Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Văn Mãi quan tâm các sản phẩm nông sản của các địa phương có chỉ dẫn địa lý.
Tư duy thị trường
Tại hội thảo “Đẩy mạnh xuất khẩu nông, thủy sản bằng đường chính ngạch vào thị trường Trung Quốc”, diễn ra ở An Giang mới đây, chuyên gia xây dựng tiêu chuẩn Nguyễn Kim Thanh - Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao chia sẻ: “Từ năm 2000, Malaysia đã nhìn thấy được xu thế này và chủ động đưa tiêu chuẩn vào đàm phán với Trung Quốc. Trong khi phần đông DN của ta thì an phận tịnh tiến bằng đường tiểu ngạch mà chẳng cần tiêu chuẩn chất lượng. Họ khác gì chúng ta, tại sao họ chọn con đường khó?”.
Trước đây, hàng đẹp, giá tốt, tiêu chuẩn không cao cũng dễ bán, bán được nhiều. Nhưng hiện nay, câu chuyện của Trung Quốc đóng cửa tiểu ngạch để siết chặt quản lý nhập khẩu bằng tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm cho thấy, đã đến lúc, DN Việt Nam cần thay đổi tư duy về xây dựng tiêu chuẩn và hành động nghiêm túc hơn, chuyên nghiệp hơn để được ngang nhiên xuất khẩu vào Trung Quốc bằng đường chính ngạch một cách ổn định và bền vững chứ không phải là sự quay lưng, chấp nhận bỏ cuộc. Bởi, không chỉ có chúng ta mà các nước xuất khẩu nông thủy sản đều “dòm ngó” và tranh thủ cơ hội được vào chiếm lĩnh thị trường này” - bà Nguyễn Kim Thanh phân tích.
Đồng quan điểm, lập luận như trên, ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, từ năm 2013, Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu lớn thứ 4 của thủy sản Việt Nam. Để xuất khẩu thủy sản bền vững vào thị trường đông dân nhất thế giới này thì cần thực hiện quản lý chất lượng thông qua việc cấp và kiểm tra chứng thư chất lượng trước khi xuất sang Trung Quốc.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo, năm 2019, thực phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc càng phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe hơn. Đối với trái cây, Việt Nam hiện nay có 8 loại trái cây tươi được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc gồm thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm.
Đạt Tiêu chuẩn chứng nhận
Theo chuyên gia Nguyễn Kim Thanh, theo xu thế phát triển, chứng nhận là tiêu chuẩn để giúp cho DN thuận lợi hơn trong công tác quản lý có hệ thống, quá trình sản xuất tốt hơn. Quản lý chất lượng còn là bằng chứng để khách hàng, người tiêu dùng tin tưởng vào chất lượng, an toàn sản phẩm. Đây là điểm mấu chốt. VietGAP và GlobalGAP đều là tiêu chuẩn chứng nhận, có chung mục tiêu đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp. Riêng chứng nhận GlobalGAP được đa số nhà nhập khẩu, nhà bán lẻ quốc tế yêu cầu đối với sản phẩm nông, thủy sản trong chuỗi giá trị xuất khẩu. Với gần 300 yêu cầu liên quan đến 4 vấn đề chính: an toàn thực phẩm; sức khỏe và an sinh của người lao động; bảo vệ môi trường và sức khỏe - an sinh vật nuôi (đối với chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản), nên gần như chỉ những trang trại có quy mô lớn và năng lực sản xuất tiến bộ mới áp dụng thành công tiêu chuẩn GlobalGAP.
Đóng gói bưởi da xanh xuất khẩu tại Công ty TNHH XNK Nông sản Miền Tây.
Thông tin từ Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao, tiêu chuẩn mới - LocalGAP được xem là bước đệm cho các DN tiếp cận từng bước với thực hành nông nghiệp tốt theo chuẩn quốc tế, được sự thừa nhận rộng rãi của đa số các thị trường khó tính thế giới. Theo đó, các sản phẩm được chứng nhận LocalGAP sẽ được tổ chức GlobalGAP cấp mã số.
Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng, sau bước đệm LocalGAP, các DN sẽ có thời gian và điều kiện thực hiện thêm nhiều tiêu chí khác, để đủ điều kiện được cấp chứng chỉ GlobalGAP. Lộ trình tối thiểu là 5 năm để một DN từ LocalGAP sẽ đạt được GlobalGAP.
Đồng hành cùng DN tỉnh
Nhằm ghi nhận các đề xuất, trao đổi giải pháp cụ thể về xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc cũng như tranh thủ tận dụng được các cơ hội từ Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh tập trung tổ chức hội thảo chuyên đề về CPTPP; cơ hội thách thức để DN Bến Tre khai thác thị trường CPTPP; kết hợp với chuyên đề về quy chuẩn, cách tiếp cận thị trường Trung Quốc.
Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Châu Văn Bình cho biết, hiện nay, đối với 8 sản phẩm được phép xuất khẩu đường chính ngạch sang Trung Quốc thì chưa có vùng trồng sản phẩm nào của Bến Tre. Bên cạnh chờ đợi kết quả đàm phán xuất khẩu chính ngạch đối với các sản phẩm tiếp theo là bưởi, sầu riêng, măng cụt… thì sở khuyến cáo các DN và người dân có tư thế chuẩn bị thực hiện các giải pháp để đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu hàng nông sản. Các ngành chức năng sẽ đồng hành hỗ trợ DN về môi trường, thủ tục và quy trình thực hiện các tiêu chuẩn chứng nhận.
Theo ông Đàm Văn Hưng - Giám đốc Công ty TNHH MTV XNK Nông sản Hương Miền Tây, công ty đã sẵn sàng tâm thế và tự tin đảm bảo tiêu chuẩn chứng nhận về vùng trồng để có thể tham gia xuất khẩu trái bưởi da xanh theo đường chính ngạch sang Trung Quốc. Hiện nay, công ty đang rất trông đợi kết quả đàm phán mở rộng xuất khẩu các sản phẩm tiếp theo; trong đó, có trái bưởi da xanh. Bởi, việc xuất khẩu tiểu ngạch trong thời gian qua khiến DN gặp rất nhiều khó khăn như chi phí vận chuyển cao, khả năng cạnh tranh kém. Cơ hội xuất khẩu bằng đường chính ngạch sẽ giúp DN khắc phục các khó khăn, hạn chế trong thời gian qua như giảm được chi phí vận chuyển rất nhiều, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm.
Trao đổi vấn đề này, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Văn Mãi cho rằng, xây dựng chuẩn - chất để đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, đảm bảo tính ổn định và bền vững là yêu cầu cấp thiết. DN và chính quyền địa phương cần nhanh chóng quan tâm tiếp cận, xây dựng các tiêu chuẩn cho sản phẩm của DN, cũng như việc hỗ trợ DN, nông dân xây dựng vùng trồng đủ chuẩn xuất khẩu chính ngạch…
|
Bài, ảnh: Cẩm Trúc