Vị thủ trưởng đáng kính

09/11/2021 - 11:21

BDK - Trong tập ký “Làng tôi những năm tháng cũ” của mình, nhà báo Nguyễn Minh đã có bài viết “Nhớ anh Năm”, với 13 trang để nói về thủ trưởng của mình là nhà báo Huỳnh Năm Thông. Chỉ 5 năm đầu quân cho Báo Đồng Khởi, phóng viên Nguyễn Minh có nhiều ấn tượng sâu sắc về Tổng biên tập Huỳnh Năm Thông. Ông khẳng định: “Cuộc đời làm “lính” của tôi trải qua nhiều vị thủ trưởng. Mỗi thủ trưởng một nét riêng đáng nhớ, nhưng với Huỳnh Năm Thông phải nói có nhiều kỷ niệm khó quên!”.

Tổng biên tập Huỳnh Năm Thông (bìa trái) chụp ảnh lưu niệm cùng đồng nghiệp tại cuộc họp báo các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long năm 1995. Ảnh: A.H

Tổng biên tập Huỳnh Năm Thông (bìa trái) chụp ảnh lưu niệm cùng đồng nghiệp tại cuộc họp báo các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long năm 1995. Ảnh: A.H

Nhà báo đa tài

Khi ấy, Báo Đồng Khởi là một tờ báo tuần 8 trang, thuộc tờ báo mạnh ở đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, Tổng biên tập Huỳnh Năm Thông vẫn vẹn nguyên cái chất kháng chiến; cuộc sống sinh hoạt đơn giản, rất đời thường. Ngoài đi họp ở TP. Hồ Chí Minh và dự các hội nghị trong tỉnh, anh Năm Thông thường mặc bộ đồ bà ba đen từ nhà - dãy nhà đối diện cổng chào cù lao Bình Dương, Phường 3, thị xã Bến Tre (nay là TP. Bến Tre), đi xe đạp thồ ra cơ quan. Hình ảnh ấy, cũng như nét chữ tháu nghiêng không đủ nét của anh viết trên mặt giấy bưởi màu vàng nhạt, quen thuộc đến mức các cháu đánh máy và dò bài vẫn nhận ra chữ viết của anh một cách dễ dàng.

Anh Năm Thông là người sống dạt dào tình cảm, trình độ uyên bác, lý luận và khả năng diễn đạt thâm uyên, không chỉ bằng lời nói mà còn bằng ngôn ngữ hình tượng, giàu cảm xúc. Giọng nói của anh có sức truyền cảm, thuyết phục. Từng việc anh nói, tôi nghe nhớ rất lâu! Lĩnh vực nào anh cũng lý giải thật hay, từ chuyên môn nghiệp vụ, khoa học kỹ thuật, tâm lý xã hội, ngay cả chuyện thần giao cách cảm về đời tư của anh.

Tôi ngưỡng mộ tài viết lách của thủ trưởng Năm Thông. Hàng tuần, anh Năm đều có bài xã luận ở góc trang nhất, chỉ đạo một vấn đề nào đó theo chủ đề. Nội dung súc tích, ngắn gọn, dễ hiểu, vài ba trăm từ... Anh thường xuyên viết tùy bút chính luận và truyện ngắn cho báo tuần, bút danh: Diệp Hà, Trần Bá Tân, Trần Nguyên, Lê Thị Thảo Ngân... Kể ra, người có vốn sống phong phú, tư duy sáng tạo mới viết được truyện ngắn đều tay - truyện ngắn mang tính thời sự, phục vụ nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Thế mới biết, anh Năm không chỉ giỏi làm báo mà còn giỏi về làm văn nghệ nữa. Điều mà nhiều tổng biên tập, dù có muốn cũng không làm được như anh Năm. Tôi dám chắc như vậy.

Sống gần anh Năm, tôi thêm mở mang kiến thức, nâng cao sự hiểu biết như được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, thêm vững vàng. Có những chuyện, anh nói như triết lý. Tôi luôn suy nghĩ và nhớ thật lâu như về đức tính khiêm tốn của con người. Chuyên môn nghiệp vụ viết lách, đừng tự mãn! Mỗi nhà báo có một mảnh đất riêng để cho ra đời những tác phẩm, thậm chí nổi tiếng là nhờ từ mảnh đất đó.

Nhà báo Nguyễn Minh tại buổi họp mặt giới thiệu tập ký “Quê hương những ngày chiến tranh” năm 2017. Ảnh tư liệu

Nhà báo Nguyễn Minh tại buổi họp mặt giới thiệu tập ký “Quê hương những ngày chiến tranh” năm 2017. Ảnh tư liệu

Tinh tế trong từng việc

Khi có lời kêu gọi Tổng động viên của Chủ tịch nước - Bác Tôn, tôi xin phép thủ trưởng Huỳnh Năm Thông cho đi bộ đội thì bị phúc đáp ngay: “Đâu phải lệnh Tổng động viên là ai cũng đi hết đâu. Chú đi học đi! Học bổ túc văn hóa lấy bằng cấp 3. Học bên trường Bồ Đề để nâng cao trình độ văn hóa”.

Lúc đó, tôi vẫn xin không đi học và tôi đủ biết anh thất vọng lắm. Vì anh nói mà tôi không nghe theo.

Có thời điểm tôi được phân công phụ trách công tác bạn đọc, tiếp nhận thư từ, bài vở, trả lời thư tay và đăng tải chuyên mục “Ý kiến bạn đọc” trên mặt báo in. Tôi đề xuất và được thủ trưởng Năm Thông đồng ý, mỗi tuần chi cho phòng bạn đọc 100 gram trà rời - loại trà ngon, dành tiếp khách. Từ đó, cộng tác viên đến uống trà không còn chê trà “mặt trận” nữa.

Thủ trưởng Huỳnh Năm Thông là người rất tinh tế, minh chứng là lần đầu tổ chức họp mặt cộng tác viên, anh Năm trình bày hết các nội dung định hướng trong vài ba tháng tới và các cộng tác viên cũng đã hết các ý kiến đóng góp, nhưng hậu cần chưa xong. Gần hết giờ, anh Năm vừa phát biểu, vừa theo dõi, lắng nghe ở nhà bếp, tầng trệt, coi anh chị em dọn lên chưa. Biết còn đang bắt mâm, anh Năm linh hoạt nói: “Trong khi chờ đợi “mồi” chín, tôi xin phép được nói thêm mười phút nữa”. Cộng tác viên nghe anh Năm Thông nói vậy, họ xúm cười cái rần. Thế mới biết, khả năng phát biểu và tài hùng biện của anh.

Tháng 8-1982, tức tròn 5 năm chuyển từ Minh Hải về Bến Tre, tôi xin chuyển công tác từ Báo Đồng Khởi về Phòng Chính trị của Tỉnh Đội, phụ trách biên tập tờ tin Chiến sĩ Bến Tre. Tôi vẫn thường xuyên mời thủ trưởng Huỳnh Năm Thông gửi bài viết để đăng trên tờ tin Chiến sĩ Bến Tre. Nhiều tờ báo xuân, tôi còn nhờ anh giúp làm câu đối Tết.

Nhà báo Nguyễn Minh tên thật là Nguyễn Minh Nối, sinh năm 1950, ở xã Mỹ Nhơn, huyện Ba Tri. Từ năm 1973 - 1977, ông là phóng viên Báo Cà Mau, Báo Minh Hải. Đến tháng 8-1977, ông xin về làm phóng viên Báo Đồng Khởi cho đến tháng 8-1982.

Kết thúc bài viết “Nhớ anh Năm” trong tập ký “Làng tôi những năm tháng cũ”, nhà báo Nguyễn Minh viết: “Nhớ anh Năm tôi thốt ra lời và xin ghi lại đôi vần vô cùng thương tiếc: Trái tim nhân ái, giàu lòng vị tha/ Ôi thương quá, một cuộc đời cống hiến/ Vĩnh biệt anh Năm, nhân tài thân kính/ Hình bóng Anh còn nhớ mãi quê nhà!”.

Trần Quốc (lược ghi)

 

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN