các lực lượng cảnh sát đã phối hợp tiếp nhận, quản lý, giáo dục, cải tạo hàng ngàn ngụy quân, ngụy quyền; làm tốt công tác đấu tranh chống đầu cơ, buôn lậu, phối hợp các ngành chức năng thực hiện có hiệu quả các chiến dịch cải tạo công thương nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong giai đoạn này, các lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trại giam cũng được xây dựng và hoạt động từng bước đi vào nền nếp, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của ngành, giữ ổn định tình hình an ninh trật tự, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, tạo môi trường ổn định, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân trong những năm đầu mới giải phóng.
Vào năm 1979, các thế lực thù địch phát động hai cuộc chiến tranh ở biên giới phía Bắc và biên giới Tây Nam; hưởng ứng lệnh tổng động viên của Chủ tịch nước, đã có hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân tỉnh nhà lấy máu của mình viết quyết tâm thư tình nguyện ra biên giới để bảo vệ Tổ quốc và trên 100 sỹ quan, hạ sỹ quan Cảnh sát đã tình nguyện lên đường sang Campuchia làm nghĩa vụ quốc tế. Dù trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, những cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát luôn thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, mưu trí, dũng cảm, tận tụy trong công tác, chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với truyền thống anh hùng của CSND Việt Nam.
Phát huy truyền thống
Hiện nay, trước bối cảnh tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội luôn diễn biến nhanh chóng và rất phức tạp; hoạt động của các loại tội phạm liên tục gia tăng, tính chất phạm tội ngày càng nguy hiểm, xuất hiện nhiều loại tội phạm mới, tội phạm hoạt động liên tỉnh, liên tuyến; tệ nạn xã hội phát sinh ở hầu hết địa bàn dân cư; tình hình trật tự an toàn giao thông đã trở thành thách thức lớn đối với các cấp, các ngành hữu quan, trong đó có vai trò rất quan trọng của lực lượng CSND.
Phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành, lực lượng CSND tỉnh đã tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống tội phạm; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng nghiệp vụ khác của ngành Công an bảo vệ an toàn tuyệt đối các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội trọng đại của đất nước; chủ động phòng ngừa và liên tục tấn công, trấn áp các loại tội phạm; tập trung thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp nhằm từng bước lập lại trật tự an toàn giao thông; làm tốt công tác phòng, chống cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn; tăng cường đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, môi trường… góp phần tạo môi trường chính trị, xã hội ổn định, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Ngày 20-7-1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 34, công bố Pháp lệnh qui định nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh sát nhân dân và Pháp lệnh quy định chế độ, cấp bậc sĩ quan, hạ sĩ quan Cảnh sát nhân dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đây là mốc son quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển của lực lượng Cảnh sát nhân dân. Từ đó đến nay, ngày 20-7 hàng năm trở thành ngày truyền thống của lược lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam. |
Đăng Khoa (tổng hợp)