Tham gia hoạt động xã hội giúp các thành viên trong gia đình gắn kết nhau hơn.
Nâng chất gia đình văn hóa
Xác định thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa - VH”, trong đó xây dựng và nâng chất GĐVH là khâu đột phá để xây dựng môi trường VH lành mạnh. Trong thực hiện, cấp ủy các cấp đã chỉ đạo phải gắn kết chặt chẽ với thực hiện nâng chất thành phố văn minh đô thị, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và trọng tâm là xây dựng và nâng chất GĐVH.
Các chuẩn mực GĐVH được tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, được cụ thể hóa thực hiện bằng nhiều phong trào, cuộc vận động của các đoàn thể, địa phương như: “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, “GĐ 5 không, 3 sạch”, “Xây dựng GĐ no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, câu lạc bộ “GĐ trẻ”, xây dựng “Công dân học tập” đem lại hiệu quả thiết thực. Hiện thành phố có 32.840/33.751 hộ GĐVH, đạt 97,38%; 93,08% người lớn gương mẫu; 94,55% trẻ em chăm ngoan.
Phong trào xây dựng GĐVH góp phần tích cực cho việc xây dựng GĐ hòa thuận, hạnh phúc, đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên, ý thức và trách nhiệm công dân được phát huy trong tham gia thực hiện các phong trào quần chúng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống GĐ. Từ đó, tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế - xã hội, tạo cơ sở cho phong trào xây dựng ấp, khu phố, xã, phường, cơ quan VH phát triển.
Nổi bật trong hoạt động xây dựng ấp, khu phố, xã, phường VH là phong trào phát triển kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa và giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe, khuyến học, khuyến tài, thể dục thể thao, bảo vệ môi trường và an ninh trật tự xã hội ở địa phương. Qua đó, cảnh quan môi trường, mỹ quan đô thị ngày càng sạch đẹp, trật tự đô thị đi vào nền nếp hơn trước. ý thức chủ động, tích cực tham gia các hoạt động VH, xã hội của cộng đồng nâng lên, coi trọng việc giữ gìn và phát huy những đạo lý, truyền thống tốt đẹp của GĐ và quê hương.
Hiện nay, thành phố có 68/69 ấp, khu phố giữ vững danh hiệu VH và 14/14 xã, phường VH, nâng chất 6/6 xã đạt chuẩn nông thôn mới - NTM (trong đó, xã Phú Nhuận và xã Nhơn Thạnh đạt chuẩn xã VH NTM nâng cao). 8/8 phường đạt chuẩn văn minh đô thị. 100% cơ quan VH (có 170 cơ quan VH do tỉnh kiểm tra công nhận). 13 chợ VH. 59 cơ sở thờ tự VH. 1 siêu thị VH.
Tăng cường nguồn lực
Đối với việc tăng cường nguồn lực cho các hoạt động VH, giáo dục, GĐ, TP. Bến Tre có 14 Trung tâm VH - Thể thao và Học tập cộng đồng (VHTT&HTCĐ) xã, phường. Ngay từ đầu năm 2022, các trung tâm VHTT&HTCĐ xã, phường và nhà VH ấp, khu phố đều xây dựng kế hoạch hoạt động, lập dự toán kinh phí trình UBND xã, phường phê duyệt và triển khai thực hiện.
Thực hiện Nghị quyết số 21/2018/NQ-HĐND ngày 7-12-2018 của HĐND tỉnh và Hướng dẫn liên tịch số 1212/HDLT-SVHTTDL-STC ngày 3-5-2019 của Sở VH, Thể thao và Du lịch, Sở Tài chính, thành phố đã cấp phát 15 triệu đồng/trung tâm VHTT&HTCĐ xã, phường và 5 triệu đồng cho nhà VH ấp, khu phố. Qua theo dõi, việc sử dụng kinh phí của trung tâm VHTT&HTCĐ chủ yếu cho các hoạt động giao lưu, ra mắt câu lạc bộ, tuyên truyền các ngày lễ lớn. Kinh phí nhà VH ấp, khu phố tập trung cho việc tổ chức Ngày Đại đoàn kết. Việc sử dụng kinh phí của các đơn vị thực hiện đúng theo hướng dẫn và thanh quyết toán theo quy định.
Trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ thành phố đến xã, phường tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 74-KH/ThU ngày 10-6-2021 của Thành ủy cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo phát triển sự nghiệp VH, tập trung chỉ đạo thực hiện nâng chất xây dựng thành phố văn minh đô thị, phường văn minh đô thị, xã VH NTM và xã NTM gắn với tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kết luận số 01-KL/TW ngày 18-5-2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong hệ thống chính trị và toàn xã hội; xác định xây dựng con người và GĐVH là khâu đột phá để phát triển VH.
Bài, ảnh: T. Thảo