Xung quanh ý kiến hư hỏng mặt đường ĐH.173

03/06/2023 - 05:29

BDK.VN - Vừa qua, Báo Thanh Niên ngày 28-5-2023 có bài viết phản ánh tình hình công trình ĐH.173, tỉnh Bến Tre với nội dung “Đường 900 tỷ đồng thông xe hơn 2 năm đã xuống cấp”. Để làm rõ các nội dung nêu trong bài báo nói trên, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã có thông tin, nhằm giúp người dân hiểu thêm về tình hình hiện trạng ĐH.173 từ khi đưa vào sử dụng đến nay.

Xe container di chuyển trên tuyến ĐH.173 (nay là ĐT.883) đi qua địa bàn huyện Giồng Trôm

Xe container di chuyển trên tuyến ĐH.173 (nay là ĐT.883) đi qua địa bàn huyện Giồng Trôm

Thêm cung đường mới

Dự án ĐH.173, liên huyện Châu Thành - Giồng Trôm - Ba Tri (nay được đổi tên thành ĐT.883). ĐH.173 hoàn thành và thông xe từ cuối tháng 1-2021, từ khi đưa vào sử dụng, ĐH.173 (mà nay chính là ĐT.883) được mở mới, nâng cấp đã cho cánh tài xế thêm một cung đường mới, thuận tiện khi muốn di chuyển về huyện Giồng Trôm và Ba Tri - thay vì trước đây chỉ có một lựa chọn là đi đường ĐT.885 để về huyện huyện Giồng Trôm và Ba Tri.

Đại diện Công ty cổ phần bê-tông 620 Giao Long cho biết: “Công ty thực hiện khoán dầu cho tài xế chở bê-tông tươi đi các nơi, do đó, tài xế sẽ lựa chọn quãng đường gần nhất, lợi ích nhất để di chuyển. ĐH.173 từ khi đưa vào sử dụng, được cánh tài xế thường xuyên lựa chọn lưu thông, phục vụ nhu cầu phát triển của xã hội, của người dân”.

Theo thông tin của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Dự án ĐH.173, liên huyện Châu Thành - Giồng Trôm - Ba Tri có tổng mức đầu tư là 899,9 tỷ đồng, giá trị quyết toán thực tế là 891,8 tỷ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng là 421,5 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 47% tổng giá trị quyết toán dự án). Tuyến đường chính dài 42,508Km, mặt đường láng nhựa 3 lớp; xây dựng mới 8 cầu trên tuyến với tải trọng HL.93; xây dựng 3 vòng xoay (cỡ lớn); hệ thống cống thoát nước ngang, một số hệ thống thoát nước dọc, đường dân sinh, hệ thống chiếu sáng và an toàn giao thông. Giá trị xây dựng là 411,1 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 46% tổng giá trị quyết toán dự án).

2 tuyến nhánh gồm: Xã Mỹ Hòa, huyện Ba Tri dài 1,946Km, mặt đường láng nhựa 2 lớp; xây dựng mới 2 cầu trên tuyến, giá trị xây dựng là 10,235 tỷ đồng và tuyến nhánh ĐH.01 xã Hữu Định và Tam Phước, huyện Châu Thành (đường vào Nghĩa trang liệt sĩ huyện) dài 6,840Km, mặt đường láng nhựa 2 lớp, giá trị xây dựng là 20,820 tỷ đồng.

Dự án ĐH.173, liên huyện Châu Thành - Giồng Trôm - Ba Tri hoàn thành và thông xe từ cuối tháng 1-2021, đã nghiệm thu hoàn thành vào tháng 3-2021. Thời gian bàn giao ĐH.173 cho đơn vị quản lý ngày 26-4-2023.

Mặt đường láng nhựa

Sau 9 tháng thông xe, ĐH.173 bắt đầu xuất hiện hư hỏng cục bộ như bong tróc nhựa, oằn lún, rạn nứt xuất hiện tại một số vị trí quay đầu xe và vị trí xe dừng đỗ thường xuyên hai bên đường.

Máy gặt đập liên hợp di chuyển trên ĐH.173 (ĐT.883) để thu hoạch trên cánh đồng lúa Mỹ Hòa, huyện Ba Tri.

Máy gặt đập liên hợp di chuyển trên ĐH.173 (ĐT.883) để thu hoạch trên cánh đồng lúa Mỹ Hòa, huyện Ba Tri.

Về nguyên nhân, đơn vị chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông cho hay: Tuyến ĐH.173 có kết cấu mặt đường láng nhựa 3 lớp (không phải bê-tông nhựa), chiều dày lớp láng nhựa rất mỏng từ 3 đến 3,5cm nên sức chịu tải mặt đường không cao so với kết cấu bê-tông nhựa. Trong quá trình khai thác, do thời điểm năm 2021, 2022 mưa bão làm mặt đường ướt thường xuyên kéo dài; thêm vào đó, lưu lượng phương tiện lưu thông trên tuyến có tải trọng lớn như: Xe container, xe di chuyển với tốc độ cao lưu thông tương đối nhiều, nên phát sinh hư hỏng cục bộ một số vị trí trên tuyến.

Những vị trí hư hỏng hầu hết là tại các vị trí quay đầu xe, các vị trí xe dừng đỗ thường xuyên hai bên đường. Các vị trí, đoạn tuyến phát sinh hư hỏng đã được khắc phục, sửa chữa ngay và kịp thời để đảm bảo an toàn giao thông. Tùy theo tính chất, mức độ hư hỏng sẽ có phương án sửa chữa phù hợp như láng nhựa 1 lớp, 2 lớp hoặc 3 lớp trực tiếp lên mặt đường rạn nứt, thay kết cấu móng và láng nhựa, dậm vá bê-tông nhựa nguội.... Đến thời điểm này, trên toàn bộ chiều dài tuyến không còn vị trí hư hỏng cục bộ ảnh hưởng đến khai thác và công trình cũng còn trong thời gian bảo hành, chủ đầu tư sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, khắc phục những tồn tại (nếu có) liên quan đến chất lượng công trình trước khi kết thúc nghĩa vụ bảo hành bàn giao đơn vị quản lý chính thức.

Về hiện tượng lún nền đường, với đặc trưng địa chất của tỉnh Bến Tre là vùng địa chất yếu, nên độ lún cố kết theo thời gian các công trình giao thông là rất lớn, việc xử lý nền đất yếu cần nhiều kinh phí, thời gian. Đối với lĩnh vực giao thông trên địa bàn tỉnh từ năm 2010 đến nay, thực hiện theo ý kiến của Cơ quan kiểm toán nhà nước thì các dự án xây dựng giao thông không đưa giải pháp xử lý nền đất yếu và không có tính toán khối lượng bù lún vào dự án. Dự án ĐH.173 cũng nằm trong tình hình đó, vì thế, việc lún cố kết theo thời gian sau khi đưa công trình vào khai thác là đều không thể tránh khỏi và cũng đã được Cơ quan kiểm toán nhà nước kiểm tra, kết luận đảm bảo theo quy định.

Từ chỉ đạo của Sở Giao thông vận tải, vào tháng 8-2022, một đơn vị tư vấn độc lập đã được thuê để thực hiện khoan kiểm tra chiều dày thi công các lớp kết cấu và khoan địa chất kiểm tra, tính toán độ lún cố kết nền đường ĐH.173 trong thời gian tuyến đường đưa vào khai thác tại các vị trí có xuất hiện oằn lún. Kết quả kiểm tra cho thấy, độ lún nằm trong biên độ cho phép, đảm bảo phù hợp giữa số liệu lún tính toán và độ lún thực tế ngoài hiện trường.

Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông cũng cho biết, một số vị trí đọng nước trên ĐH.173 là một trong những vị trí mà người dân đã tự ý lấn chiếm mặt bằng, san lấp hai bên lề để làm đường vào nhà, công trình cao hơn mặt đường nên không thoát nước được, đọng nước vì thế thường xuất hiện khi trời mưa. Vấn đề này, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông sẽ phối hợp với Sở Giao thông vận tải, chính quyền địa phương tổng hợp các trường hợp tương tự để có giải pháp xử lý, khắc phục theo quy định.

Về việc liên quan đến nợ giữa nhà cung cấp vật liệu với nhà thầu thi công, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (gọi tắt là Ban) khẳng định: “Không có một văn bản nào liên quan đến vấn đề cam kết giải quyết nợ giữa hai bên. Đến nay, Ban chưa nhận được văn bản mang tính pháp lý về số tiền nợ giữa nhà thầu cung cấp vật liệu với nhà thầu thi công mà chỉ nhận được văn bản của nhà thầu thi công ủy quyền để thanh toán cho nhà thầu cung cấp vật liệu từ khoản tiền bảo hành mà Ban đang tạm giữ. Vấn đề này, sau khi kết thúc giai đoạn bảo hành công trình, Ban sẽ cùng phối hợp, giải quyết”.

Hiện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã có thông tin về dự án ĐH.173 đến cán bộ, đảng viên và người dân nhằm giúp người dân hiểu thêm về tình hình hiện trạng ĐH.173 từ khi đưa vào sử dụng đến nay.

Sẽ thảm bê-tông nhựa mặt đường ĐH.173 (nay là ĐT.883). Để nâng cao khả năng khai thác tuyến ĐH.173, UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương nâng cấp, thảm bê-tông nhựa mặt đường theo Quyết định số 716/QĐ-UBND ngày 6-4-2023 nhằm hoàn chỉnh kết cấu mặt đường, tạo êm thuận trong quá trình khai thác. Hiện UBND tỉnh đang đề xuất, tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương để sớm triển khai trong thời gian tới.

Bài, ảnh: Thạch Thảo

 

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN