Ý nghĩa và giá trị lịch sử việc xác định Ngày thành lập tỉnh 1-1-1900

06/01/2025 - 05:22

BDK - Căn cứ Nghị định số 111/2018/NĐ-CP ngày 31-8-2018 của Chính phủ về việc “Quy định về ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng của các bộ, ngành, địa phương”; kết quả lấy ý kiến cấp ủy, cán bộ, đảng viên và nhân dân về ngày thành lập, ngày truyền thống và việc tổ chức các lễ hội cấp tỉnh, ngày 1-1-1900 được chọn là ngày thành lập tỉnh nhằm đánh dấu cột mốc thời gian quan trọng cho sự hình thành và phát triển của tỉnh.

Tòa tham biện Bến Tre đầu thế kỷ XX (Bảo tàng tỉnh ngày nay). Ảnh: Tư liệu

Căn cứ xác định ngày thành lập tỉnh

Tại Hội thảo khoa học cấp tỉnh “Lấy ý kiến về việc định hướng ngày thành lập, ngày truyền thống tỉnh và việc tổ chức các lễ hội cấp tỉnh ở Bến Tre”, tham luận của các đơn vị cũng như chuyên gia, các nhà nghiên cứu lịch sử, cán bộ hưu trí của tỉnh đã nêu rõ ý kiến về việc xác định ngày thành lập tỉnh.

Theo ThS. Lê Phương Thanh - Hội Khoa học lịch sử tỉnh An Giang, việc xác định mốc lịch sử hình thành vùng đất, cần thiết thu hẹp phạm vi và dựa trên các tiêu chí cơ bản về: Sự ổn định về mặt tổ chức, xác lập về địa giới hành chính. Sự ổn định của cuộc sống cư dân trên vùng đất đó. Thời điểm chính thức xuất hiện hoặc sử dụng tên gọi hành chính với tư cách là địa danh hành chính trong hệ thống quản lý của chính quyền đương thời. Thời điểm chính thức thành lập đơn vị hành chính cấp tỉnh tương ứng.

Cứ liệu lịch sử ghi lại, trong khuôn khổ của cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất (1898 - 1914), để hoàn thiện nền hành chính ở Nam Kỳ. Theo Nghị định ngày 20-12-1899 của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer, các hạt tham biện được đổi tên thành “tỉnh” kể từ ngày 1-1-1900. Do đó, Hạt tham biện Bến Tre từ đó được đổi tên thành tỉnh Bến Tre. Thời điểm đó, tổ chức công quyền và các cơ quan chuyên môn của tỉnh được chính quyền thực dân Pháp xây dựng tương đối hoàn chỉnh.

Sau một số lần chia tách và sáp nhập trong nửa sau thế kỷ XIX đến ngày 1-1-1900, tỉnh Bến Tre được thành lập và chính thức trở thành đơn vị hành chính cấp tỉnh với địa giới, diện tích, dân số rõ ràng và có bộ máy chính quyền, hệ thống hành chính từ tỉnh đến cơ sở cũng như các cơ quan chuyên môn được hình thành và đi vào hoạt động ổn định.

Từ đây, Hạt tham biện Bến Tre chính thức là tỉnh Bến Tre, phạm vi, gồm: cù lao Bảo và cù lao Minh, 21 tổng, 144 làng. Đến năm 1948, cù lao An Hóa (quận An Hóa, tỉnh Mỹ Tho) được sáp nhập về tỉnh Bến Tre theo Nghị định của Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ. Lúc này, tỉnh Bến Tre, gồm 3 cù lao: Bảo, Minh và An Hóa.

Từ các tiêu chí đó, tính từ ngày 1-1-1900, tỉnh Bến Tre chính thức được hình thành trong hệ thống quản lý hành chính của chính quyền đương thời. Đến thời điểm này, Bến Tre đáp ứng và thỏa đáng các tiêu chí, yêu cầu về lịch sử hình thành vùng đất và yếu tố xác lập đơn vị hành chính cấp tỉnh. Có thể thấy việc chọn ngày 1-1-1900 làm ngày thành lập tỉnh là phù hợp với lịch sử phát triển của vùng đất Tây Nam Bộ, vừa đảm bảo đầy đủ yếu tố về lịch sử và vừa đảm bảo về cơ sở pháp lý cũng như nhiều tỉnh khác trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long lựa chọn mốc lịch sử này để làm ngày thành lập tỉnh như: Tiền Giang và Trà Vinh.

“Việc tỉnh ta lấy ngày 1-1-1900 làm ngày thành lập tỉnh là thuận theo dòng chảy lịch sử, vừa có căn cứ pháp lý rõ ràng, vừa có cơ sở thực tiễn xuyên suốt từ năm 1900 đến nay. Đối chiếu với Nghị định số 111/2018/NĐ-CP ngày 31-8-2018 của Chính phủ, trong phần giải thích từ ngữ cũng rất thỏa đáng: “Ngày thành lập là ngày có ý nghĩa lịch sử, đánh dấu sự ra đời bằng văn bản thành lập của cơ quan có thẩm quyền”, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Chủ tịch Hội Di sản văn hóa tỉnh Nguyễn Quang Trị cho biết.

Ý nghĩa xác định ngày thành lập

Trao đổi trong tham luận của hội thảo khoa học, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vũ Hồng Thanh bày tỏ quan điểm: Việc chọn ngày 1-1-1900 làm ngày thành lập tỉnh không có nghĩa tôn vinh thực dân Pháp hay tên Paul Doumer mà là để chúng ta ôn lại quá trình cộng đồng cư dân trên đất Bến Tre đã trải qua bao gian khó để khai hoang, mở đất và hy sinh biết bao xương máu để chống giặc ngoại xâm, viết nên những trang sử hào hùng để chúng ta có được Bến Tre ngày nay. Lịch sử là quá khứ, nhưng quá khứ là một phần tất yếu của hiện tại, không có quá khứ thì cũng không có tương lai. Xây dựng xã hội mới, không thể bất cứ cái gì có liên quan đến quá khứ, đến đối phương là chúng ta phải xóa sạch.

Kỷ niệm ngày thành lập tỉnh cũng là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống, nhằm giáo dục tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, khẳng định chân lý “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”. Qua đó, hình thành được thái độ trân trọng, tình cảm biết ơn và những việc làm tri ân đối với tiền nhân, truyền cảm hứng, thôi thúc các thế hệ hậu sinh phấn đấu vươn lên sao cho xứng đáng với sự mong đợi, kỳ vọng của các thế hệ cha ông.

Cũng quan điểm đó, ThS. Lê Đông Xuân - Ban Tuyên giáo Huyện ủy Chợ Mới, tỉnh An Giang nêu: “Cây có gốc mới nở cành xanh ngọn. Suối có nguồn mới bể rộng sông sâu”. Việc xác định ngày truyền thống, ngành thành lập tỉnh mang ý nghĩa chính trị, xã hội, nhân văn sâu sắc, phù hợp với sự mong mỏi, niềm tự hào của người dân xứ Dừa và cán bộ, đảng viên quê hương Đồng Khởi, góp phần giáo dục truyền thống, khơi dậy niềm tin, lòng tự hào, thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước, xây dựng quê hương, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hướng tới mục tiêu phồn vinh, giàu mạnh.

Như vậy có thể khẳng định, việc xác định Ngày thành lập tỉnh Bến Tre 1-1-1900 có ý nghĩa trong việc khẳng định vùng đất và con người ở đây có đủ sức quản lý, xây dựng và bảo vệ biên cương Tổ quốc, một đơn vị hành chính cấp tỉnh, phủ, huyện.

Từ năm 1900 đến nay, tỉnh Bến Tre từng bước phát triển và vững mạnh qua các thời kỳ lịch sử, góp phần làm nên lịch sử vẻ vang của đất nước. Do đó, việc chọn ngày kỷ niệm thành lập tỉnh cần phải gắn với đề ra các nội dung giải pháp phong phú, thiết thực, hiệu quả, nhằm tăng cường tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử và đẩy mạnh các hoạt động phát huy các giá trị ngày thành lập tỉnh nhà trong các tầng lớp nhân dân biết và hưởng ứng thực hiện”.

(Nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vũ Hồng Thanh)

Thanh Đồng (lược ghi)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN