Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bến Tre tạo động lực cho phát triển nhanh, bền vững

12/10/2020 - 07:06

BDK - “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bến Tre đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững” là một trong những nhiệm vụ được đề ra trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa X tại Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Quan điểm định hướng là “khơi dậy tinh thần Đồng khởi, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên của người dân Bến Tre trong phát triển kinh tế và phát huy các giá trị truyền thống, văn hóa, con người để sánh vai cùng các địa phương trong cả nước...”.

Quan tâm giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh trong các trường học. Ảnh: NG. Hải

Quan tâm giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh trong các trường học. Ảnh: NG. Hải

Nền tảng tinh thần xã hội

Xác định rõ tầm quan trọng của phát triển văn hóa, con người, đặc biệt là sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về văn hóa, Nghị quyết của các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh đều khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững, văn hóa luôn song hành với kinh tế, chính trị và xã hội.

Nổi bật là trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 11-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy trong việc phát huy các giá trị truyền thống văn hóa và phát triển toàn diện con người Bến Tre nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh và tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI của Đảng về văn hóa. Qua đó, đã tạo chuyển biến tích cực về mặt nhận thức của các cấp, các ngành, thấy được sự cần thiết của việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người để tạo động lực cho phát triển nhanh và bền vững.

Từng đơn vị, địa phương đã tập trung thực hiện các nội dung về xây dựng chuẩn mực đạo đức, trọng tâm là giáo dục đạo làm người, đề cao truyền thống tốt đẹp, với 5 đức tính là [1] trọng nghĩa tình, uy tín danh dự, [2] tự tin, tự giác, tự lập, [3] cầu thị tiến bộ, hướng thiện, [4] trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo và [5] có kỹ năng sống, có sức khỏe và tinh thần làm việc tốt... Nội dung về xây dựng con người đã được cụ thể hóa thành mục tiêu, chuẩn mực trong xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức và người lao động của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; lực lượng vũ trang, đoàn viên, hội viên... các tiêu chí, chuẩn mực xây dựng con người Bến Tre phát triển toàn diện đã được định hướng cụ thể theo từng nhóm đối tượng gắn với các tiêu chí, danh hiệu đã được xây dựng...

Qua thực hiện, nhất là triển khai nội dung xây dựng con người đã có tác động tích cực trong việc củng cố, nâng cao tinh thần yêu nước, yêu quê hương, củng cố tình làng, nghĩa xóm; bước đầu khơi dậy tinh thần năng động sáng tạo, cầu thị, hướng thiện trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân... Chất lượng, hiệu quả các hoạt động văn hóa từng bước được nâng cao, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của quê hương, dân tộc được kế thừa và phát huy trong giai đoạn mới, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện.

Do yêu cầu xây dựng con người phát triển toàn diện, liên quan đến nhiều lĩnh vực, bao hàm nhiều yếu tố về kinh tế, chính trị, khoa học công nghệ, y tế giáo dục, văn học nghệ thuật, trong đó hạt nhân là phát huy các giá trị truyền thống văn hóa. Khi đặt nhiệm vụ xây dựng con người phát triển toàn diện ở vị trí trung tâm, phát triển văn hóa ngày càng gắn bó hơn với xây dựng con người, khơi dậy và phát huy mọi tiềm năng sáng tạo của con người, thúc đẩy phát huy sáng kiến, nâng cao hiệu quả sản xuất, năng suất lao động.

Cùng với việc xây dựng con người, phát triển văn hóa còn nhằm mục tiêu là làm cho văn hóa trở thành nền tảng tinh thần xã hội, tạo thành động lực phát triển bền vững của quê hương, đất nước. Thực tiễn cho thấy, để phát triển nhanh, bền vững thì một trong những động lực không thể thiếu là phát triển văn hóa. Khi văn hóa phát triển lành mạnh và đúng hướng có khả năng phát huy mặt tích cực, bảo đảm cho sự phát triển xã hội được hài hòa, cân đối, cổ vũ và xây dựng một lối sống văn minh, tiến bộ, hình thành các mối quan hệ, ứng xử có văn hóa giữa con người với nhau, giữa con người với môi trường xã hội và tự nhiên.

Kết quả trên cho thấy, nhiệm vụ xây dựng và phát triển con người Bến Tre đã hòa quyện, gắn bó hữu cơ và chịu sự tác động lẫn nhau và với các lĩnh vực khác, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững tỉnh nhà.

Hành trình "gạn đục khơi trong"

Trong quá trình triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về xây dựng và phát triển văn hóa, con người, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế nhất định. Đáng chú ý là việc xây dựng chuẩn mực con người Bến Tre chuyển biến chưa rõ nét, nhất là kỹ năng sống, tự tin, tự lập, sáng tạo trong một bộ phận nhân dân và cán bộ, đảng viên...; việc xây dựng văn hóa trong chính trị, văn hóa trong kinh tế có sự chuyển biến nhưng chưa mạnh, chưa đồng bộ...; tình làng nghĩa xóm nơi này, nơi khác chưa thật sự thắt chặt, tính cộng đồng trong một bộ phận dân cư chưa cao; còn một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân thiếu quan tâm trong việc học tập nâng cao trình độ, thiếu tu dưỡng rèn luyện bản thân, trong tiếp thu văn hóa thiếu chọn lọc; có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức; có lối sống thực dụng, hưởng thụ, buông thả, sa vào các tệ nạn xã hội; gây bức xúc trong dư luận xã hội; một bộ phận thiếu ý chí tiến thủ tự vươn lên, lười biếng trong công tác, học tập, lao động; môi trường văn hóa có những mặt chưa thực sự lành mạnh; việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa đạt hiệu quả chưa cao...

Sông nước quê hương. Ảnh: CTV

Sông nước quê hương. Ảnh: CTV

Bên cạnh đó, trước xu thế hội nhập quốc tế hiện nay, nhất là sự bùng nổ của các phương tiện thông tin đại chúng và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đã mang đến nhiều cơ hội và cả thách thức cho tỉnh nhà. Văn hóa với vai trò là nền tảng tinh thần xã hội cũng không thể đứng ngoài cuộc trong việc mở rộng giao lưu và tiếp thu các giá trị văn hóa mới của các tỉnh thành trong cả nước và khu vực, quốc tế. Kinh tế - xã hội phát triển, đời sống người dân từng bước cải thiện đã tạo thêm những điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bến Tre. Đồng thời, xuất hiện không ít khó khăn, trở ngại do hoàn cảnh xã hội thay đổi. Một số giá trị văn hóa truyền thống chưa được quan tâm đúng mức, từng lúc từng nơi có biểu hiện coi trọng vật chất hơn văn hóa tinh thần, sự xuất hiện và “biến tướng” của một số loại hình dịch vụ văn hóa, giải trí hiện đại gây bức xúc trong cộng đồng dân cư, thậm chí có trường hợp dẫn đến hậu quả nghiêm trọng (nhạc sống), tình trạng chạy theo lợi nhuận trong sản xuất, kinh doanh, xem nhẹ chữ tín, coi thường sức khỏe cộng đồng (hàng gian, hàng kém chất lượng), tệ nạn xã hội chẳng những không được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn có dấu hiệu gia tăng (cờ bạc, ma túy, cho vay nặng lãi), cá biệt có một số trường hợp lợi dụng văn hóa để truyền bá mê tín dị đoan, truyền bá những quan điểm sai trái, thù địch...

Có nhiều nguyên nhân đưa đến thực trạng “báo động” như trong thời gian vừa qua, nhưng trong chừng mực nào đó có thể khẳng định nguyên nhân sâu xa lại thuộc về văn hóa. Đó là sự “xuống cấp” về đạo đức xã hội, cái đẹp đang bị “lép vế” trước thói hư, tật xấu; “mặt trái” tiêu cực của nền kinh tế thị trường...; môi trường xã hội trở nên thiếu lành mạnh, môi trường tự nhiên bị ảnh hưởng (khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường)…

Thông qua lăng kính văn hóa để đánh giá không nhằm mục đích làm giảm nhẹ mức độ của những tồn tại, hạn chế, mà để có cái nhìn khách quan và toàn diện hơn, thấy được cái “gốc” phát sinh vấn đề, thấy được độ “chênh” giữa mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và nhiệm vụ phát triển và xây dựng văn hóa, con người, thấy được nguy cơ tiềm tàng của những giá trị truyền thống đang dần bị mai một, thiếu chọn lọc trong việc tiếp thu cái mới... Từ đó, có những giải pháp linh hoạt, mềm dẻo, vừa giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, vừa tiếp thu những giá trị mới, phù hợp, đồng thời đấu tranh ngăn chặn, chống hành vi phản văn hóa. Đó là hành trình “gạn đục khơi trong”, không được chủ quan, nóng vội, đòi hỏi sự kiên trì và quyết tâm cao, sự vào cuộc của toàn xã hội, đưa việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người trở về đúng quỹ đạo là nền tảng tinh thần xã hội, tạo động lực cho phát triển bền vững.

Tỏa sáng hệ giá trị tiến bộ

Để xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bến Tre đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa X tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đề ra mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 là: “Tập trung xây dựng con người Bến Tre với hệ giá trị: Yêu nước - trung thực - trách nhiệm - nhân ái - hợp tác - có khát vọng vươn lên; xây dựng gia đình hạnh phúc - tiến bộ; chú trọng xây dựng văn hóa chính trị trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể các cấp; xây dựng đội ngũ đảng viên: trung thành - trách nhiệm - hợp tác - nêu gương; xây dựng niềm tin xã hội, phát huy sức mạnh người dân, doanh nghiệp, tự hào về quê hương Đồng khởi, khát vọng vươn lên, làm giàu”...

Đó là những nội dung có tính bao quát, toàn diện, trước mắt và cả lâu dài, đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ và đoàn thể các cấp quyết tâm thực hiện có hiệu quả, tạo chuyển biến sâu sắc, toàn diện các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã nêu trên. Đồng thời, gắn với tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về văn hóa. Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết nhiệm kỳ mới, cần quan tâm và xác định rõ xây dựng và phát triển văn hóa, con người là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững.

Đối với việc xây dựng con người Bến Tre phát triển toàn diện, cần khẩn trương hoàn thiện việc xây dựng hệ giá trị “Yêu nước - trung thực - trách nhiệm - nhân ái - hợp tác - có khát vọng vươn lên” cho phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể trong cộng đồng dân cư. Chú trọng hơn nữa việc giáo dục thẩm mỹ, xây dựng lối sống tuân thủ pháp luật, tôn trọng đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “tương thân tương ái”... Bồi dưỡng và tôn vinh, nhân rộng các giá trị tốt đẹp, nhân văn; kiên quyết đấu tranh loại trừ các ấn phẩm độc hại, những hành vi sai trái, cực đoan, vi phạm pháp luật, truyền bá tư tưởng lệch lạc, lối sống thực dụng, trái thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng tiêu cực đến xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bến Tre. Đẩy mạnh xây dựng môi trường và đời sống văn hóa lành mạnh, gắn với xây dựng ý thức bảo vệ môi trường, gìn giữ, ứng xử đúng đắn với môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững của quê hương, đất nước; xây dựng nếp sống văn hóa tiến bộ, văn minh...

Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bến Tre phải gắn liền với xây dựng gia đình tiến bộ - hạnh phúc và phải bắt đầu từ xây dựng môi trường gia đình, đề cao vai trò gương mẫu của ông bà, cha mẹ. Gia đình tiến bộ - hạnh phúc là gia đình mà trong đó các thành viên thương yêu, tôn trọng nhau, luôn quan tâm chăm sóc, giúp đỡ, chia sẻ nhau cả về vật chất lẫn tinh thần; động viên, hỗ trợ nhau trong học tập, làm việc cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống; tôn trọng pháp luật và luôn có ý thức giữ gìn, vun đắp tình làng nghĩa xóm, xây dựng cộng đồng thân thiện, gắn bó. Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bến Tre đồng thời cũng phải được phát triển từ môi trường nhà trường, ngay từ rất sớm và kiên trì - hiệu quả, qua các môn học và các hoạt động ngoại khóa (nhất là hoạt động đoàn, đội), giáo dục kỹ năng. Ngành giáo dục và các trường cần coi trọng giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, giao tiếp ứng xử văn hóa cho học sinh; cần có kế hoạch phục hồi môn đạo đức hoặc lồng ghép nội dung giáo dục đạo đức vào các môn học, hoạt động có thể được. Quan tâm hành vi ứng xử mẫu mực của thầy, cô giáo, là tấm gương sáng để học sinh kính trọng và tự giác noi theo.

Về xây dựng văn hóa trong chính trị, từng cấp ủy phải xem trọng xây dựng văn hóa từ trong nội bộ Đảng và bộ máy nhà nước, đẩy mạnh việc “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, đề cao tính nêu gương đối với cán bộ, đảng viên, nhất là với người đứng đầu... Xây dựng hình mẫu người cán bộ, công chức, viên chức có bản lĩnh chính trị, tư tưởng vững vàng, đạo đức công vụ trong sáng, phải thật sự gương mẫu “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”, tận tụy với công việc, có chuyên môn, hết lòng phục vụ nhân dân.

Xây dựng các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp phải là những tập thể năng động, sáng tạo, kỷ luật, kỷ cương, dân chủ, xây dựng và thiết lập các mối quan hệ hài hòa trong ứng xử, giao tiếp, nêu cao tinh thần trách nhiệm. Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng gắn với chủ động phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong hệ thống chính trị và xã hội. 

Đồng thời, cần chú trọng yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế. Xây dựng đội ngũ doanh nhân trọng chữ tín, trách nhiệm xã hội và tuân thủ pháp luật, có tinh thần đổi mới, sáng tạo, có ý thức xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đóng góp có trách nhiệm cho cộng đồng và xã hội. Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, khát vọng vươn lên, thực hiện thắng lợi chương trình “Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp”...

Có thể nói, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cho việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bến Tre đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong thời gian tới tương đối đầy đủ, rõ ràng. Điều cốt lõi chính là quá trình tổ chức triển khai thực hiện, các cấp, các ngành nâng cao trách nhiệm, tạo mọi điều kiện thuận lợi để hệ giá trị tiến bộ thật sự tỏa sáng trong công tác, học tập, chiến đấu, lao động sản xuất, kinh doanh, quan hệ ứng xử trên tất cả lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội. Đưa văn hóa, con người Bến Tre phát triển vươn lên tầm cao mới, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đảng bộ các cấp trong nhiệm kỳ mới.

Phan Văn Mãi - Bí thư Tỉnh ủy

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN