Xây dựng thế trận lòng dân góp phần bảo vệ an ninh trật tự tại địa phương
09/10/2024 - 05:42
BDK - Xây dựng thế trận lòng dân là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, vừa là yêu cầu cấp bách nhằm tạo cơ sở vững chắc, nền tảng sức mạnh quốc phòng, an ninh của đất nước, góp phần quan trọng vào công tác bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) tại địa phương. Dù trong thời chiến hay thời bình, thế trận lòng dân vẫn luôn giữ vai trò quan trọng mang tính quyết định đến sức mạnh, sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc.
Khởi công xây dựng cầu Biện Phan, xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành. Ảnh: Đăng Khoa
Nhiều yếu tố tác động
Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, ông cha ta luôn dựa vào nhân dân để phát huy trí tuệ, sức mạnh, lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết toàn dân để xây dựng và bảo vệ bờ cõi. Nhiều lần, dân tộc ta phải đương đầu với các thế lực xâm lược mạnh hơn ta về nhiều mặt. Vì vậy, việc lựa chọn đường lối chiến tranh nhân dân là sự lựa chọn duy nhất của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Phải lấy dân làm gốc, dựa vào sức mạnh nơi dân, coi sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân là thành trì vững chắc nhất; khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc, tinh thần yêu nước nồng nàn, chí căm thù giặc sâu sắc, tính cố kết cộng đồng, ý chí kiên cường, bất khuất để thực hiện nhiệm vụ cả nước chống giặc. Chỉ có toàn dân đánh giặc mới tạo được thế trận liên hoàn, toàn diện, đánh từ trong ra ngoài, đánh địch từ ngay trong lòng địch.
Chiến thắng mùa xuân năm 1975 mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập của dân tộc và nhân dân ta cùng bắt tay vào xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ, nhiều thành tựu khoa học tiên tiến, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện và đổi mới. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển bùng nổ của mạng Internet, các mạng xã hội và những nảy sinh từ mặt trái của nền kinh tế thị trường; tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, kinh tế suy thoái; an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ngày càng phức tạp, tác động tiêu cực đến cục diện chính trị, an ninh, kinh tế thế giới, khu vực và trong nước. Bên cạnh những kết quả đạt được, nước ta vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân; các thế lực thù địch gia tăng các hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước ta. Trên địa bàn tỉnh, các tổ chức phản động, đối tượng chống đối, bất mãn, cơ hội chính trị và một số báo, đài nước ngoài tiếp tục triệt để khai thác các vấn đề hạn chế, tiêu cực, thiếu sót, khuyết điểm trong quá trình lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội; công tác quản lý nhà nước về ANTT, đấu tranh, xử lý các đối tượng tham gia tổ chức phản động để đăng tải, chia sẻ, bình luận xuyên tạc lịch sử, thành quả cách mạng, chống Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, kích động khiếu kiện đông người gây rối, vượt cấp… đã ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương.
Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Xã hội vẫn còn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp, khó lường, để bảo vệ vững chắc thế trận an ninh nhân dân tại địa phương, hơn lúc nào hết, “thế trận lòng dân” càng phải được quan tâm, tập trung xây dựng để huy động tối đa sức mạnh của nhân dân tham gia vào công tác bảo đảm ANTT. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta và địa phương đã ban hành và tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chính sách nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đổi mới chính sách xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Thực hiện tốt chính sách người có công, quan tâm chăm lo mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, gia đình chính sách; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân; huy động đa dạng các hình thức thiện nguyện, đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia giúp đỡ người yếu thế, khó khăn…
Nhìn lại đại dịch Covid-19 vừa qua, với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, kiểm soát dịch thành công vì sức khỏe, tính mạng của nhân dân, bảo đảm cuộc sống của nhân dân là điều quan trọng nhất, đó là chính sách an dân, thuận lòng dân. Vì lợi ích cộng đồng, công tác an sinh xã hội, chăm lo cho người dân, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh được triển khai quyết liệt, tích cực và vô cùng hiệu quả. Không những trong dịch Covid-19 hay trong các đợt hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài ở các tỉnh miền Tây những năm qua, nhiều nguồn lực được các cấp, các ngành huy động, nhiều mạnh thường quân, những tấm lòng hảo tâm đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước hỗ trợ người dân tại các huyện trong tỉnh. Điều này tạo nên hiệu ứng tích cực và góp phần cùng chính quyền các cấp chung tay khắc phục hạn mặn và dịch Covid-19. Qua đó, mới thấy được ý chí, quyết tâm mạnh mẽ và tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, nghĩa cử cao đẹp trong lúc khó khăn của đồng bào, đồng chí. Đây cũng chính là biện pháp vận động quần chúng, từng bước góp phần nâng cao hiệu quả công tác dân vận, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bồi đắp niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.
Phát huy sức mạnh toàn dân
Để tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong sự nghiệp bảo đảm ANTT, quán triệt chủ trương của lãnh đạo Bộ Công an “Mọi hoạt động của lực lượng Công an nhân dân đều đặt lợi ích chính đáng của nhân dân lên trên hết, trước hết. Với sứ mệnh “Bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân”, quyết tâm thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16-3-2022 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”, lực lượng công an các cấp luôn chủ động trên mọi mặt trận, nhất là tham mưu với Đảng, chính quyền những vấn đề cơ bản, chiến lược trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, đối ngoại và ANTT.
Triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc, tạo thế chủ động trong công tác bảo vệ ANTT. Tích cực vận động nhân dân tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để người dân hiểu rõ về nhiệm vụ bảo vệ ANTT, từ đó nâng cao tinh thần cảnh giác, tích cực tham gia cùng lực lượng công an phòng ngừa và đấu tranh với các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật. Duy trì, giữ mối liên hệ mật thiết với nhân dân. Tổ chức thường xuyên diễn đàn “Công an nhân dân lắng nghe ý kiến nhân dân” để nhân dân góp ý, phê bình, xây dựng lực lượng Công an nhân dân; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” thực sự gần dân, hiểu dân, vì nhân dân phục vụ. Nhân dân biết, nắm rõ, hiểu được chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật, tạo cơ sở để thống nhất, đồng thuận, đồng lòng, đoàn kết tổ chức thực hiện đạt hiệu quả và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, điều tra làm rõ để xử lý nghiêm các vụ việc tham nhũng, tiêu cực, theo đúng tinh thần chỉ đạo của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” được quán triệt sâu sắc từ Trung ương đến địa phương. Qua công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng đã góp phần cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa vi phạm, thu hồi được nhiều tài sản cho Nhà nước; tham mưu, đề xuất nhiều giải pháp quan trọng trong chỉ đạo điều hành, xây dựng đội ngũ cán bộ, hoàn thiện thể chế pháp luật, góp phần làm trong sạch bộ máy, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; đồng thời, củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Bên cạnh đó, Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” được ban hành, lực lượng công an giữ vai trò nòng cốt. Lực lượng công an từ tỉnh đến cơ sở đã chủ động triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp công tác sát với chức năng, nhiệm vụ của ngành. Gắn kết chặt chẽ công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch với công tác bảo đảm ANTT, góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả “Thế trận lòng dân”. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, lan tỏa thông tin tích cực, cảnh báo thông tin giả mạo, sai sự thật, xấu độc; định hướng dư luận, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân; tích cực tham gia công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Tranh thủ, phát huy vai trò của người có ảnh hưởng trong dẫn dắt, định hướng thông tin chính thống, nhằm nâng cao nhận thức, tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân.
Thấm nhuần sâu sắc quan điểm của Đảng và Bác Hồ kính yêu: “Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; nhân dân là nền tảng, sức mạnh to lớn trong cuộc đấu tranh bảo vệ ANTT”, từ thực tế tình hình của địa phương, việc xây dựng, giữ gìn và phát huy “Thế trận lòng dân” gắn với “Thế trận an ninh nhân dân” bảo đảm tốt ANTT phục vụ đắc lực công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nông thôn mới ở cơ sở là hết sức quan trọng và cần thiết. Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp đoàn kết, đồng lòng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đem lại cuộc sống bình yên và hạnh phúc cho nhân dân, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phồn vinh, phát triển.