BDK - Lực lượng Cảnh sát biển (CSB) hai nước Việt Nam và Indonesia vừa hoàn thành tốt đẹp cuộc luyện tập chung trên vùng biển ngoài khơi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Sự kiện này đã góp phần thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống, đối tác chiến lược giữa hai quốc gia, hai lực lượng; là dịp để cán bộ, chiến sĩ hai nước giao lưu, học hỏi, có thêm những kinh nghiệm quý báu trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn, thực thi pháp luật trên biển.
Tàu cảnh sát biển 8001, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 và tàu KN. Pulau Dana - 323 của lực lượng Cảnh sát biển Indonesia hiệp đồng phun vòi rồng dập tắt đám cháy.
Cuộc luyện tập của tình đoàn kết, hữu nghị
Gặp nhau trên vùng biển ngoài khơi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tàu CSB 8001 của Bộ Tư lệnh (BTL) Vùng CSB 3 và tàu KN. Pulau Dana-323 của lực lượng CSB Indonesia nhanh chóng chào nhau bằng những hồi còi tàu ngân to, hùng tráng. Hồi còi tàu vừa dứt, trên boong tàu, Đại tá Nguyễn Minh Khánh - Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng BTL Vùng CSB 3, chỉ huy chung cuộc luyện tập chung nhanh chóng bộ đàm sang chào tàu bạn và thống nhất một số nội dung trước khi chính thức bước vào luyện tập chung.
Trên tàu CSB 8001, âm thanh báo động cùng mệnh lệnh của Thiếu tá Hoàng Văn Biên - Thuyền trưởng tàu 8001 vang lên trên hệ thống loa tàu “Toàn tàu báo động, toàn tàu báo động. Tất cả vào vị trí chiến đấu, thực hiện nhiệm vụ chữa cháy tàu gặp hỏa hoạn”. Ngay lập tức chiến sĩ, thủy thủ các bộ phận đã có mặt tại những vị trí được phân công, theo đúng bảng bố trí chiến đấu của tàu.
Sau khi xác định được tọa độ vị trí đám cháy, con tàu CSB 8001 với mực giãn nước hơn 2 ngàn tấn, sừng sững giữa biển khơi nhanh chóng phối hợp nhịp nhàng, tăng tốc cùng tốc độ với tàu KN. Pulau Dana - 323 khẩn trương đến hiện trường, tiếp cận tàu bị nạn. Từng mệnh lệnh của người chỉ huy, từng hành động của thủy thủ hai tàu đều được triển khai thực hiện khẩn trương, dứt khoát, chuẩn xác.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ dập tắt đám cháy, hai tàu lại phát hiện người gặp nạn rơi xuống biển. Các tàu đã nhanh chóng xác định tọa độ, khẩn trương triển khai hạ xuồng cao tốc tiếp cận người bị nạn. Tiếp đó, cán bộ, chiến sĩ đưa người bị nạn lên tàu tiến hành sơ cứu ổn định sức khỏe.
Trong không khí hữu nghị, thân tình, sự quyết tâm cùng nỗ lực vượt khó của cán bộ, sĩ quan, thủy thủ hai lực lượng, các nhiệm vụ đã được triển khai đồng bộ, góp phần hoàn thành xuất sắc đợt luyện tập chung.
Thiếu tá Hoàng Văn Biên - Thuyền trưởng tàu 8001 chia sẻ, cuộc luyện tập chung với lực lượng nước bạn lần này là dịp để cán bộ, sĩ quan của hai lực lượng, hai tàu có thêm những kinh nghiệm quý báu trong thực tiễn công tác bảo đảm an ninh, an toàn, thực thi pháp luật và ứng phó với các sự cố trên biển; đồng thời rèn luyện cho cán bộ, chiến sĩ tàu tính chủ động, sáng tạo, khả năng hành động, bản lĩnh, nâng cao năng lực tổ chức chỉ huy trong thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Xây dựng vùng biển hòa bình, ổn định
Trực tiếp chỉ huy cuộc luyện tập chung, Đại tá Nguyễn Minh Khánh - Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng BTL Vùng CSB 3 cho biết: Được sự đồng ý của Bộ Quốc phòng, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Thủ trưởng BTL CSB Việt Nam cùng các kế hoạch, sự chuẩn bị kỹ lưỡng của BTL Vùng CSB 3, cuộc luyện tập chung với lực lượng nước bạn lần này đã diễn ra thành công. Trong đó, phải kể đến những bài học, ý nghĩa quan trọng về “cách ứng xử”. Ứng xử ở đây là cách chúng ta học hỏi từng lời nói, từng cử chỉ ngoại giao một cách trọng thị, thân tình từ người chỉ huy cho đến mỗi cán bộ, chiến sĩ của lực lượng nước bạn. Cách ứng xử ở đây cũng được hiểu là tinh thần cầu thị, học hỏi, lắng nghe, phát huy sức mạnh đoàn kết và tìm ra được “những tiếng nói chung”.
Cùng với đợt đón tiếp lực lượng CSB Indonesia đến thăm xã giao tại Bà Rịa - Vũng Tàu (từ ngày 8 đến 11-10-2024) và cuộc luyện tập chung giữa hai lực lượng lần này, thời gian qua, được sự quan tâm của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, mà trực tiếp là Đảng ủy, BTL CSB Việt Nam, BTL Vùng CSB 3 đã chú trọng triển khai, tham gia cùng toàn lực lượng trong nhiều hoạt động, sự kiện ngoại giao quốc phòng, hợp tác quốc tế.
Trong đó, điển hình như: Tham gia các cuộc tập trận chung, diễn đàn, hội thảo quốc tế về an ninh hàng hải; các sự kiện, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao năng lực ứng phó với các tình huống trên biển; hợp tác, phối hợp chặt chẽ với lực lượng các nước trong phòng, chống cướp biển, tội phạm ma túy, buôn bán, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới; phòng, chống khai thác IUU…
“Qua luyện tập chung đã góp phần nâng cao uy tín, vị thế và năng lực thực thi pháp luật trên biển của CSB Việt Nam; tăng cường hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, củng cố lòng tin chiến lược, tạo sự đồng thuận trong phối hợp, hợp tác giữa CSB Việt Nam với lực lượng thực thi pháp luật trên biển của các nước, xây dựng các vùng biển hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển”.
(Đại tá Nguyễn Minh Khánh - Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3)