 |
Khẩn trương thi công Con đường Dừa. Ảnh: Hữu Hiệp |
Con đường Dừa Bến Tre năm 2015” là một trong chuỗi hoạt động của Lễ hội Dừa Bến Tre lần thứ IV năm 2015. Nét mới của con đường là được thiết kế theo mô hình đối xứng, tạo hình ảnh đối lập giữa xưa và nay, cũ và mới, nông thôn và thành thị, xóm và phố, quê và chợ. Qua đó, khách tham quan được cảm thụ nghệ thuật hình ảnh đất nước, con người, cây dừa Bến Tre từ xưa đến nay, đồng thời cảm nhận được niềm tin, khát vọng vươn lên gắn với cây dừa của bao thế hệ người dân Bến Tre.
Năm nay, không gian Con đường Dừa được thiết kế với độ dài
400m, tổng diện tích 14.000m2, tại công viên Cái Cối, xã Mỹ Thạnh An, TP. Bến
Tre và được chia thành 3 phần chính. Không gian xóm dừa sẽ đối xứng với phố dừa
qua không gian trung tâm.
Đến với xóm dừa, du khách như được trở về nông thôn quê dừa
ngày xưa, cùng với cảnh sống bình yên, dung dị. Phong cảnh ở đây có bến sông
quê, đồng đất ban sơ, mùa lúa chín, chợ quê, nhà ở miệt ruộng, cầu dừa, cầu
tre, quán nhỏ ven đường… cùng với những vết tích của bom đạn chiến tranh hằn
sâu trên những thân dừa sừng sững hiên ngang. Những hình ảnh như thể gợi nhớ và
biểu hiện một chút tri ân đối với công sức, mồ hôi của các thế hệ cha ông từ
thuở khai hoang mở đất, chắt chiu từng hạt lúa, củ khoai để từng ngày quê hương
có được mảnh đất trù phú, xanh tươi, rợp mát bóng dừa.
Kiến trúc nhà cổ trong không gian này được xem là một trong
những điểm nhấn quan trọng góp phần tái hiện chân thực và độc đáo về đời sống
vật chất tinh thần của người dân quê dừa xưa kia. Ban đầu, khi đời sống người
dân còn nghèo khó, nhà lúa với kiến trúc ba gian một chái là phổ biến. Vật liệu
xây dựng nhà lúa chủ yếu làm bằng cây mù u. Kế đến là nhà dừa hình chữ đinh, có
sân tương, được xây chủ yếu bằng nguyên liệu dừa.
Mô hình Con đường dừa.
Đây cũng là không gian sẽ tái hiện sống động nhất những cảnh
sống thường ngày của người dân trong lao động sản xuất và hoạt động đời sống
văn hóa tinh thần. Các hoạt động trình diễn tay nghề như làm bánh bằng nguyên
liệu dừa, bó chổi, đan võng, đờn ca tài tử, hát sắc bùa… Thú vị hơn, khách tham
quan có thể tham gia, giao lưu đối với tất cả các hoạt động, cùng nghệ nhân
biểu diễn tay nghề.
Đối lập với xóm dừa là cảnh phố dừa với chủ đề “Quê dừa ngày
mới” nhằm giới thiệu những thành tựu, sáng tạo, sản phẩm của cây dừa, như: nhóm
sản phẩm thức uống từ dừa, sản phẩm làm đẹp từ dừa, thủ công mỹ nghệ. Đến với
phố dừa, khách tham quan sẽ được tận mắt nhìn thấy, tận tay sờ và được biết
thêm về kiến trúc mới của nhà lá dừa. Ngôi nhà là kế thừa kiến trúc cổ nhưng
được mở rộng hơn, với nhiều sinh hoạt hơn. Hầu hết những nguyên vật liệu tạo
thành ngôi nhà đều bằng thân dừa và lá dừa. Lá dừa sẽ xếp tỏa ra tạo thành mái
nhà. Ngồi trong ngôi nhà lá mát rượi, dung dị mà yên bình, du khách sẽ cảm thấy
thú vị bởi dù ngôi nhà nhỏ nhưng lại có thể tạo cảm giác rộng lớn hơn, thoải
mái hơn. Nếu tinh ý và lãng mạn đôi chút, du khách cũng có thể nhận ra rằng mái
nhà bằng lá dừa thật sự ý nghĩa. Dù mỏng manh nhưng lá dừa không kém phần cứng
cỏi, chắc chắn bởi cọng lá dừa nhỏ gọn, đủ cứng cáp để tạo cảm giác che chở, an
toàn con người. Sự nương tựa, gắn bó, chở che nhau giữa con người và dừa đã bắt
đầu từ khi có nhau.
Ngoài ra, những chiếc mo nang ôm chặt những hoa dừa là hình
ảnh đặc trưng nhất, hàm ý nhất ở không gian trung tâm của Con đường Dừa. Điều này
tượng trưng cho niềm tin của người dân Bến Tre về cây dừa trong hiện tại và
tương lai. Cây dừa sẽ mãi là nguồn sống chính yếu của người xứ Dừa và cả hai
cùng vươn lên, ngày một phát triển. Chín chiếc mo nang ôm chín hoa dừa là tượng
trưng cho chín huyện, thành phố trong tỉnh.
Những cây dừa được trồng nối dài xuyên suốt Con đường Dừa là
hình ảnh chủ đạo. So với Lễ hội Dừa lần thứ III, Con đường Dừa lần này được đầu
tư có chiều sâu với những ý tưởng nghệ thuật độc đáo nhưng ý nghĩa bám sát thực
chất của quê dừa qua những thăng trầm theo thời gian. Hồn dừa - hồn quê quyện
chặt nhau, cùng gắn kết với tâm thức, tình yêu và niềm tin mãnh liệt của con
người trên mảnh đất ba dải cù lao rợp bóng dừa xanh.