Xu hướng phát triển kinh tế tuần hoàn

17/03/2023 - 05:31

BDK - Kinh tế tuần hoàn (KTTH) là mô hình kinh tế mới, trong đó, các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của sản phẩm. Các chất thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất. Từ đó, giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người. Đây là mô hình kinh tế đặc biệt chú trọng đến quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín.

Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới đang hướng đến chế biến các phụ phẩm từ dừa, tạo vòng sản xuất khép kín.

Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới đang hướng đến chế biến các phụ phẩm từ dừa, tạo vòng sản xuất khép kín.

Tiềm năng phát triển

Gần đây, KTTH được tập trung triển khai qua nhiều chương trình, nghị quyết của Trung ương. Cụ thể, ngày 7-6-2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển KTTH ở Việt Nam, với mục tiêu tạo động lực cho đổi mới sáng tạo, cải thiện năng suất lao động, góp phần tăng trưởng xanh gắn với tái cơ cấu lại nền kinh tế, giảm phát thải, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).

Ngày 22-4-2022, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chỉ đạo hội nghị quán triệt này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh đến mô hình KTTH ở khu vực ĐBSCL: “… Đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng: kinh tế xanh, KTTH, nông nghiệp sinh thái là trọng tâm, công nghiệp năng lượng là đột phá, dịch vụ là bệ đỡ”.

Khu vực ĐBSCL nói chung và Bến Tre nói riêng cần nghiên cứu thúc đẩy việc triển khai rộng rãi mô hình kinh tế đặc biệt này, hướng tới khai thác và sử dụng tiết kiệm tài nguyên, sử dụng năng lượng tái tạo, sản xuất và tiêu dùng bền vững. Bến Tre có thế mạnh là sản xuất nông nghiệp, với diện tích và sản lượng khá lớn nuôi trồng thủy sản, ngành dừa, các loại trái cây đặc sản, lúa gạo, chăn nuôi gia súc, gia cầm, kèm theo đó là công nghiệp chế biến không ngừng phát triển đang là tiền đề quan trọng cho phát triển KTTH.

Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Nguyễn Quốc Bảo cho hay, tuy hiện nay tỉnh chưa có nghị quyết hay chương trình riêng cho KTTH nhưng nhiều năm qua, tỉnh rất quan tâm đến phát huy thế mạnh của tỉnh và từng bước chuyển hướng sang KTTH. Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy năm 2016 về “Xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh” đã quan tâm khuyến khích tạo điều kiện đầu tư, xây dựng nhiều mô hình sản xuất sạch, xanh như chương trình dừa hữu cơ, lúa - tôm... phát triển năng lượng tái tạo. Hiệu quả từ sản xuất, chế biến dừa cho thấy tiềm năng phát triển KTTH ở tỉnh rất lớn.

Triển khai một số mô hình

Theo Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Nguyễn Quốc Bảo, hoạt động kinh tế từ trước đến nay vẫn chủ yếu dựa trên cách tiếp cận kinh tế truyền thống, muốn chuyển sang KTTH cần có lộ trình rõ ràng. Hơn nữa, cần nhấn mạnh đến những đổi mới về tư duy và nhận thức, khuyến khích các sáng kiến trong chuỗi sản xuất và cung ứng nhằm hỗ trợ cho chuyển đổi sang KTTH của doanh nghiệp và người dân ngày càng phát triển.

Tỉnh là vùng đất mẫn cảm với BĐKH, ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của người dân. Mặt trái của yêu cầu tăng trưởng kinh tế “nóng” bộc lộ ngày càng gay gắt, gây nhiều hệ lụy như ô nhiễm môi trường, sạt lở đất ven biển, xâm nhập mặn ngày càng kéo dài và cao… ảnh hưởng lớn đến lao động sản xuất của người dân. Vì vậy, chuyển hướng sang phát triển KTTH là xu hướng tất yếu.

PGS.TS Nguyễn Hồng Quân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển KTTH, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh khẳng định: Nông nghiệp được xem là ngành có tiềm năng hưởng lợi nhiều nhất từ việc áp dụng các giải pháp KTTH tại Việt Nam. PGS.TS Nguyễn Hồng Quân đã chỉ ra các cơ hội ứng dụng KTTH vào hoạt động nông nghiệp là rất tiềm năng và đa dạng, từ giảm thiểu sử dụng nước (thông qua các mô hình tưới ngập khô xen kẽ, tưới nhỏ giọt, tuần hoàn nước…), giảm mức độ sử dụng tài nguyên đất đai và từ đó giảm suy thoái môi trường (áp dụng các giải pháp ba giảm ba tăng, tận dụng phù sa nước lũ, các mô hình canh tác kết hợp, giảm mùa vụ…), đến việc gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp thông qua việc tận dụng và chiết xuất các phụ phẩm.

 “Hiện nay, có một số mô hình KTTH đã được Viện Nghiên cứu phát triển KTTH đề xuất cho ngành nông nghiệp của Bến Tre như: mô hình KTTH cho ngành dừa, các giải pháp KTTH cho nhà máy chế biến thủy hải sản, nuôi trồng thủy sản, trồng trọt…”, PGS.TS Nguyễn Hồng Quân cho biết.

Bến Tre hiện có một số mô hình KTTH đã được áp dụng trong lĩnh vực thủy sản, với nhiều quy mô và mức độ áp dụng công nghệ khác nhau. Ở cấp độ nông hộ, người dân đã tận dụng các nguồn thức ăn tự nhiên trong nuôi trồng thủy sản, áp dụng các mô hình canh tác kết hợp (tôm - dừa, tôm - lúa, tôm - rừng) nhằm tận dụng các nguồn dinh dưỡng và chất thải. Ở quy mô doanh nghiệp, một số công ty đã áp dụng chiết xuất các phụ phẩm từ hoạt động chế biến thủy sản (đầu tôm, vỏ tôm, da cá tra, mỡ cá…) để sản xuất thực phẩm, dược phẩm với hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao.

Việc triển khai KTTH vào ngành du lịch ở Bến Tre vẫn còn tiềm năng rất lớn. Du lịch có thể liên kết với nông nghiệp sạch/hữu cơ, xây dựng xanh, tiêu dùng xanh, các trải nghiệm liên quan tới rừng, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bảo tồn văn hóa và đa dạng sinh học, cũng như tái tạo và các công nghệ tiên tiến như thực tế ảo. Ngoài ra, các mô hình tuần hoàn trong xử lý, quản lý nước thải, rác thải hữu cơ, rác thải nhựa từ các hoạt động du lịch cũng cần được cân nhắc triển khai.

Mô hình KTTH là một giải pháp thay thế bền vững cho mô hình kinh tế truyền thống, vì vừa tạo ra lợi nhuận, vừa tạo ra việc làm, mang lại những giá trị về mặt xã hội và môi trường, từ đó hướng tới một nền kinh tế xanh, bền vững. Bến Tre nằm giữa sông Tiền và sông Cổ Chiên, sở hữu đa dạng các tiểu vùng sinh thái và có thế mạnh về nhiều loại hình sản xuất nông nghiệp. Do đó, tỉnh có tiềm năng rất lớn trong việc áp dụng các giải pháp KTTH trong nông nghiệp và các lĩnh vực khác kết hợp như du lịch, công nghiệp, năng lượng sạch.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN