Xử lý nghiêm việc thông tin sai sự thật trên mạng xã hội

27/05/2020 - 08:23

BDK - Từ ngày 15-4-2020, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (NĐ 15) chính thức có hiệu lực nhằm đảm bảo việc thực thi pháp luật các lĩnh vực trên một cách có hiệu quả hơn. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu việc xử lý các hành vi đăng, chia sẻ thông tin sai sự thật trên mạng xã hội (MXH), theo NĐ 15.

Công an Bến Tre làm việc với một thanh niên đăng tin sai sự thật trên mạng xã hội.

Công an Bến Tre làm việc với một thanh niên đăng tin sai sự thật trên mạng xã hội.

Phát tán tin xấu, độc

Hiện nay, Việt Nam là một trong mười quốc gia có số lượng người dùng MXH (chủ yếu là Facebook và Youtube) cao nhất thế giới (ước tính có khoảng 60 triệu người sử dụng với trên 65 triệu tài khoản). Điều đó cho thấy sự năng động của Việt Nam, nhất là giới trẻ trong tiến trình hội nhập cùng thế giới số. Bên cạnh mặt tích cực như tốc độ chia sẻ, lan truyền thông tin một cách nhanh chóng, việc sử dụng MXH đã bộc lộ nhiều yếu tố tiêu cực, tác động xấu đến tình hình an ninh trật tự (ANTT).

Một bộ phận người sử dụng MXH ở Việt Nam hiện nay thường có xu hướng quan tâm, thích và chia sẻ những thông tin giật gân, tiêu cực, trái chiều hơn là những thông tin tích cực. Nhiều người vô tư đăng, chia sẻ các thông tin không đúng sự thật trên MXH, bất chấp các hậu quả xảy ra cho những người có liên quan. Có người cho rằng, MXH là ảo, nên không phải chịu trách nhiệm về những phát ngôn, hành xử của mình, do đó tùy tiện đăng, chia sẻ các thông tin nhảm, tin sai sự thật, giật gân để câu like. Điều đó đã vô tình làm cho việc phát tán các thông tin xấu, độc càng nhanh chóng và nguy hiểm hơn.

Để chế tài các hành vi đăng, chia sẻ thông tin sai sự thật, tin xấu, độc trên MXH, trước đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 174/2013 có hiệu lực từ ngày 15-1-2014. Mặc dù đã có những quy định xử phạt cụ thể cho từng hành vi vi phạm nhưng tình trạng dùng MXH, trang thông tin cá nhân, tài khoản cá nhân để đăng thông tin sai trên MXH vẫn chưa giảm. Thực tế trên địa bàn tỉnh thời gian qua cũng có nhiều trường hợp người dùng Facebook, Youtube đăng tin sai sự thật, bịa đặt nhằm xuyên tạc, bôi nhọ, xúc phạm danh dự, uy tín của các tổ chức, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân hoặc đơn giản hơn chỉ nhằm mục đích tạo sự chú ý của nhiều người vào trang cá nhân của mình. Cơ quan chức năng cũng đã mời làm việc, giáo dục cảnh cáo, kể cả phạt vi phạm hành chính hàng chục trường hợp nhưng xem ra tình hình vi phạm vẫn chưa chấm dứt.

Tăng mức xử phạt

Để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trên lĩnh vực lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, Chính phủ đã ban hành NĐ 15, có hiệu lực từ ngày 15-4-2020 để thay thế Nghị định số 174.

Nếu như Nghị định số 174 chưa quy định rõ về việc chia sẻ thông tin giả mạo, thì tại Điều 101, NĐ 15 đã nêu rõ mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi lợi dụng MXH cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin cổ xúy các hủ tục, mê tín dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc… với mức phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng. Mức phạt này cũng áp dụng đối với hành vi quảng cáo, tuyên truyền, chia sẻ thông tin về hàng hóa, dịch vụ bị cấm; cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ, chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành, tịch thu.

Vấn đề quản lý sim rác, tin nhắn rác thời gian qua đã được Bộ Thông tin và Truyền thông đặc biệt quan tâm và có những biện pháp mạnh tay trong xử lý. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn còn tồn tại với biến tướng tinh vi hơn để qua mặt các cơ quan chức năng. Để khắc phục tình trạng trên, NĐ 15 đã bổ sung nhiều điểm mới cũng như tăng mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm liên quan đến nhắn tin rác qua điện thoại, email của người sử dụng so với Nghị định số 174.

Tại Điểm b Khoản 6, Điều 94, NĐ 15 quy định: Tổ chức sẽ bị phạt tiền từ 60 - 80 triệu đồng khi có hành vi gửi hoặc phát tán tin nhắn rác, thư điện tử rác, phần mềm độc hại (mức phạt của Nghị định số 174 trước đây là từ 40 - 50 triệu đồng). Ngoài phạt tiền còn có thể bị áp dụng thêm các hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả như: đình chỉ hoạt động cung cấp dịch vụ từ 1 - 3 tháng; tước quyền sử dụng mã số quản lý, tên định danh từ 1 - 3 tháng; buộc thu hồi đầu số, kho số viễn thông.

Ngoài ra, mức phạt từ 60 - 80 triệu đồng cũng được áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có các hành vi vi phạm sau: không có đầy đủ các hình thức từ chối nhận thư điện tử quảng cáo hoặc từ chối nhận tin nhắn quảng cáo; gửi hoặc phát tán thư điện tử rác, tin nhắn rác, phần mềm độc hại; tạo hàng loạt cuộc gọi nhỡ nhằm dụ dỗ người sử dụng gọi điện thoại, nhắn tin đến các số cung cấp dịch vụ nội dung để trục lợi hoặc để cung cấp thông tin, quảng cáo; khai thác, sử dụng các số dịch vụ, số thuê bao viễn thông không đúng mục đích; số dịch vụ gọi tự do, số dịch vụ gọi giá cao được mở chiều gọi đi hoặc để gửi tin nhắn hoặc nhận tin nhắn.

NĐ 15 đã bổ sung mức phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng đối với hành vi cung cấp số điện thoại liên hệ trong các biển quảng cáo, rao vặt được treo, đặt, dán, vẽ trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông, bờ tường, cây xanh, nơi công cộng; phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi gửi thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo nhưng chưa được sự đồng ý của người nhận…

Đặc biệt, NĐ 15 đã quy định phạt tiền từ 80 - 100 triệu đồng đối với tổ chức có hành vi quảng cáo bằng thư điện tử, quảng cáo bằng tin nhắn hoặc cung cấp dịch vụ nhắn tin qua mạng internet nhưng không có hệ thống tiếp nhận, xử lý yêu cầu từ chối của người nhận. Riêng đối với trường hợp tổ chức cung cấp dịch vụ có hành vi không ngăn chặn, thu hồi số thuê bao được dùng để phát tán tin nhắn rác thì sẽ bị phạt tiền từ 180 - 200 triệu đồng theo quy định tại Khoản 8 Điều 94. Với cùng hành vi vi phạm, thì mức phạt đối với cá nhân sẽ bằng một nửa so với vi phạm của tổ chức.

Vì một môi trường trong lành trên không gian mạng, đề nghị mọi người khi sử dụng MXH hãy là người có trách nhiệm với xã hội, nghiêm chỉnh chấp hành Luật An ninh mạng và các quy định khác của Chính phủ có liên quan. Mọi người hãy chung tay đấu tranh loại bỏ những vi phạm trên MXH, từng bước xây dựng một không gian mạng thật sự trong lành và an toàn, vì lợi ích chung của cộng đồng.

NĐ 15 quy định mức phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật Nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài phạt tiền, NĐ 15 cũng quy định biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật, gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật.

 Khoản 3, Điều 35, quy định phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với các hành vi: tổ chức hoặc cho phép người sử dụng internet sử dụng tính năng của máy tính tại địa điểm kinh doanh của mình để thực hiện hành vi bị cấm theo quy định về sử dụng internet và thông tin trên mạng; để người sử dụng internet truy cập, xem, tải các thông tin, hình ảnh, phim có nội dung đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan.

Bài, ảnh: Thanh Liêm

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN