 |
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải |
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng phái đoàn Việt Nam tham dự Diễn đàn Kinh
tế thế giới (WEF) 2008 tại Đavốt, Thuỵ Sỹ, cho biết tại Diễn đàn này, chủ đề về
Việt Nam rất được chú ý, lãnh đạo nhiều tập đoàn trên thế giới cho rằng Việt Nam
có triển vọng rất tươi sáng.
Tại WEF đoàn Việt Nam đã đối thoại với hơn 40 lãnh đạo
các tập đoàn kinh tế thế giới và tiếp lãnh đạo một số tập đoàn như Prudential,
Metro, Intel, Holcim, First Eastern Investment Group, Vina Capital, Manpower...
để trao đổi về các dự định, kế hoạch làm ăn ở Việt Nam của họ. Ngoài ra, đoàn
Việt Nam cũng đã có các cuộc gặp với Bộ trưởng Kinh tế Thụy Sỹ Doris Leauthard,
Chủ tịch WEF-Giáo sư Klaus Schwab.
Theo Phó Thủ tướng, tất cả các chính
khách, doanh nghiệp tại các buổi gặp gỡ đều đánh giá cao tương lai phát triển
của Việt Nam, mong muốn hợp tác làm ăn với Việt Nam. Đồng thời, họ cũng rất quan
tâm đến việc Chính phủ Việt Nam sẽ xử lý các vấn đề đang gặp phải trong quá
trình phát triển, đặc biệt là xây dựng hạ tầng cơ sở, đào tạo và cung cấp nguồn
nhân lực,... nhất là trong bối cảnh làn sóng đầu tư nước ngoài đang đổ vào Việt
Nam ngày càng mạnh.
Khi đánh giá về các
nền kinh tế có triển vọng sẽ nổi lên trong những năm tới, ai cũng nhắc đến Việt
Nam như là điều tất nhiên. Họ tỏ ra tin tưởng vào quyết tâm của Chính phủ Việt
Nam giải quyết các vấn đề này. Nhiều doanh nghiệp bày tỏ mong muốn mở rộng đầu
tư, tăng cường cam kết làm ăn lâu dài ở Việt Nam, Phó Thủ tướng cho
biết.
Đánh giá về lợi thế cạnh tranh của Việt Nam, Phó Thủ tướng nêu rõ
Việt Nam là một nền kinh tế phát triển năng động và ổn định hàng đầu khu vực
trong nhiều năm qua và sẽ tiếp tục tăng trưởng khá trong những năm tới. Bên cạnh
đó, Việt Nam có thị trường nội địa giàu tiềm năng với dân số hơn 80 triệu người
và mức sống ngày càng được nâng cao; có lực lượng lao động trẻ, năng động, có
trí tuệ. Môi trường chính sách của Việt Nam ngày càng thuận lợi và cởi mở đối
với đầu tư nước ngoài; lãnh lãnh đạo Việt Nam có tầm nhìn và chính sách nhất
quán của về con đường phát triển lâu dài của đất nước.
Phó Thủ tướng chỉ
rõ những thách thức mà đất nước phải vượt qua trong thời gian tới như sức ép
cạnh tranh ngày càng lớn khi Việt Nam đã là thành viên của WTO, đặc biệt là
trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Một thách thức không nhỏ nữa là khả năng
bị tụt hậu về trình độ khoa học công nghệ.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng tin tưởng rằng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phát
triển nhanh, với tốc độ tăng GDP cao và bền vững, trên 8%/năm từ nay cho đến năm
2017 và Việt Nam sẽ trở thành một nước cơ bản công nghiệp hoá trong vòng 10 năm
tới./.