Hơn 2 triệu người không phải nộp thuế
Từ 1/7/2013, Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi có hiệu lực. Theo đó, khoảng hơn 2 triệu người đang nộp thuế thu nhập từ tiền lương, tiền công; từ kinh doanh ở bậc 1, bậc 2 sẽ không thuộc đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân; người nộp thuế ở bậc 3, bậc 4 cũng được giảm số thuế phải nộp. Theo quy định mới, mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm), mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng. Như vậy, nếu một cá nhân có thu nhập chịu thuế là 16 triệu đồng/tháng, theo Luật hiện hành, cá nhân này sẽ được giảm trừ gia cảnh 7,2 triệu đồng/tháng cho bản thân người nộp thuế và 2 người phụ thuộc. Tiền thuế thu nhập cá nhân nộp một tháng là 630.000 đồng, nhưng theo Luật sửa đổi, cá nhân sẽ được được giảm trừ gia cảnh là 16,2 triệu đồng/tháng và không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Luật còn nêu rõ, trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.
Lương cơ sở tăng thêm 100.000 đồng
Tại kỳ họp Quốc hội hồi tháng 10/2012, đề xuất tăng lương tối thiếu thêm 100.000 đồng từ 1/7/2013 đã được thông qua. Lương tối thiểu chi trả từ ngân sách nhà nước sẽ tăng từ 1,05 triệu đồng/tháng hiện nay lên 1,15 triệu đồng/tháng. Tiền hưu trí và trợ cấp xã hội cũng tăng với tỷ lệ tương ứng.
Bộ Nội vụ cho biết, kinh phí để thực hiện mức lương cơ sở nói trên sẽ được lấy từ nhiều nguồn ngân sách, trong đó có 10% nguồn tiết kiệm chi thường xuyên theo dự toán đã được cấp có thẩm quyền giao năm 2013, 40% số thu được để lại theo chế độ năm 2013 của các đơn vị hành chính sự nghiệp có thu riêng và 50% lấy từ nguồn thu tăng ngân sách địa phương. Kinh phí tăng thêm để thực hiện mức lương cơ sở mới đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang là 21.700 tỷ đồng.
Ưu đãi thuế để giải quyết nhà ở
Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng đã được thông qua với 91,37% đại biểu tán thành và có hiệu lực thi hành từ 1/1/2014. Riêng quy định về các ưu đãi thuế với nhà ở thì có hiệu lực ngay trong năm 2013. Cụ thể, từ 1/7/2013, thực hiện quy định thuế suất 5% đối với bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở. Ngoài ra, Luật sửa đổi này cũng cho phép giảm 50% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng từ ngày 1/7/2013 đến hết ngày 30/6/2014 đối với việc bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở thương mại là căn hộ hoàn thiện có diện tích sàn dưới 70 m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2.
Những thay đổi này được lý giải là nhằm tạo điều kiện cho các tầng lớp dân cư có thu nhập trung bình và thấp được tiếp cận với nhà ở xã hội, đồng thời góp phần giảm lượng căn hộ thương mại đang tồn kho, góp phần tháo gỡ một phần khó khăn cho thị trường bất động sản.
Hà Nội siết chặt nhập cư nội thành
Luật Thủ đô có hiệu lực từ 1/7/2013 với nhiều quy định chặt hơn để người nhập cư có thể nhập hộ khẩu vào nội thành Hà Nội. Luật giữ nguyên điều kiện đăng ký thường trú như quy định của Luật Cư trú đối với các trường hợp được điều động, tuyển dụng đến làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, làm việc theo hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động không xác định thời hạn, về ở cùng với người thân hoặc trước đây đã từng có hộ khẩu trong nội thành... Với những trường hợp khác muốn đăng ký thường trú ở nội thành phải có điều kiện tạm trú liên tục tại nội thành từ 3 năm trở lên, có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở, bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của HĐND TP Hà Nội và được sự đồng ý bằng văn bản cho đăng ký thường trú vào nhà thuê của tổ chức, cá nhân có nhà cho thuê.
Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực
Từ 1/7/2013, Luật Xử lý vi phạm hành chính gồm 6 phần với 12 chương và 142 điều chính thức có hiệu lực. Luật bổ sung hình thức xử phạt mới là đình chỉ hoạt động có thời hạn và quy định áp dụng linh hoạt giữa hình thức xử phạt chính và hình thức xử phạt bổ sung đối với cùng một hình thức xử phạt vi phạm hành chính. Ngoài ra, về hình thức phạt tiền, Luật đã phân định mức phạt tiền tối thiếu và tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính giữa cá nhân và tổ chức. Theo đó, mức phạt tiền đối với cá nhân là từ 50.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, đối với tổ chức là từ 100.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng.
Tuy nhiên, một số cơ quan đã không chuẩn bị kịp các nghị định cho kịp thời điểm luật này thực thi. Ví dụ, Bộ Công an xây dựng dự thảo Nghị định “Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình” tuy nhiên đã gặp nhiều phản ứng của dư luận vì các quy định thiếu thực tế như xử phạt liên quan đến áo lót, nói tục nơi công cộng, uống rượu, mại dâm… Dự thảo được dự kiến có hiệu lực từ 1/7/2013 sau đó đã được gỡ khỏi công thông tin điện tử của bộ này.