Cần thiết kế chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân đảm bảo công bằng và thống nhất

16/05/2025 - 14:28

BDK.VN - Chiều 15-5-2025, theo chương trình Kỳ họp lần thứ 9, Quốc hội khóa XV vừa được Quốc hội điều chỉnh, đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ. Tham gia thảo luận tại Tổ số 9, góp ý cho dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre thống nhất cao với sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết này để kịp thời thể chế hóa Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy phát biểu thảo luận tại Tổ.

Đại biểu góp ý một số vấn đề sau: Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh, Điều 1 dự thảo quy định: “Nghị quyết này quy định một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân”; về đối tượng áp dụng, Điều 2 quy định: “Nghị quyết này áp dụng đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và tổ chức, cá nhân khác có liên quan”. Đại biểu đề nghị cần khẳng định rõ đối tượng thụ hưởng chủ yếu của Nghị quyết này là doanh nghiệp tư nhân; đồng thời, rà soát lại quy định tại các điều, khoản để đảm bảo bám sát với phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng.

Đại biểu cho rằng Nghị quyết có phạm vi điều chỉnh là kinh tế tư nhân nên các điều khoản chỉ có thành phần kinh tế tư nhân được đề cập đến, do đó, cần xem xét nội dung “doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế” để quy định cho cụ thể, phù hợp với phạm vi điều chỉnh.

Thứ hai, về bố cục của dự thảo Nghị quyết, đại biểu đề nghị các chính sách nên được thiết kế theo trật tự tương ứng với vòng đời của doanh nghiệp, gồm các giai đoạn như: chính sách hỗ trợ thành lập doanh nghiệp; chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp hoạt động, sản xuất kinh doanh thuận lợi; rồi mới đến các quy định về thanh tra, kiểm tra...Dự thảo ngay từ Điều 4 đã đưa ra quy định về công tác thanh tra, kiểm tra là chưa phù hợp với tinh thần tạo cơ chế đặc biệt hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển.

Về các chính sách hỗ trợ cụ thể, đại biểu cơ bản đồng tình. Đối với các giải pháp hỗ trợ hộ kinh doanh phát triển lên loại hình doanh nghiệp, hỗ trợ từ doanh nghiệp nhỏ lên doanh nghiệp vừa, dự thảo quy định theo hướng nếu chuyển lên loại hình cao hơn thì sẽ bị mất đi các chế độ ưu đãi của loại hình trước đó. Đại biểu cho rằng quy định như trên chưa hợp lý, giống như hộ vừa thoát nghèo đã cắt chế độ hỗ trợ cho hộ nghèo, dễ dẫn đến hụt hẫng. Đề nghị cân nhắc điều chỉnh theo hướng giai đoạn đầu khi mới chuyển đổi vẫn cho phép doanh nghiệp được tiếp tục thụ hưởng các chính sách ưu đãi dành cho loại hình trước đó, nhằm tạo ra nền tảng hỗ trợ bền vững cho doanh nghiệp, giúp cho họ vượt qua các khó khăn ban đầu, khuyến khích cho họ phát triển lên loại hình cao hơn.

Về tính tương thích với pháp luật có liên quan, đại biểu thấy trong dự thảo Nghị quyết quy định nhiều chính sách rất cụ thể, có liên quan đến nhiều Luật đang trình Quốc hội cho ý kiến hoặc thông qua tại Kỳ họp 9 nên đề nghị rà soát, đối chiếu các quy định của dự thảo Nghị quyết với các quy định của pháp luật có liên quan để đảm bảo sự thống nhất giữa các quy định.

Về hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, khoản 3, Điều 4 dự thảo Nghị quyết quy định: “Trường hợp đối với cùng một nội dung thì cơ quan quản lý nhà nước không được thanh tra, kiểm tra trong cùng một năm, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng”.

Đại biểu cho rằng hiện nay hoạt động thanh tra được điều chỉnh bởi Luật Thanh tra, nhưng hoạt động kiểm tra vẫn chưa có Luật điều chỉnh, do đó, đề nghị cần quy định tách bạch và cụ thể hơn về công tác kiểm tra đối với doanh nghiệp trên tinh thần đảm bảo mục đích quản lý nhà nước nhưng không gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp.

Tại  khoản 9, khoản 10 Điều 4 dự thảo nghị quyết, đại biểu cho rằng quy định trên giống như hành vi bị cấm, nhưng lại chưa có chế tài để xử lý, vì vậy, đề nghị nghiên cứu bổ sung chế tài làm cơ sở xử lý khi có vi phạm xảy ra. Khoản 11, Điều 4 quy định này đã có trong Luật Báo chí rồi nên không cần phải quy định lại.

Khoản 1, Điều 7 dự thảo Luật đại biểu đề nghị rà soát lại quy định này, vì “vườn ươm công nghệ” tính chất hoàn toàn khác, không giống với khu, cụm công nghiệp, yêu cầu hỗ trợ cao hơn, phải có chính sách riêng đúng với tinh thần của Luật Khoa học công nghệ, còn nếu đánh đồng vườn ươm công nghệ với khu, cụm công nghiệp là đã làm hạn chế chính sách ưu đãi dành cho đối tượng này.

Tại Khoản 3, Điều 7 dự thảo nghị quyết, đại biểu đề nghị cần làm rõ loại hình khu, cụm công nghiệp nào được áp dụng quy định này. Ngoài ra, các khu, cụm công nghiệp do tư nhân đầu tư hạ tầng chỉ được dành 60% diện tích đất để cho thuê, còn lại dành cho mục đích công cộng, nay lại bắt họ phải dành thêm quỹ đất để ưu đãi doanh nghiệp công nghệ cao liệu có phù hợp không. Theo đại biểu, hiện nay, có một số khu công nghệ cao vẫn còn diện tích đất trống chưa có nhà đầu tư, chúng ta nên tập trung thu hút doanh nghiệp công nghệ cao vào đó, hoặc mở rộng thêm khu công nghệ cao ở các địa phương để thu hút, ưu đãi doanh nghiệp công nghệ cao sẽ phù hợp hơn.

Tại Khoản 5, Điều 7 dự thảo nghị quyết, đại biểu cho rằng quy định như trên mang tính áp đặt, chưa bảo đảm quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp. Nhà đầu tư khi bỏ vốn đầu tư hạ tầng luôn muốn cho thuê đất sớm để thu hồi vốn nhanh, nhưng chúng ta quy định bắt phải chờ sau 2 năm nếu không có doanh nghiệp công nghệ cao thuộc khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thuê, thuê lại, thì mới được cho doanh nghiêp khác thuê, thuê lại.

Đại biểu cho rằng nếu chúng ta muốn hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân, chúng ta phải thiết kế chính sách sao cho đủ hấp dẫn để thu hút họ vào khu, cụm công nghiệp, chứ không phải ra quy định bắt nhà đầu tư khác phải chờ họ đến, như vậy là chưa công bằng với các nhà đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp.

Tại Điều 10 dự thảo nghị, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát, đối chiếu quy định này cho thống nhất với Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) cũng đang được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, để đảm bảo tính đồng bộ, khả thi của các quy định. Ngoài ra, tại Khoản 5, Điều 10 có quy định: “Chi phí đào tạo và đào tạo lại nhân lực của doanh nghiệp lớn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi được tính vào chi phí được trừ để xác định thu nhập chịu thuế khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp”, đại biểu đề nghị cần làm rõ cụm từ “tham gia chuỗi” ở đây là chuỗi gì để xác định cho đúng đối tượng thụ hưởng của chính sách.

          Tin, ảnh: Ái Thi

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN