Xử lý nghiêm cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường

03/07/2024 - 06:38

BDK - Hiện nay, việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT) của các cơ sở sản xuất, kinh doanh khá tốt, tuy nhiên vẫn còn một số cơ sở chưa thực hiện nghiêm. Tình trạng ô nhiễm môi trường (MT) do xả thải của các cơ sở sản xuất, chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm, hộ nuôi tôm vẫn còn xảy ra.

Khảo sát tình hình sản xuất ở Công ty CP XNK A Tuấn Khang, Phường 8, TP. Bến Tre.

Phổ biến quy định pháp luật

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Bùi Minh Tuấn cho biết: Theo quy định của pháp luật về MT, tại địa phương, các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra về BVMT gồm: Sở TN&MT, UBND các huyện, thành phố và UBND cấp xã. Riêng đối với các khu công nghiệp (KCN) có phòng nghiệp vụ quản lý MT thuộc Ban Quản lý các KCN thực hiện. Lực lượng công an các cấp thực hiện nghiệp vụ phát hiện, xử lý các hành vi xả thải và phòng ngừa tội phạm về MT. Hiện tại, chức năng, nhiệm vụ về thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về BVMT giữa các cơ quan, các ngành được quy định, phân cấp rõ ràng, không chồng chéo nhưng việc tổ chức thực hiện có lúc, có nơi chưa đáp ứng yêu cầu.

Việc triển khai công tác phòng ngừa, giám sát, kiểm soát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm MT trên địa bàn tỉnh, hàng năm, Sở TN&MT, UBND các huyện, thành phố tiến hành rà soát, đưa vào chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra các đối tượng gồm các cơ sở có lưu lượng xả thải lớn, các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm MT như các cơ sở xử lý rác thải, chế biến, nuôi trồng thủy sản, sản xuất than thiêu kết, chăn nuôi và các cơ sở có thông tin phản ánh về BVMT. Đối với các cơ sở đã nhiều lần bị phản ánh về gây ô nhiễm MT nhưng chưa được giải quyết triệt để thì căn cứ vào quy mô, loại hình hoạt động của cơ sở lựa chọn một trong hai hình thức: Đưa vào kế hoạch thanh tra thường xuyên trong 3 năm liên tiếp theo quy định; hoặc xem xét xây dựng mô hình tổ giám sát có sự kết hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước, chủ doanh nghiệp và cộng đồng dân cư tại các điểm giám sát. Đồng thời, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành tại địa phương phối hợp chặt chẽ, kịp thời và cử cán bộ tham gia các đoàn kiểm tra do Bộ TN&MT, Cục Kiểm soát ô nhiễm MT thực hiện trên địa bàn tỉnh.

Các sở, ngành tỉnh phối hợp tổ chức khảo sát, hướng dẫn thực hiện các quy định về BVMT theo Luật BVMT năm 2020 đối với 39 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc các loại hình chế biến dừa, may mặc, du lịch, y tế, xây dựng đô thị, nuôi trồng thủy sản; kiểm tra, hướng dẫn công tác quản lý nhà nước về MT đối với 5 đơn vị là UBND cấp huyện. Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về BVMT, năm 2023, lực lượng toàn tỉnh đã tổ chức 217 lượt thanh tra, kiểm tra, phát hiện 25 vụ vi phạm, xử phạt tổng số tiền là 2,131 tỷ đồng. Các sở, ngành tỉnh phối hợp với Chi cục Kiểm soát ô nhiễm MT miền Nam triển khai thực hiện tốt Quyết định số 567 của Cục Kiểm soát ô nhiễm MT về kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT đối với 12 doanh nghiệp tại tỉnh, qua đó có 2/12 doanh nghiệp bị xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 210 triệu đồng.

Công tác thanh tra, kiểm tra

Hàng năm, Sở TN&MT tổ chức các lớp tập huấn cho lãnh đạo các cơ quan cấp huyện, cấp xã và đội ngũ làm công tác BVMT các cấp về quy định BVMT như: Luật BVMT năm 2020 và các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành Luật; Nghị định số 45/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT. Theo đó, sở đã hướng dẫn chuyên môn về quy trình thực hiện kiểm tra công tác BVMT; giải đáp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực MT. Đồng thời, tham dự tập huấn về công tác xử lý vi phạm do Sở Tư pháp tổ chức cho các sở, ngành và địa phương.

Tiếp nhận thông tin phản ánh về ô nhiễm MT được thực hiện qua nhiều kênh như: đơn, thư, hộp thư điện tử, tiếp công dân và đặc biệt là tiếp nhận qua hệ thống thông tin “Đường dây nóng” theo Quyết định số 174 của Bộ TN&MT về việc ban hành Quy chế tiếp nhận, xử lý thông tin đường dây nóng về ô nhiễm MT. Hiện tại, cấp tỉnh, huyện đã công bố, công khai rộng rãi việc tiếp nhận thông tin phản ánh qua đường dây nóng. Sau khi tiếp nhận thông tin, các cấp theo thẩm quyền được giao thực hiện xác minh, kiểm tra và xử lý vấn đề môi trường được phản ánh.

Giám đốc Sở TN&MT Bùi Minh Tuấn cho biết: “Sắp tới, Sở TN&MT sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh tăng cường, đa dạng hóa công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật của ngành TN&MT đến cộng đồng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành ở các cấp theo thẩm quyền, nhất là đối với thanh tra, kiểm tra đột xuất để ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật đối với trường hợp vi phạm. Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư, phản ánh về MT; vận hành có hiệu quả hệ thống đường dây nóng các cấp”.

Bài, ảnh: Thu Huyền

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN