Liên kết canh tác dừa hữu cơ, bài 3:

Xây dựng chiến lược phát triển vùng trồng dừa hữu cơ

08/08/2022 - 05:37

BDK - Dừa hữu cơ (HC) được xem là “chìa khóa” để doanh nghiệp (DN) mở cửa xuất khẩu ra thị trường thế giới. Bởi các nước đều xây dựng hàng rào kỹ thuật, với các tiêu chuẩn sản xuất sạch, nông sản an toàn, đảm bảo sức khỏe. Phát triển sản xuất HC là một giải pháp tất yếu để duy trì và phát triển ngành dừa bền vững trong tương lai. Song, trong dư luận hiện nay cũng đang quan tâm: “Liệu rằng, người trồng dừa ở Bến Tre có thể chuyển hết sang dừa HC hay không”, và “nếu làm dừa HC hết rồi thì bán ở đâu”…

Khâu sơ chế, chế biến dừa hữu cơ tại Công ty TNHH Chế biến nông sản Thuận Phong.

Khâu sơ chế, chế biến dừa hữu cơ tại Công ty TNHH Chế biến nông sản Thuận Phong.

Lộ trình phát triển

Xuất phát từ lợi ích và tầm quan trọng của dừa HC, đầu năm đến nay đã có nhiều hộ trồng dừa mong muốn được tham gia với diện tích đăng ký tăng rất nhanh. Chỉ tính riêng 7 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã phát triển được gần 3 ngàn ha dừa hữu cơ. Nâng tổng số diện tích sản xuất HC toàn tỉnh lên hơn 16 ngàn ha, trong tổng số trên 77 ngàn ha (chiếm hơn 20%). Trong đó, diện tích được chứng nhận HC trên 13,7 ngàn ha. Diện tích tham gia tập trung trên địa bàn các huyện: Giồng Trôm (5.624ha), Mỏ Cày Nam (4.809ha), Bình Đại (2.581ha), Thạnh Phú (1.850ha), Ba Tri (686ha), Mỏ Cày Bắc (463ha).

Để có được kết quả trên, ngành nông nghiệp đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương và 8 DN chế biến, xuất khẩu trên địa bàn tỉnh xây dựng vùng nguyên liệu dừa HC. Trong đó, có Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre, Công ty cổ phần Đầu tư dừa Bến Tre, Công ty cổ phần Chế biến dừa Á Châu, Công ty TNHH Chế biến nông sản Thuận Phong...

Các DN đều thu mua dừa HC cho nông hộ với giá cao hơn từ 5 - 15 ngàn đồng/chục dừa so với dừa thường. Trong đó, có những DN đã thu mua với giá thấp nhất từ 40 - 50 ngàn đồng/chục dừa cho nông hộ trong thời điểm giá dừa bên ngoài trên dưới 20 ngàn đồng/chục.

Nổi bật là UBND tỉnh đã ban hành “Đề án phát triển nông nghiệp HC tỉnh Bến Tre giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030”. Đề án đánh giá, với lợi thế về tính thích nghi và chất lượng sản phẩm dừa của Bến Tre, kết hợp với DN tham gia liên kết tiêu thụ và xây dựng phát triển vùng nguyên liệu dừa HC với quy mô sản xuất lớn, công nghiệp chế biến dừa chuyên sâu và khả năng khai thác thị trường khá tốt… là những yếu tố thuận lợi để tiếp tục phát triển dừa HC tại tỉnh.

Theo lộ trình của đề án, giai đoạn 2022 - 2025 tỉnh sẽ phát triển 20 ngàn ha dừa HC. Đến năm 2030 là 30 ngàn ha. Vùng trồng tập trung tại các huyện: Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam, Bình Đại, Thạnh Phú, Châu Thành, Mỏ Cày Bắc và Ba Tri.

Tránh trùng lắp vùng trồng

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Huỳnh Quang Đức cho rằng, với thuận lợi về phát triển dừa HC như trong gần 2 năm qua thì khả năng đạt vượt mục tiêu đề ra theo đề án là trước năm 2025. 

Cụ thể, Mỏ Cày Nam là huyện có diện tích trồng dừa đứng đầu tỉnh. Hiện huyện có hơn 5 ngàn ha dừa được chứng nhận HC, chiếm gần 30% diện tích dừa của toàn huyện. Với kết quả này, huyện đã gần đạt chỉ tiêu Đề án quy hoạch phát triển dừa HC đến năm 2025. Tương tự với Giồng Trôm, Bình Đại cũng đang phát triển nhanh diện tích dừa canh tác HC.

Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Mỏ Cày Nam Dương Thị Mỹ Trang cho biết, trong năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, các DN ưu tiên chọn địa bàn huyện để phát triển dừa HC như Công ty TNHH Chế biến nông sản Thuận Phong, Công ty cổ phần Đầu tư dừa Bến Tre, Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới. Các công ty liên kết chặt chẽ với nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã trong thu mua, hái, thu gom, vận chuyển, sơ chế.

Phó giám đốc Sở NN&PTNT Huỳnh Quang Đức lưu ý, nông dân khi tham gia chuỗi, cần có hợp đồng ký kết với DN cụ thể, chặt chẽ. Đối với DN cần quan tâm chia sẻ hài hòa lợi ích đôi bên nhằm đảm bảo mối liên kết phát triển bền vững. Đặc biệt, vùng nguyên liệu từng DN đứng tên chứng nhận cần phải có sự rạch ròi, tránh trùng lắp vùng trong việc xây dựng mã số vùng trồng giữa các DN với nhau.

Các địa phương quan tâm hỗ trợ nông dân trong việc tham gia chuỗi và xây dựng vùng nguyên liệu. “Mỗi địa phương có quy hoạch rõ ràng vùng nào, với việc xây dựng danh sách những hộ nào đăng ký tham gia, diện tích bao nhiêu. Qua đó, để phối hợp, hỗ trợ DN trong việc cung cấp nhanh và chính xác số liệu, vị trí vùng trồng tại địa bàn của huyện, xã. Phòng NN&PTNT phối hợp chặt chẽ địa phương và DN xây dựng vùng nguyên liệu”, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Huỳnh Quang Đức nhấn mạnh.

Chia sẻ kinh nghiệm về quy hoạch vùng trồng, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Mỏ Cày Nam Dương Thị Mỹ Trang cho hay, hiện huyện có quy hoạch cụ thể vùng phát triển dừa HC tập trung theo từng xã. Theo đó, 15 xã trong huyện đều có quy hoạch vùng dừa HC, với diện tích cụ thể. Đến năm 2030, huyện đạt diện tích dừa HC 50% diện tích dừa toàn huyện.

Phòng NN&PTNT huyện Mỏ Cày Nam cũng đề xuất các DN có kế hoạch cụ thể về phát triển vùng nguyên liệu dừa HC tại các địa phương và có gắn với kế hoạch của địa phương đó cũng như cần có sự phối hợp với địa phương và UBND các xã trong việc chọn vùng, địa điểm mà DN dự kiến sẽ phát triển để được hỗ trợ tốt hơn, tránh trùng lắp giữa các DN như đã từng xảy ra trong thời gian qua.

“Có thể nói, thị trường thế giới hiện nay rất ưa chuộng các sản phẩm dừa. Diện tích dừa không tăng thêm nhiều nhưng nhu cầu tiêu thụ ngày càng nhiều. Nhiều quốc gia đang đầu tư rất mạnh về cây dừa như Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc. Chủng loại hàng hóa từ dừa rất đa dạng, phong phú. Bến Tre muốn phát triển bền vững ngành dừa trong tương lai, trước hết phải xây dựng, phát triển dừa HC”, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Huỳnh Quang Đức nhấn mạnh.

“Tập đoàn đa quốc gia Mỹ chuyên về mảng bán lẻ và điều hành một chuỗi các câu lạc bộ bán buôn, được thành lập vào năm 1983 đã đến làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre. Thông tin với chúng tôi, Bến Tre có 4 DN ngành dừa đang bán hàng cho Costco. Tập đoàn đánh giá rất cao về dừa Bến Tre so với dừa thế giới. Trước đó, Phòng Nông nghiệp Hoa Kỳ cũng rất khen ngợi: Dừa Bến Tre xếp vào bậc nhất của thế giới”.

(Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức)

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN