Quan tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ

21/11/2016 - 07:14

Trong khuôn khổ Hội thảo “Giải pháp hợp tác bền vững giữa doanh nghiệp và nông dân - Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) trong nông nghiệp”, nhiều chuyên gia, nhà doanh nghiệp đã chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp (KN) ứng dụng các tiến bộ KH&CN trong nông nghiệp bằng cả tâm huyết và sự kỳ vọng.

Theo nhận định chung của các chuyên gia, doanh nghiệp KN, KN ngày nay là KN sáng tạo gắn với ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất. Đặc biệt, KN trong lĩnh vực nông nghiệp là một đề tài rộng lớn để người KN tìm kiếm, hình thành và triển khai ý tưởng của mình. TS. Nguyễn Thanh Mỹ - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Mỹ Lan, từng làm việc cho những công ty điện toán và in ấn hàng đầu thế giới đã KN ở tuổi 60, với các nghiên cứu phục vụ cho phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Các sản phẩm của ông đều được đánh giá là dấu ấn của tiến bộ KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp, như: phao quan trắc độ mặn, pH, nhiệt độ, nồng độ N, P, K và các kim loại khác trong nước, ứng dụng phần mềm điện toán đám mây để xem thông tin độ mặn và chất lượng nước; phân đạm thông minh giúp giảm phát khí thải nhà kính trên 60%, tăng năng suất, lợi nhuận, giảm 50% lượng phân bón… Ông Nguyễn Thanh Mỹ chia sẻ: Để có những ý tưởng đó, chúng ta phải dựa trên 4 nguyên tắc: làm đúng cái đang bị sai, làm tốt hơn cái đang tốt, làm để có cái chưa có, làm một dấu ấn tốt để lại. Đồng thời, dựa vào các yếu kém, hạn chế, thiếu sót của các khâu trong chuỗi giá trị nông nghiệp hiện nay để nghiên cứu, tìm kiếm ý tưởng. Các khâu: vật tư đầu vào, canh tác, chế biến, phân phối, tiêu thụ. Ví dụ, để hạn chế sử dụng phân, thuốc hóa học, giảm chi phí đầu tư và giúp sản xuất theo hướng an toàn, chất lượng, các bạn trẻ có thể tìm mua và nghiên cứu cách nuôi trồng, phát triển các giống thiên địch có lợi phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

Hay một chia sẻ khác của anh Nguyễn Khắc Minh Trí - Giám đốc điều hành của Mimosa Tek - một công ty KN tập trung vào việc ứng dụng xu thế internet hóa để phát triển một nền tảng nông nghiệp thông minh, có khả năng giúp người nông dân giảm thiểu rủi ro và mang lại hiệu quả sản xuất tối đa. Anh cho biết, vừa qua, anh đã nghiên cứu công nghệ tưới nhỏ giọt, giúp phục vụ sản xuất nông nghiệp tiết kiệm chi phí và nước cho người sản xuất. Nông dân tham gia ứng dụng công nghệ này chỉ cần đặt thiết bị ngay trên đồng ruộng. Thiết bị sẽ gửi thông tin dữ liệu lên internet. Toàn bộ thông tin cần thiết cho người nông dân sẽ được giải đáp, như: tại thời điểm cây cần bao nhiêu nước, tưới bao nhiêu lần, bao nhiêu nước mỗi lần tưới và tưới hay ngưng tưới khi nào.

TS. Nguyễn Văn Giáp, nghiên cứu viên cao cấp về chính sách nông nghiệp tại Chương trình Sáng kiến chính sách công hạ lưu Mekong, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng, khởi nghiệp lĩnh vực nông nghiệp cũng phải được mở rộng ra bên ngoài nông nghiệp, như: nông nghiệp gắn với du lịch, thương mại, công nghiệp, các ngành nghề phụ trợ phát triển nông nghiệp… Các gợi ý KN hiện nay như: tìm giải pháp vượt qua thách thức của biến đổi khí hậu và ngập mặn; áp dụng công nghệ vào nông nghiệp; tư vấn, xây dựng quy trình tiêu chuẩn quản lý chất lượng; mạng lưới phân phối, bảo quản; năng lượng sạch và tái tạo…

C.Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN