Diễn đàn kết nối du lịch TP. Hồ Chí Minh và đồng bằng sông Cửu Long lần thứ I năm 2019

Xây dựng sản phẩm đặc thù để kết nối hiệu quả

06/09/2019 - 06:30

BDK - Diễn đàn kết nối du lịch TP. Hồ Chí Minh và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) diễn ra trong 2 ngày 4 và 5-9-2019, đồng thời với Hội chợ du lịch quốc tế TP. Hồ Chí Minh ITE 2019 đã tập trung bàn sâu các vấn đề về liên kết du lịch trong khu vực. Diễn đàn có sự gặp nhau giữa lãnh đạo các tỉnh thành, lãnh đạo ngành du lịch, các doanh nghiệp (DN) du lịch và nhiều nhà đầu tư đã mở ra cho khu vực được xem là vùng phát triển năng động của cả nước những cơ hội mới.

Lãnh đạo ngành du lịch TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long ký kết hợp tác liên kết du lịch.

Lãnh đạo ngành du lịch TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long ký kết hợp tác liên kết du lịch.

Cần tạo sự khác biệt

Vấn đề hạn chế của du lịch vùng ĐBSCL mà từ trước tới nay luôn được đề cập đến là tình trạng trùng lắp sản phẩm du lịch giữa các địa phương. Việc các địa phương trong khu vực khai thác các sản phẩm du lịch “hao hao giống nhau” thời gian qua khiến cho dù có tiềm năng dồi dào nhưng du lịch ĐBSCL vẫn chưa thực sự đạt hiệu quả đột phá như kỳ vọng.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh có nói: “Liên kết phát triển là xu thế tất yếu của nền kinh tế thị trường. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp và không có ranh giới địa lý. Vì vậy, tính liên kết trong phát triển có ý nghĩa quan trọng”. Mấu chốt của liên kết chính là các địa phương phải xây dựng cho mình sản phẩm du lịch mang tính đặc thù.

Xây dựng sản phẩm du lịch cho một địa phương là bắt nguồn từ các điều kiện tự nhiên, văn hóa, lịch sử của địa phương đó. ĐBSCL có nét tương đồng về thổ nhưỡng, điều kiện tự nhiên nhưng cũng có những điểm khác biệt, những giá trị riêng không nơi nào giống nơi nào. ĐBSCL chia làm 3 khu vực địa hình: ven biển - hệ sinh thái rừng ngập mặn, vùng ngập nước tả ngạn, hữu ngạn sông Tiền, sông Hậu và vùng đất cao miệt vườn. Con người vùng ĐBSCL cũng đa dạng về tộc người, về văn hóa, lối sống. “Cần hiểu rằng tiềm năng du lịch ĐBSCL đó là cuộc sống đời thường của người dân gắn với môi trường sông nước. Con người đa dạng, hệ sinh thái đa dạng kết hợp với nhau tạo nên sự đa dạng, phong phú của khu vực ĐBSCL. Vì vậy nên phát triển sản phẩm du lịch của ĐBSCL theo hướng đặc thù của từng khu vực, không sao chép lẫn nhau. Muốn như vậy, các địa phương cần có sự ngồi lại với nhau”, ông Trương Hoàng Phương - Giám đốc Công ty Exotic Việt Nam chia sẻ.

Về góc độ tỉnh Bến Tre, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trương Quốc Phong cho biết, định hướng của tỉnh trong xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù là du lịch sinh thái, lấy hình ảnh cây dừa làm trung tâm gắn với ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đánh giá về Bến Tre, các chuyên gia cũng nhận định rằng cây dừa là đặc trưng nổi trội nhất của tỉnh mà không nơi nào bì được. Nếu tận dụng tốt thế mạnh thì sẽ tạo được nét riêng có của du lịch Bến Tre.

Thay đổi góc nhìn về liên kết

Từ trước đến nay, TP. Hồ Chí Minh được xem là “đầu mối” đưa du khách đến các tỉnh thành ĐBSCL. Còn ở khu vực ĐBSCL, hiện tại đang được chia thành 2 cụm liên kết: cụm phía Đông (Đồng Tháp - cụm trưởng, Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Trà Vinh), cụm phía Tây (Bạc Liêu - cụm trưởng, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Cà Mau). Theo như phân tích của các chuyên gia tại diễn đàn, trong nội bộ các cụm được chia như vậy có những điểm tương đồng với nhau về điều kiện tự nhiên.

Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ - Tổng giám đốc Công ty cổ phần du lịch và tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam - Vietravel, ở góc độ doanh nghiệp lữ hành, có thể phân tuyến liên kết sản phẩm du lịch theo trục dọc Bắc - Nam, lấy TP. Hồ Chí Minh - TP. Cần Thơ làm xương sống để phân luồng du khách. “Thay đổi cách phân tuyến trong liên kết sẽ phát huy được thế mạnh của mỗi tỉnh thành mà các tỉnh khác không có, mỗi tuyến sẽ có những đặc thù riêng mà tuyến khác không có”, ông Nguyễn Quốc Kỳ nêu ý kiến.

Theo ông Trương Quốc Phong nhận định, góc nhìn mới về thay đổi trục liên kết theo hướng Bắc - Nam sẽ có lợi hơn cho Bến Tre khi vừa phát huy được hiệu quả trong liên kết theo cụm phía Đông ĐBSCL từ trước tới nay, vừa tạo ra nhiều cơ hội giúp Bến Tre có nhiều cơ hội mở tour tuyến mới, liên kết phát triển các tour tuyến với các tỉnh trong liên kết.

Tại diễn đàn, các vấn đề liên quan đến phát triển liên kết du lịch trong khu vực cũng được đặt ra như: đầu tư giao thông, hạ tầng cho du lịch đồng bộ, vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường trong du lịch, công tác đào tạo nguồn nhân lực làm du lịch, truyền thông, quảng bá du lịch...

Ngành chức năng thực hiện vai trò quản lý nhà nước về lĩnh vực du lịch, có trách nhiệm định hướng, xây dựng chính sách để hỗ trợ cho các nhà đầu tư, các DN trong khai thác du lịch. Bên cạnh đó, các DN lữ hành, du lịch cũng cần nêu cao vai trò, thực hiện trách nhiệm của mình đối với du lịch địa phương, góp phần xây dựng sản phẩm du lịch địa phương.

 Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trương Quốc Phong cho biết: Công tác định hướng, phát triển du lịch của tỉnh cần quan tâm đến quy hoạch và liên kết vùng, từ đó tạo ra những sản phẩm du lịch từ những tài nguyên bản địa của mình. Việc quan trọng là có sự kết nối với các DN lữ hành, đồng thời DN lữ hành sẽ hỗ trợ tư vấn để tạo ra những sản phẩm, từ sản phẩm đó kết nối tour tuyến phù hợp để tránh đi sự trùng lắp trước nay.

Đại diện Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh cho biết, sau diễn đàn, giữa các tỉnh, thành sẽ tiếp tục có những gặp gỡ chuyên sâu trong ngành để trao đổi, đối thoại, tìm ra giải pháp để kết nối với nhau; đồng thời, đưa ra chiến lược phát triển trung hạn và dài hạn để thực hiện.

Tại hội nghị cấp cao lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL về phát triển du lịch (phiên làm việc thứ 3 của diễn đàn) vào ngày 5-9-2019, đại diện lãnh đạo ngành du lịch các tỉnh, thành đã ký kết chương trình hợp tác liên kết phát triển du lịch.

Dự kiến tỉnh Đồng Tháp sẽ đăng cai tổ chức Diễn đàn kết nối du lịch TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL lần thứ II vào năm 2021.

Bài, ảnh: Hạnh Linh

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN