“Giờ tự bạch” của Liên đội Trường THCS Hoàng Lam

14/05/2018 - 05:58

Cô Lê Thị Bích Thủy và em Võ Huỳnh Sơn giới thiệu về quyển sổ “Nhật ký của em”.

Cô Lê Thị Bích Thủy và em Võ Huỳnh Sơn giới thiệu về quyển sổ “Nhật ký của em”.

Lắng nghe để thấu hiểu

Trao đổi với chúng tôi về quan điểm làm công tác Đội, anh Mai Văn Phú - Chủ tịch Hội đồng Đội TP. Bến Tre tâm niệm: “Công tác Đội là công tác chăm lo cho thiếu nhi. Muốn chăm lo cho thiếu nhi thì phải lắng nghe thiếu nhi nói để hiểu các em cần gì”. Mô hình “Giờ tự bạch” của Liên đội Trường THCS Hoàng Lam (xã Phú Nhuận, TP. Bến Tre) chính là điển hình cho phương châm đó.

Sau 5 năm học triển khai, “Giờ tự bạch” đã trở thành nhịp cầu để không chỉ người cán bộ Đội mà còn cả nhà trường và gia đình được lắng nghe và thấu hiểu các em thiếu nhi, kịp thời nâng cánh tay vịn, giúp đỡ các em. Chính từ hiệu quả giáo dục đó, mô hình đã được Hội đồng Đội TP. Bến Tre tiến hành nhân rộng phạm vi liên đội các trường tiểu học, trung học cơ sở toàn thành phố từ năm học 2015-2016.

Kịp thời hỗ trợ, định hướng

Cầm trên tay quyển nhật ký dán đầy ảnh Bác Hồ của em Võ Huỳnh Sơn, học sinh lớp 9/3, tôi vô cùng ấn tượng. Quyển tập nhỏ, trang trí đơn sơ nhưng dạt dào tình cảm của một học sinh 15 tuổi dành cho Bác. Tham gia hoạt động “Giờ tự bạch” của Liên đội trường trong năm học 2017-2018, Sơn và hơn 600 bạn học sinh 4 khối lớp đã tự tay trang trí quyển “Nhật ký của em” theo ý thích. Các em sẽ viết vào đó những nội dung học tập, sinh hoạt trong giờ sinh hoạt Đội, cảm nhận cá nhân về trường lớp, thầy cô, bạn bè hay trải lòng về những mong muốn đối với việc học tập, vui chơi, nhất là những cảm xúc vui buồn trước những vấn đề gặp phải trong cuộc sống.

Người duy nhất được đọc những dòng tâm sự ấy là cô Lê Thị Bích Thủy - Tổng phụ trách Đội. Đấy cũng chính là “giao kèo” bắt buộc của hoạt động này, để những tâm sự của các em được đảm bảo giữ bí mật.

Mô hình giáo dục đạo đức học sinh - đội viên thông qua hoạt động “Giờ tự bạch” của Liên đội Trường THCS Hoàng Lam được khởi xướng vào năm học 2013-2014, bắt đầu từ ý tưởng của cô Bích Thủy. Để có thể lắng nghe, biết các em đang cần gì và mình có thể làm được gì cho các em, cô Bích Thủy đã mạnh dạn đề xuất với nhà trường thành lập ban tổ chức, cố vấn gồm các thầy cô là thành viên ban giám hiệu, đoàn thể, các tổ chuyên môn, đại diện giáo viên chủ nhiệm cùng tham gia. Lúc đầu, chỉ đơn giản là cô phát cho các em những mẩu giấy nhỏ, ghi nhận lại cảm xúc sau một nội dung sinh hoạt, chia sẻ trong giờ sinh hoạt Đội, thực hiện vào tuần thứ 2 và thứ 4 trong tháng. Mỗi lần như vậy, cô Bích Thủy có một chủ đề cụ thể, chủ yếu về bản thân các em, bạn bè, gia đình, trường lớp, ước mơ, thần tượng… Từ những mẩu giấy nhỏ đó, cô Bích Thủy và nhà trường kịp thời nắm bắt được những hoàn cảnh đặc biệt.

Cô Bích Thủy kể: “Giờ sinh hoạt đội lần ấy, tôi yêu cầu các em nói về ước mơ của mình. Trong những mẩu giấy nhận lại, có một chia sẻ làm tôi chú ý: “Ước mơ của em là được học đại học nhưng có lẽ từ nay sẽ phải dừng lại”. Câu nói vỏn vẹn bấy nhiêu nhưng làm tôi day dứt mãi”. Sau khi tìm hiểu, cô Bích Thủy và các thầy cô trong trường mới biết được hoàn cảnh khó khăn của em học sinh ấy, kịp thời hỗ trợ em tiếp tục học tập. Đó là câu chuyện của em Lâm Thiên Phú, học sinh lớp 9/4, năm học 2013-2014.

Cậu học trò Lâm Thiên Phú ngày ấy của Trường THCS Hoàng Lam về sau là một học sinh giỏi tiêu biểu của Trường THPT Chuyên Bến Tre và của tỉnh. Em đạt được những thành tích đáng nể trong học tập, là cán bộ đoàn trường tiêu biểu được Tỉnh Đoàn vinh danh “Tôi - Người thanh niên Đồng khởi mới”, được Trung ương Đoàn trao tặng danh hiệu “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác” năm 2016. Hiện Phú đã thực hiện được ước mơ và đang theo học ngành y ở TP. Hồ Chí Minh.

Câu chuyện của Lâm Thiên Phú đến bây giờ vẫn mãi là kỷ niệm khó quên đối với cô Bích Thủy. Người học trò ấy vẫn giữ liên lạc với trường và thầy cô, là tấm gương vượt khó học giỏi của các thế hệ đàn em tiếp nối ở Trường THCS Hoàng Lam. “Tập thưởng nhiều năm gom lại hơn trăm cuốn, Phú mang về trường gửi tặng cho các em nhỏ hơn mình”, cô Bích Thủy kể lại.

Có thể nói, hoạt động “Giờ tự bạch” đã góp phần tạo nên mối dây liên kết giữa học sinh và nhà trường, gắn kết giữa học sinh các thế hệ.

Tạo hiệu quả tốt

Từ những dòng tự bạch ấy, những năm qua, Trường THCS Hoàng Lam đã giới thiệu cho 3 em học sinh được nhận nhà “Khăn quàng đỏ”. Đến giờ, nhiều phụ huynh vẫn còn nhắc lại với lòng cảm kích sự quan tâm của nhà trường và luôn nhắc nhở con em mình chăm chỉ học tập để không phụ lòng thầy cô chăm lo.

Thực hiện trên tiêu chí đảm bảo bí mật cho các em, cô Bích Thủy chịu trách nhiệm phân loại những mẩu giấy, sổ tay. Sau khi xác minh các sự việc, tùy tính chất vấn đề, cô Bích Thủy sẽ gặp trực tiếp các em để hỏi han, giúp đỡ, định hướng kịp thời. Đối với những vấn đề liên quan đến trường lớp, giáo viên, hoặc các sự việc khác thì cô sẽ nhờ ban giám hiệu can thiệp, sự chung tay vào cuộc của nhà trường.

Cảm nhận về “Giờ tự bạch”, em Võ Huỳnh Sơn tâm đắc: “Những năm trước, chúng em chỉ viết ra giấy thôi, còn năm nay thì viết vào sổ. Quyển sổ này ghi lại tâm tư của chúng em trong việc học và cuộc sống, là những vui buồn, cả những điều mà chúng em muốn giải tỏa nhưng không thể nói được với ai. Những mong mỏi của chúng em đối với thầy cô, nhà trường cũng đã được kịp thời giải đáp. Em cảm thấy mình được lắng nghe, được bày tỏ khi viết những dòng tự bạch trong sổ này”.

Qua 5 năm triển khai, Liên đội trường từng lúc rút kinh nghiệm, đổi mới nội dung, hình thức để phù hợp và ngày càng gần gũi hơn với các em học sinh. “Giờ tự bạch là mô hình hiệu quả trong công tác giáo dục đạo đức cho học sinh, đội viên. Hoạt động đã tạo được sự gần gũi của giáo viên và học sinh, giúp học sinh, đội viên mở lòng hơn với thầy cô giáo, qua đó hỗ trợ tốt hơn trong việc chăm sóc, giáo dục cho các em thiếu nhi, nâng cao hiệu quả công tác tư vấn học đường của nhà trường”, anh Mai Văn Phú nhận xét.

Bài, ảnh: Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN