Ðào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

05/02/2021 - 20:30

BDK - Phát triển nguồn nhân lực là quá trình nâng cao năng lực của con người về mọi mặt: thể lực, trí lực, tâm lực. Đồng thời, phân bổ, sử dụng, khai thác và phát huy hiệu quả nhất nguồn nhân lực thông qua hệ thống phân công lao động và giải quyết việc làm để phát triển kinh tế - xã hội. Để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh, giải pháp đầu tiên là nâng chất lượng công tác đào tạo nghề cho lao động tại địa phương.

Năm 2020, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tổ chức tuyển sinh và đào tạo cho 10.636 người. Ảnh: Thạch Thảo

Năm 2020, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tổ chức tuyển sinh và đào tạo cho 10.636 người. Ảnh: Thạch Thảo

Trường cao đẳng đa ngành

Trường Cao đẳng Bến Tre được xác định là một cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) nòng cốt trong mạng lưới GDNN tỉnh giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2030. Trường đang phấn đấu trở thành trung tâm tri thức - văn hóa - GDNN của tỉnh và đạt chuẩn chất lượng cao của khu vực vào năm 2030.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Huấn - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Bến Tre cho biết, để xây dựng Trường Cao đẳng Bến Tre trở thành trường cao đẳng đạt chuẩn chất lượng cao, đa ngành, đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho thị trường lao động, chúng tôi xác định và đã bắt đầu từ việc đầu tư xây dựng 4 ngành/nghề trọng điểm quốc gia cho tỉnh, gồm: công nghệ kỹ thuật điện, điện tử; chăn nuôi thú y, điều dưỡng, chế biến và bảo quản thủy sản ở trình độ trung cấp, cao đẳng. Thực hiện được nội dung này sẽ góp phần phát huy vai trò nhà trường trong quá trình khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh khi triển khai Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp. Từ đó, có cơ chế đầu tư, hợp tác phát triển nhằm khai thác tiềm lực của trường.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Huấn, trường đang xây dựng và triển khai thực hiện Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN tỉnh giai đoạn 2020 - 2030 và định hướng đến năm 2045. Để hoạt động của trường phát triển bền vững, trường đã tham vấn ý kiến chuyên gia về dự báo nhu cầu lao động gắn liền với phát triển quy mô đào tạo nghề, các ngành/nghề trọng điểm quốc gia; xây dựng trường cao đẳng chất lượng cao và cả mạng lưới cơ sở GDNN và vấn đề kết nối, phát huy vai trò của các cơ sở đào tạo nghề công - tư, sự tham gia của khối doanh nghiệp để thực sự khơi dậy nguồn lực của toàn xã hội tham gia phát triển GDNN tỉnh.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả GDNN trong thời gian tới, trường đang xây dựng Chiến lược phát triển nhà trường giai đoạn 2020 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, đề án đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho các ngành trọng điểm Quốc gia theo chương trình mục tiêu GDNN - Việc làm và an toàn lao động. Trong đó, tập trung đẩy mạnh xã hội hóa và đa dạng nguồn lực cho phát triển, mở rộng đào tạo kỹ năng chuyên nghiệp cho người lao động. Cơ cấu lại hệ thống ngành nghề đào tạo, trình độ đào tạo theo hướng tinh gọn, chuyên ngành, nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng thực dạy, thực học. Xây dựng các mối quan hệ chặt chẽ giữa đào tạo với thị trường lao động để đáp ứng nhu cầu của người sử dụng lao động và nhu cầu giải quyết việc làm.

Hướng tới thành lập trường đại học

Cùng với nâng chất lượng của Trường Cao đẳng Bến Tre, một trong các nhiệm vụ trọng tâm được xác định trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 của tỉnh là thành lập trường đại học tại tỉnh trên cơ sở phát triển Phân hiệu Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Tiến sĩ Hồ Thu Hiền - Giám đốc Phân hiệu Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tại Bến Tre cho biết: Phân hiệu Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh lập kế hoạch chiến lược trở thành đại học theo hướng nghiên cứu ứng dụng cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực Tây Nam Bộ: giáo dục, đào tạo chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Phân hiệu xác định trở thành đầu mối tập hợp, liên kết các nhà khoa học, triển khai các ứng dụng khoa học công nghệ, thực hiện các nghiên cứu chuyên ngành, đa ngành, liên ngành, tham vấn cho chính quyền địa phương để đưa ra những quyết sách phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Phân hiệu đồng hành cùng cộng đồng trong việc tìm kiếm đầu ra cho nông phẩm, kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để chuyển giao thương mại hóa các sản phẩm khoa học công nghệ và quảng bá, khai thác dịch vụ du lịch và lữ hành. Ngoài ngành kỹ thuật xây dựng, Phân hiệu Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tại Bến Tre sẽ tập trung vào các ngành đặc thù của khu vực: điện (năng lượng tái tạo); quản lý dịch vụ du lịch và lữ hành; công nghệ sau thu hoạch.

Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh trong khả năng của mình sẽ đồng hành, hỗ trợ Bến Tre trong mọi hoạt động, mọi lĩnh vực; trong đó cam kết tiếp tục thực hiện thỏa thuận ký kết giữa Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bến Tre. Đặc biệt, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc xây dựng Đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh để hoàn thành những mục tiêu trong nhiệm kỳ tới. Theo đó, Phân hiệu Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cam kết thực hiện sứ mệnh của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh với khu vực, luôn là đơn vị đồng hành cùng Bến Tre để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ cho sự phát triển của địa phương cũng như khu vực Tây Nam Bộ. Nghiên cứu, khảo sát nhu cầu nhân lực của tỉnh nhà và khu vực. Từ đó, định hướng đào tạo các ngành đặc thù cho địa phương và khu vực. Hướng tới mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực có đủ kiến thức, kỹ năng, ngoại ngữ, tin học, tinh thần và thái độ làm việc tích cực đáp ứng yêu cầu việc làm trong quá trình hội nhập quốc tế.

“Phân hiệu Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tại Bến Tre sẽ hợp tác với các ban, ngành tỉnh và các đơn vị có liên quan thực hiện các chương trình nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Ưu tiên các chương trình, nhằm giúp đỡ người dân thích nghi với biến đổi khí hậu, đưa kỹ thuật công nghệ vào nông nghiệp, giúp phát triển nông nghiệp tỉnh nhà tạo ra các sản phẩm đạt chất lượng cao theo chuẩn quốc tế” - Tiến sĩ Hồ Thu Hiền - Giám đốc Phân hiệu Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tại Bến Tre cho biết thêm.

Thanh Đồng - Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN