30 Tháng 4 - không bao giờ quên anh

28/04/2023 - 05:25

Chung một ngọn cờ - tranh cổ động của họa sĩ Huỳnh Phương Đông và chân dung đồng chí Đoàn Trung (Lê Văn Tám), năm 1968, do gia đình lưu giữ.

Chung một ngọn cờ - tranh cổ động của họa sĩ Huỳnh Phương Đông và chân dung đồng chí Đoàn Trung (Lê Văn Tám), năm 1968, do gia đình lưu giữ.

Sau Xuân Mậu thân 1968, cũng như bao nhiêu bạn bè trang lứa, tôi thoát ly gia đình tham gia cách mạng và được bố trí đến công tác tại  đơn vị  Cơ yếu thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Bến Tre. Ở đây, chưa đầy 1 năm sau, tôi và anh Năm Bình (cùng cơ quan) được chuyển lên cơ quan Cơ yếu Khu II (Khu Trung Nam Bộ). Từ đầu Xuân 1969, địch phản kích rất ác liệt, do chúng tập trung phong tỏa, chia cắt nên đường giao liên lên khu gặp rất nhiều khó khăn, Gian nan lắm chúng tôi mới vượt qua được sông Tiền, rồi qua lộ 4. Đường đi vô cùng hiểm nguy, gian khổ. Nhưng cứ ngày nghỉ, đêm đi, rồi cũng đến gặp được Văn phòng Tỉnh ủy Mỹ Tho (Tiền Giang hiện nay) xin tạm tá túc, chờ thông đường để đi tiếp. Không may, vài ngày sau, bị giặc càn vào căn cứ, trong lúc chạy càn, tôi bị trúng mảnh pháo làm bị thương gãy chân.

Đây là lần đầu tiên tôi gặp anh, chưa hề được quen biết trước, cũng không biết anh thứ mấy, bao nhiêu tuổi, chỉ biết anh quê Bến Tre, vì anh nói: “Anh em mình đồng hương” và nghe anh em gọi tên anh là Đoàn Trung - cán bộ Cơ yếu Tỉnh ủy Mỹ Tho.

Vết thương khá nặng, trong lúc cấp bách, anh em chỉ sơ cứu, băng tạm cho tôi, thì địch bắt đầu nổ súng, lúc dồn đập, lúc từng loạt ngắn rồi im lặng. Pháo 105 ly của địch vẫn tiếp tục bắn, lần này chúng bắn chặn đầu, nổ ầm ầm phía trước. Tiếng pháo vừa dứt, thì 3 chiếc trực thăng chiến đấu hùng hổ tới gầm rú, quần đảo rất thấp trên đầu, chúng yểm trợ và dẫn đường cho bộ binh, đang đuổi theo phía sau lưng, rất gần. Quá cấp bách, các anh Đội bảo vệ Văn phòng Tỉnh ủy hội ý nhanh. Vì không thể khiêng tôi đi theo được, nên đành phải đem tôi đi giấu lại. Nghe vậy, anh Đoàn Trung đã phản đối, kiên quyết không đồng ý.

Tôi thấy tình hình căng thẳng, nếu vì mình mà chậm trễ, sẽ liên lụy tính mạng nhiều người. Tôi rất sợ, nhưng cũng rất lo cho các anh, nên đã mạnh dạn nói lớn:

- Các anh cứ chạy đi. Nhanh lên! Tụi nó sắp tới rồi! Em là nữ, sẽ tùy cơ ứng biến, không sao đâu. Núm níu ở lại đây sẽ chết chùm cả đám.

- Không được! Tôi sẽ cõng Nguyệt chạy, chết thì cùng chết!

Anh Đoàn Trung nói dứt khoát. Và nói là làm, không chờ tôi đồng ý, anh xốc tôi lên lưng, ra lệnh bám chắc hai tay vào cổ. Anh chăm chú quan sát chiếc trực thăng trên đầu vừa qua khỏi một vòng, anh cõng tôi chạy thật nhanh băng qua thửa ruộng. Lên được bờ dừa, tôi đã nghe anh thở hổn hển, nhưng không bỏ tôi xuống mà vẫn đi tiếp. Súng địch lại nổ dữ dội phía sau. Anh vẫn bình tĩnh tiếp tục cõng tôi qua một đoạn đường trong vườn dừa khá xa, rồi lội qua một con kênh, đến một khu vườn hoang, cây cối mọc um tùm. Anh cẩn thận đem giấu tôi ở một lùm cây rậm rạp, kín đáo. Anh bảo tôi: Ở đây đã chệch hướng hành quân của địch. Anh ân cần dặn dò xử lý tình huống nếu không may địch phát hiện và cho biết là phía sau đã có lựu đạn gài, các anh sẽ trở lại đón tôi.

 Nằm ở đây tôi khá yên tâm, không còn lo sợ gì nữa. Một lúc sau, súng lại nổ ran, đúng như anh Đoàn Trung nhận định, tiếng súng lần này có lẽ như đã khác hướng tôi đang nằm. Tôi đoán, chúng đã càn qua hướng khác. Nằm nghĩ lại, nếu không được anh Đoàn Trung cõng đi thì giờ này không biết mình sẽ ra sao… Tôi cảm thấy chỗ vết thương ở chân bắt đầu đau nhức, mình hâm hấp nóng như đang lên cơn sốt, rồi mê man không còn biết gì nữa. 

Nằm ở Quân y, tôi được kể lại: Hôm đó, từ tám giờ sáng cho đến sáu giờ chiều địch mới rút quân. Lúc anh Đoàn Trung vừa cõng tôi, cùng đội bảo vệ vừa rời đi, thì địch đã đến chỗ tôi bị thương, thấy dấu vết có người vừa ở dây, chúng chia nhau lùng sục, vướng lựu đạn gài của du kích làm chết và bị thương mấy tên. Tức tối, điên cuồng chúng xả súng bừa bãi làm bị thương mấy người dân, nếu tôi ở lại sẽ khó thoát khỏi địch. Về phần tôi, khi địch vừa rút quân, các anh đến ngay đưa tôi đi quân y. Các mẹ, các chị ở địa phương thấy tôi nằm thiêm thiếp, sợ tôi chết, đã không cầm được nước mắt. Hơn tháng sau, vừa bình phục, tôi tiếp tục về khu, không có dịp gặp lại anh Đoàn Trung để nói một lời cảm ơn. Kể từ đó, tôi không còn dịp nào được gặp lại anh,

Sau 30-4-1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, được trở về thăm quê, tôi đi tìm hỏi về anh thì được biết, anh tên thật là Lê Văn Tám, quê anh ở xã Vĩnh Hòa (Ba Tri). Nhưng vô cùng đau đớn, anh đã hy sinh trên đất Mỹ Tho. Vậy là tôi không còn cơ hội gặp lại anh. Anh Đoàn Trung ơi! Em còn nợ anh… một lời cảm ơn, một sinh mạng, một ân tình. Đã hơn 50 năm rồi, kể từ khi được gặp, chưa hề quen biết, anh đã dũng cảm, quên mình, sẵn sàng xả thân cứu em thoát khỏi vòng nguy hiểm. Năm nay 30-4 lại về, không bao giờ quên anh. Không bao giờ quên biết bao nhiêu đồng đội, đồng chí, đồng bào đã hy sinh xương máu để có ngày 30-4-1975 miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, non sông liền một dãy.

Vũ Hồng Thanh

(Ghi lại lời kể của đồng chí Nguyễn Thị Minh Nguyệt, cán bộ Cơ yếu Khu 8)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN