Giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể  

23/04/2024 - 10:31

BDK.VN - Ngày 23-4-2024, Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức chương trình hội thảo Quốc gia về “Giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể”. Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú chủ trì hội nghị.

Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Nguyễn Thanh Phương, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, HTX trên địa bàn tỉnh đến dự hội thảo.

Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Nguyễn Thanh Phương, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, HTX trên địa bàn tỉnh đến dự hội thảo.

Tại điểm cầu tỉnh Bến Tre có Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Nguyễn Thanh Phương, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, HTX trên địa bàn tỉnh đến dự.

Tính đến hết năm 2023, cả nước có 30.698 HTX, 137 Liên hiệp HTX và 71.500 tổ hợp tác (THT). Trong tổng số HTX toàn quốc có 20.500 HTX nông nghiệp (chiếm 66,7%) và gần 10.200 HTX phi nông nghiệp (chiếm 33,3%). So với năm 2022, tổng số HTX năm 2023 tăng 1.261 HTX (tăng 4. Số HTX thành lập mới năm 2023 là 2.986 HTX (tăng 291 HTX, tăng 10,8% so với năm 2022), bình quân 250 HTX thành lập mới/tháng.

Nhìn chung, các chỉ tiêu về hiệu quả hoạt động của HTX, Liên hiệp HTX và THT đều tăng so với năm 2022, đặc biệt là quy mô sản xuất. Xu hướng hợp tác cũng đã được mở rộng, đi vào thực chất. Đến nay đã có 1.718 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh; trên 4.339 HTX nông nghiệp đảm nhận bao tiêu nông sản, chiếm 24,5% tổng số HTX nông nghiệp, trong khi đó tỷ lệ này trước năm 2015 chỉ là 5 - 7%...

Hội thảo cũng nêu rõ, thời gian qua có nhiều chương trình hỗ trợ HTX của Chính phủ và thông tư hướng dẫn của các Bộ nhằm tạo khung pháp lý cơ bản để hỗ trợ, khuyến khích kinh tế tập thể (KTTT), HTX phát triển. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước còn một số tồn tại, hạn chế, chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. Các chính sách chủ yếu tập trung hỗ trợ, ưu đãi đối với HTX, Liên hiệp HTX lĩnh vực nông nghiệp, chỉ một số ít HTX phi nông nghiệp được thụ hưởng chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước. Số lượng các HTX tiếp cận các chính sách của Nhà nước đặc biệt là chính sách về hỗ trợ tín dụng và chính sách giao đất, cho thuê đất rất ít. Ngân sách Nhà nước chưa cân đối, bố trí được nguồn riêng, kinh phí hỗ trợ lồng ghép vào nhiều chương trình, nguồn lực hạn hẹp, thấp xa so với yêu cầu.

Nhằm xác định mục tiêu, định hướng và giải pháp phát triển cho khu vực KTTT, HTX trong các thời kỳ trung và dài hạn, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021 - 2030; Kế hoạch phát triển giai đoạn 2021 - 2025. Hàng năm, Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về KTTT (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) ban hành kế hoạch phát triển KTTT, HTX của cả nước làm định hướng cho các bộ, ngành, địa phương xác định mục tiêu và giải pháp phát triển KTTT, HTX trong lĩnh vực, địa bàn quản lý.

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ còn ban hành nhiều đề án nhằm thực hiện những mục tiêu trong ngành, lĩnh vực và địa bàn ưu tiên như: thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới tại vùng đồng bằng sông Cửu Long; phát triển 15.000 HTX, Liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả; lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021 - 2025; nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của HTX nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long, giai đoạn 2021 - 2025, Đề án “Hỗ trợ HTX do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” và Đề án “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển KTTT trong nông nghiệp đến năm 2030”...

Hội thảo đề ra một số giải pháp nhằm huy động các nguồn lực cho phát triển KTTT trong thời gian tới. Theo đó, sớm xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật HTX năm 2023 đồng bộ và thống nhất về thời gian áp dụng với Luật HTX năm 2023 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2024). Các bộ, ngành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phối hợp, hỗ trợ các địa phương và các HTX xây dựng, phát triển HTX trên tinh thần đoàn kết, đồng lòng và hoạt động sản xuất kinh doanh vì mục tiêu chung của các thành viên và của HTX; xây dựng đội ngũ cán bộ nòng cốt HTX được đào tạo chuyên nghiệp, có kiến thức về kinh tế, tài chính, kinh doanh và các kỹ năng quản lý, quản trị HTX.

Các địa phương tiếp tục duy trì, thực hiện các chính sách hỗ trợ phù hợp đã ban hành, trường hợp không còn phù hợp phải kịp thời sửa đổi, thay thế; các tỉnh, thành phố chưa ban hành phải ban hành chính sách và dành nguồn lực để hỗ trợ phát triển KTTT, HTX; không trông chờ, ỷ lại. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng cơ chế đặc thù trong huy động và sử dụng ngân sách nhà nước hỗ trợ HTX và bảo đảm nguồn lực thực hiện chính sách. Nâng cao vai trò của các tổ chức đại diện, nòng cốt là liên minh HTX Việt Nam các cấp, nhất là trong việc tuyên truyền, phản biện chính sách; làm cầu nối triển khai và tăng khả năng tiếp cận chính sách; tư vấn, hỗ trợ các HTX.

Tin, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN