Xây dựng hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm từ dừa

13/11/2019 - 07:26

BDK - Câu chuyện xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh không còn là vấn đề mới mẻ. Kết quả xây dựng chuỗi giá trị thành công nhất là cây dừa. Tuy nhiên, việc phát triển, lan tỏa hiệu quả của mô hình hướng đến phát triển bền vững ngành dừa là vấn đề được tỉnh tiếp tục quan tâm. Đây cũng là “đề bài” đặt ra cho Lễ hội Dừa lần thứ V năm 2019.

Thanh niên Bến Tre giao lưu sản phẩm khởi nghiệp từ dừa với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Thanh niên Bến Tre giao lưu sản phẩm khởi nghiệp từ dừa với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Hiệu quả bước đầu

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức cho biết, từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã hình thành 9 hợp tác xã, 37 tổ hợp tác, 11 tổ liên kết với quy mô 1.840ha, thu hút trên 2.400 thành viên tham gia và được các doanh nghiệp (DN) liên kết tiêu thụ. Ngoài ra, các công ty cũng đã xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất dừa theo tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ, Nhật và EU. Đến nay, tỉnh có hơn 4.137ha với 2.447 hộ và đại diện nhóm hộ sản xuất trồng dừa chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ. Trong đó đạt chứng nhận hữu cơ hơn 2.000ha, diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận hữu cơ tăng nhanh nhất tập trung tại 2 huyện có diện tích trồng dừa nhiều nhất tỉnh là Mỏ Cày Nam và Giồng Trôm.

Theo ông Đức, trong năm 2018, mặc dù giá dừa giảm mạnh nhưng các tổ hợp tác, hợp tác xã tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, có liên kết với  DN được áp dụng chính sách giá sàn tối thiểu 50 ngàn đồng/chục (12 trái), đã giúp cho người trồng dừa yên tâm tham gia liên kết và đầu tư phát triển sản xuất.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Lập cho biết, ngành dừa ở các tỉnh tiểu vùng duyên hải phía đông đồng bằng sông Cửu Long hiện vẫn còn tồn tại những hạn chế, như: diện tích sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; thiếu công lao động, giao thông nông thôn bị trở ngại do đặc điểm vùng sông nước dẫn đến tình trạng quá nhiều khâu trung gian, thu nhập từ dừa của nông dân chưa cao. Giá dừa không ổn định và gặp sự cạnh tranh với nhiều cây trồng khác cũng là thách thức cho sự phát triển bền vững ngành dừa. Do đó, vấn đề đặt ra là phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa sản xuất và tiêu thụ dừa, xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa nông dân và DN, nhằm giúp nông dân từng bước cải thiện và nâng cao được chất lượng cuộc sống để an tâm canh tác và mở rộng sản xuất.

Liên kết hai trụ cột chính

Chủ tịch Hiệp hội Dừa Bến Tre Trần Anh Tuấn cho rằng, cần tập trung vào hai trụ cột chính là người nông dân và DN chế biến dừa. Người trồng dừa phải làm sao nâng cao năng suất, sản lượng, tăng thu nhập thông qua cải tiến kỹ thuật canh tác… Đối với DN, đầu tư cải tiến công nghệ, đầu tư mới đáp ứng yêu cầu giá trị sản phẩm tăng cao, cạnh tranh; nâng cao năng lực quản trị, các tiêu chuẩn quản lý, đảm bảo yêu cầu khắt khe của hội nhập.

“Nếu thực hiện tốt mối liên kết giữa DN và người trồng dừa, các liên kết giữa người trồng dừa với nhau, xây dựng các cơ sở sơ chế tại chỗ cung ứng cho DN, nhân rộng quy trình dừa hữu cơ… thì cơ hội tiêu thụ cả thị trường trong và ngoài nước sẽ rất lớn và bền vững” - ông Trần Anh Tuấn nói.

An Giang là tỉnh có nhiều kinh nghiệm trong hợp tác, liên kết xây dựng hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm nông sản. Theo đó, có 3 mô hình được đề xuất để liên kết hình thành chuỗi giá trị. Một là mô hình liên kết cung ứng vật tư đầu vào gắn tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, theo phương thức nông dân (hoặc tổ chức nông dân) tổ chức sản xuất gia công cho DN chế biến xuất khẩu. Hai là mô hình “lướt sóng”, DN thu mua sẽ ký kết hợp đồng kinh tế với các tổ chức nông dân với nhau vào đầu vụ sản xuất theo một giá cố định nào đó, dựa vào thỏa thuận của hai bên, dựa trên một phần sản lượng nào đó, phần còn lại họ sẽ bán cho người mua khác theo giá thị trường tại thời điểm bán. Thứ ba là mô hình chuỗi giá trị minh bạch, giữa các hộ/tổ chức nông dân và người chế biến/người mua cùng lập kế hoạch sản xuất.

Đổi mới công nghệ ngành dừa

Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư dừa Bến Tre Trần Văn Đức cho rằng, cần đổi mới công nghệ trong phát triển chuỗi giá trị ngành dừa. Ông nhìn nhận, ngành dừa có tiềm năng phát triển rất tốt, giai đoạn công nghệ 4.0 đang mở ra nhiều cơ hội phát triển mới cho ngành dừa tỉnh. Đã có các DN đổi mới công nghệ hòa nhập xu thế thế giới, có nhiều cơ hội phát triển, nâng cao giá trị gia tăng trái dừa nhưng nguyên liệu chưa ổn định, chưa phát triển căn cơ. Có những DN đầu tư mới nhưng chưa có vùng nguyên liệu lớn. Mặt khác, việc khai thác cây dừa ở mức độ thô, bán thành phẩm. Nguyên nhân chủ yếu do năng lực khai thác cây dừa còn nhiều hạn chế. DN chế biến dừa là ngành chủ lực, nhưng công nghệ phát triển dừa còn ít, giá cả bấp bênh, ảnh hưởng đến đời sống của đông đảo người thụ hưởng từ cây dừa.

Về tầm nhìn phát triển, ông Trần Văn Đức cho rằng, DN cần phải có trách nhiệm với nông dân, tăng cường hợp tác với nhiều phía, mở ra cơ hội phát triển bền vững. Đặc biệt, cần khắc phục tình trạng sản xuất quy mô nhỏ ở từng hộ gia đình thông qua việc xây dựng chuỗi liên kết giữa người trồng, thu mua, DN chế biến dừa với những hình thức linh hoạt thích hợp. Đồng thời, đẩy mạnh mối liên kết hợp tác giữa DN với các tổ chức liên kết người trồng dừa để phát triển mạnh vườn dừa hữu cơ, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN