Về xử lý ô nhiễm môi trường tại bãi rác ở Ba Tri

23/03/2022 - 05:56

BDK - Ba Tri có dân số 218.643 người, đa số thuần nông. Hiện nay, huyện đã tổ chức thu gom rác tại 21/23 xã, thị trấn. Chất thải phát sinh chủ yếu là từ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và 1 phần nhỏ rác thải công nghiệp. Lượng rác tập kết về bãi rác của huyện trung bình khoảng 45 tấn/ngày (trong đó, có 1,5 tấn rác thải công nghiệp thông thường). Hiện nay, bãi rác khai thác đã lấp đầy khoảng 80% diện tích.

Hộ dân sống cạnh bãi rác tại ấp Giồng Ao, xã An Hiệp. Ảnh: Lê Đệ

Hộ dân sống cạnh bãi rác tại ấp Giồng Ao, xã An Hiệp. Ảnh: Lê Đệ

Tỷ lệ thu gom rác thải chỉ đạt 46,5%

Trong những năm qua, UBND huyện đã tập trung công tác tuyên truyền, vận động người dân phân loại rác trước khi thải bỏ. Qua đó bước đầu đã loại bỏ được một số thành phần rác thải có khả năng tái chế: sắt, giấy vụn, nhựa… Đối với thành phần hữu cơ từ rác thải: một số khu vực có triển khai mô hình ủ phân.

Theo Phó chủ tịch UBND huyện Ba Tri Dương Văn Chương, công tác phân loại rác thời gian qua còn nhiều hạn chế. Cơ sở hạ tầng thu gom rác còn yếu kém nên chưa khuyến khích được công tác phân loại. Một phần nhỏ rác được phân loại tại các hộ dân, sau đó thu gom về bãi rác huyện để chôn lấp. Tại đây, đơn vị vận hành bãi rác tiến hành tuyển lựa các thành phần có khả năng tái chế, các thành phần còn lại sau đó tiến hành đổ vào các ô chứa rác.

Từ năm 2006, UBND huyện Ba Tri đã xác định việc phát sinh rác thải sinh hoạt là vấn đề bức xúc và cần ưu tiên giải quyết. Huyện đã có chủ trương xã hội hóa công tác thu gom rác. Tuy nhiên, các nhà đầu tư trong và ngoài huyện chưa quan tâm. Vì vậy, huyện đã thành lập Ban Quản lý công trình giao thông đô thị và vệ sinh môi trường vào năm 2009. Đây là đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND huyện, với 5 biên chế viên chức, 24 hợp đồng lao động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, duy tu cầu đường, quản lý cây xanh, chiếu sáng đô thị.

Do hoạt động thu gom rác là đặc thù nên các phương tiện thường xuyên bị hư hỏng, nhất là các bộ phận thùng xe, máy móc. Các phương tiện vận chuyển với tần suất từ 3 - 4 chuyến/ngày.

Hiện nay, tỷ lệ thu gom rác thải để xử lý đạt 45 tấn/ngày. Phân ra khu vực nông thôn, tỷ lệ thu gom đạt 42%; khu vực thành thị đạt 91%. Tính tỷ lệ thu gom rác thải trung bình của cả huyện đạt 46,5%.

Ô nhiễm từ mùi hôi, nước rỉ rác

Hiện nay, khối lượng rác vận chuyển về xử lý tại bãi rác huyện khoảng 45 tấn/ngày. Rác sau khi vận chuyển về được phân loại và chôn lấp. Với các thành phần có khả năng tái chế: túi nylon, kim loại được thu gom, bán phế liệu. Các thành phần còn lại tiến hành chôn lấp vào các ô đã được đào sẵn. Các ô chứa rác được phủ bạt, để ngăn nước rỉ rác rò rỉ vào môi trường. Rác tại ô chứa rác sau khi lấp đầy thì tiến hành đào ao mới và lấp ao cũ. Hiện nay, bãi rác đã tiến hành chôn lấp đầy 80% diện tích.

Mùi hôi đặc trưng từ quá trình phân hủy các chất hữu cơ có trong rác thải bốc mùi phát tán vào môi trường. Tuy các khu dân cư có vị trí tương đối xa bãi rác, nhưng vào những thời điểm có gió mạnh làm mùi hôi phát tán đi xa, gây ảnh hưởng môi trường. Đối với các khu vực nuôi tôm thâm canh xung quanh, các túi nylon tại bãi rác phát tán rơi xuống các ao tôm làm ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. UBND huyện đã tiến hành xây dựng hàng rào che chắn, nhưng vẫn chưa ngăn chặn triệt để tình trạng này.

Nước rỉ rác phát sinh từ các ô chứa rác được thu gom về khu vực để xử lý. Thiết bị xử lý nước rỉ rác được Sở Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ lắp đặt từ năm 2018. Tuy nhiên, các thành phần đặc trưng từ nước rỉ rác rất dễ ăn mòn kim loại nên thiết bị nhanh hư hỏng. Vì vậy, nước rỉ rác chưa được xử lý đảm bảo làm ô nhiễm nguồn nước ngầm và có hiện tượng rò rỉ ra mương thoát nước của hộ dân nuôi tôm.

Vào một số thời điểm trong năm, ruồi sinh sản và phát triển tại bãi rác, với mức độ tương đối lớn. Đơn vị vận hành bãi rác phải tiến hành phun xịt hóa chất diệt ruồi ấu trùng để ngăn chúng phát triển thành ruồi trưởng thành. Tuy nhiên, quá trình phun xịt chưa đều khắp bề mặt tiếp xúc nên ruồi vẫn còn sinh sản và ảnh hưởng đến các khu dân cư lân cận.

Phó chủ tịch UBND huyện Ba Tri Dương Văn Chương thừa nhận: Tuy công tác thu gom rác thải đã được triển khai quy mô tại 21/23 xã, thị trấn nhưng vẫn còn 2 xã Tân Mỹ và Tân Hưng chưa được triển khai do đặc thù xa bãi rác. Lượng rác thu gom vẫn còn thấp. Công tác phân loại rác tại nguồn hiệu quả chưa cao. Phương tiện vận chuyển tuy đã được đầu tư nhưng còn lạc hậu, chỉ có 1 xe ép chuyên dụng, còn lại là xe tải, xe máy cày tự chế nên vẫn còn tình trạng rác thải rơi vãi trên các tuyến đường. Công tác xử lý rác thải tại bãi rác tuy đã được đầu tư xử lý nhưng vẫn còn tình trạng ô nhiễm môi trường do nước rỉ rác và mùi hôi, ruồi nhặng. Do đặc thù phân bố dân cư vùng nông thôn rải rác, chưa tập trung nên chỉ mới thu gom các hộ dân sống ven các trục lộ; các hộ dân sống trong các hẻm, các tuyến lộ nhỏ thì vận động hộ dân phân loại, chôn lấp hoặc tiêu hủy. Mức giá thu gom rác còn thấp, chưa hấp dẫn nhà đầu tư, ngân sách nhà nước vẫn còn bù lỗ cho hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải. Kinh phí vận hành bãi rác do Nhà nước hỗ trợ 1 phần. Do đó, chưa xử lý triệt để ô nhiễm môi trường tại bãi rác.

Bãi rác tập trung của huyện Ba Tri được xây dựng tại ấp Giồng Ao, xã An Hiệp, với diện tích ban đầu khoảng 4,89ha, được đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2009. Công nghệ xử lý chôn lấp hở. Bãi rác cách bờ sông Hàm Luông 50m, cách trung tâm thị trấn 5km. Khu vực trên có dân cư thưa thớt, xung quanh tiếp giáp với bãi rác là đất nuôi tôm thâm canh. Bãi rác huyện Ba Tri đã được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường lần đầu vào năm 2009, chỉnh sửa, bổ sung vào năm 2012. Chức năng là thu gom rác thải sinh hoạt, công nghiệp trên địa bàn huyện.

Minh Triều

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích