
Quan tâm đào tạo lao động chất lượng cao. Ảnh: Phan Hân
Dự báo tỷ lệ thất nghiệp tăng
Thông tin từ Viện Nghiên cứu đào tạo kinh tế quốc tế, thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, diễn đàn kinh tế thế giới dự báo giai đoạn 2015 - 2020 có trên 5,1 triệu lao động trên thế giới bị mất việc làm do những biến động của thị trường lao động. Thêm vào đó, nghiên cứu mới đây của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho thấy, trong hai thập kỷ tới, khoảng 56% số người lao động tại 5 quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, có nguy cơ mất việc làm vì rô-bốt. Đặc biệt là trong ngành dệt may, da giày, lắp ráp điện tử, chế biến thủy hải sản, dịch vụ bán lẻ.
Theo ông Trần Anh Tuấn - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo kinh tế quốc tế, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu dự báo nhân lực, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức nhất là trong các lĩnh vực: công nghệ gốc, công nghệ nguồn, nhân lực chất lượng cao, chính sách và hạ tầng kỹ thuật số, quyền lực mềm, biên giới mềm, an ninh không gian mạng, tội phạm công nghệ cao, xuyên quốc gia. Nhiều nghiên cứu cho thấy, công nghiệp 4.0 có tác động rất lớn đến cơ cấu nguồn nhân lực. Sẽ có sự chuyển dịch mạnh mẽ trong thị trường lao động theo hướng từ nguồn nhân lực giá rẻ, trình độ thấp sang nguồn nhân lực chất lượng cao, do vậy thị trường lao động truyền thống có nguy cơ bị phá vỡ.
Cách mạng công nghiệp 4.0 có rất nhiều thách thức nhưng cũng không ít cơ hội để nguồn nhân lực nói chung và mọi người lao động nói riêng tích cực nắm bắt cơ hội và phấn đấu.
Nghề “hot” trong tương lai
Các chuyên gia của ILO nhận định: Nhu cầu về nhân lực trong nền công nghiệp tương lai đã thay đổi, máy móc trong nhà máy đang cần người làm việc có những kỹ năng mới để vận hành. Đó là, “lao động tri thức” kể cả lực lượng công nhân có thể vận hành máy móc tự động hóa, giải quyết các sự cố mà rô-bốt không thể làm thay. Từ đó cho thấy thị trường Việt Nam đang thiếu trầm trọng nguồn nhân lực này.
Dự báo nhu cầu nhân lực theo xu hướng những nhóm ngành nghề mới gồm: nhóm ngành “Công nghệ thông tin” với các nghề mới như bảo mật mạng, lập trình ứng dụng di động, lập trình game, lập trình thiết kế game 3D, lập trình thiết kế hiệu ứng hình ảnh và hoạt hình 3D. Nhóm nghề này vẫn dựa trên nền tảng của ngành đào tạo là công nghệ thông tin và được phát triển theo hướng chuyên sâu hơn.
Nhóm ngành quản trị kinh doanh - tài chính - ngân hàng: Xu hướng kết hợp giữa các chuyên ngành hình thành ra những nhóm ngành nghề mới như: quản trị rủi ro; quản lý chất lượng chuyên ngành công nghiệp - công nghệ kỹ thuật và y tế; quản lý hệ thống thông tin; kế hoạch và dự báo kinh tế nhân lực - xã hội - kinh doanh; tư vấn tài chính cá nhân; quản lý dự án khoa học môi trường - hàng không; logistic; quản lý văn phòng cao cấp.
Nhóm ngành khoa học xã hội: Sự kết hợp giữa ngành tâm lý học, khoa học xã hội với các nhóm ngành khác như pháp luật, giáo dục như tư vấn học đường, tâm lý xã hội, tâm lý điều trị bệnh lý.
Nhóm ngành y tế: Xu hướng ứng dụng các kỹ thuật cao và y tế hình thành các nhóm ngành mới như quản trị cơ sở dữ liệu ngành y tế, kỹ sư nghiên cứu tế bào gốc, công nghệ y sinh, chuyên viên nghiên cứu các vấn đề về gen.

Bến Tre có thế mạnh nguồn nhân lực với khoảng 18 ngàn người bước vào độ tuổi lao động mỗi năm. Ảnh: T. Thảo
Cần thay đổi cách học
Năm điều kiện của nhân lực chất lượng cao đó là: có nghề, chuyên môn kỹ năng nghề, chấp hành kỷ luật đạo đức nghề nghiệp, biết ứng dụng công nghệ thông tin và thiết bị công nghệ văn phòng, ngoại ngữ giao tiếp. |
Mỗi năm, tỉnh có khoảng 18 ngàn người bước vào độ tuổi lao động, đây là thế mạnh nguồn nhân lực mà tỉnh nhà cần phát huy. Ông Trần Anh Tuấn - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo kinh tế quốc tế cho biết: Trong 2 thập kỷ tới sẽ là đỉnh điểm của việc thay đổi trong phương cách tuyển dụng và xin việc làm. Trong tương lai, tuyển dụng và tìm việc chuyển thành trao đổi chuyên môn giữa doanh nghiệp và người lao động.
Theo ông Trần Anh Tuấn, vấn đề mà nguồn lao động Việt Nam đang đối mặt chính là: Cơ cấu lao động lạc hậu, trình độ thấp, thiếu nghiêm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao. Mặt khác, trong bối cảnh tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đã làm thay đổi nhanh chóng những đòi hỏi từ thị trường lao động, việc cung cấp cho người học những kiến thức, kỹ năng ngày hôm nay có thể nhanh chóng lạc hậu vào ngày mai. Vì thế, cách tiếp cận hệ thống giáo dục đào tạo mở (từ đào tạo chuyên môn hóa sang đào tạo đa kỹ năng cho người lao động) giúp người lao động có thể đương đầu với những thách thức trong tương lai.
Trong bối cảnh nhiều công việc bị thay thế bởi rô-bốt, con người cần thay đổi kỹ năng và tư duy làm việc để có thể sống và làm việc với rô-bốt. Học sinh, sinh viên muốn tìm được việc làm trong tương lai cần phải giỏi chuyên môn, giỏi nghề, am hiểu công nghệ, tư duy sáng tạo. Thói quen chọn trường uy tín để học hay thị hiếu “bảng điểm cao” sẽ bị thay đổi trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên toàn cầu. Thanh niên phải chọn nghề phù hợp với khả năng bản thân và nhu cầu phát triển của thị trường lao động.
Bên cạnh đó, việc thông thạo ngoại ngữ, công nghệ thông tin là chìa khóa quan trọng giúp người lao động tiếp cận với nền tri thức tiên tiến, hỗ trợ đắc lực cho công việc. Một khi đã nắm vững ngoại ngữ, công nghệ thông tin cộng với năng lực chuyên môn tốt, người lao động có thể hội nhập một cách dễ dàng vào thị trường lao động trong tương lai.
Thạch Thảo