An Bình Tây quan tâm tạo sinh kế thoát nghèo bền vững

24/11/2023 - 05:30

BDK - Chủ tịch UBND xã An Bình Tây, huyện Ba Tri Phạm Hồng Hải cho biết: Toàn xã hiện có 6 ấp, 3.311 hộ dân với 14.200 nhân khẩu, sinh hoạt tại 103 tổ nhân dân tự quản (NDTQ). Đời sống kinh tế chính của người dân là sản xuất lúa kết hợp với chăn nuôi bò. Qua kết quả tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2022, xã còn 261 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 7,8%, 319 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 9,6%.

Nuôi dê là một trong những mô hình sinh kế thoát nghèo bền vững tại xã An Bình Tây (Ba Tri).

Nuôi dê là một trong những mô hình sinh kế thoát nghèo bền vững tại xã An Bình Tây (Ba Tri).

Xác định mục tiêu kéo giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo là động lực quan trọng góp phần xây dựng nông thôn mới, Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) xã hàng năm đều có xây dựng, ban hành các kế hoạch, xây dựng các mô hình sinh kế thoát nghèo bền vững. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của xã được kéo giảm nhanh. Xã đạt được tiêu chí số 11 về tỷ lệ hộ nghèo đa chiều dưới 4%...

Theo Chủ tịch UBND xã An Bình Tây Phạm Hồng Hải, trong giai đoạn 2015 - 2021, toàn xã có 132 hộ tham gia sinh kế thoát nghèo bền vững và giai đoạn 2022 - 2023 có 50 hộ đăng ký tham gia Đề án sinh kế thoát nghèo bền vững. Ban Chỉ đạo các CTMTQG xã đã phân công cụ thể cho từng đoàn thể xã phối hợp với chi ủy các ấp hỗ trợ, theo dõi từng hộ nghèo, hộ cận nghèo với phương châm “Cùng nghĩ, cùng bàn, cùng làm” với người nghèo. Xây dựng các mô hình sinh kế thoát nghèo hiệu quả và nhân rộng các mô hình sinh kế đã có, với quyết tâm kéo giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo đa chiều, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Hàng năm, Ban Chỉ đạo xã đều tổ chức họp mặt hộ nghèo để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người nghèo, kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để người nghèo an tâm sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình bằng việc hỗ trợ vốn vay ưu đãi, cây con giống, mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề, thực hiện tốt các chính sách dành cho người nghèo về y tế, giáo dục, chi trả tiền điện, nước, hỗ trợ xây dựng nhà tình thương... Tăng cường công tác phối hợp giữa Ban Chỉ đạo với các ngành, đoàn thể trong việc triển khai thực hiện Đề án sinh kế thoát nghèo bền vững. Theo đó, Ban Chỉ đạo các CTMTQG xã đã phân công Hội Cựu chiến binh xã phụ trách hộ nghèo tham gia Đề án phát triển đa dạng sinh kế ấp An Hòa. Đoàn thanh niên xã phụ trách hộ nghèo tham gia Đề án phát triển đa dạng sinh kế ấp An Lợi. Ấp An Phú, An Quới do thành viên Ban Chỉ đạo phụ trách ấp quản lý theo dõi, hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia Đề án sinh kế. Hội Nông dân xã phụ trách hộ tham gia Đề án phát triển đa dạng sinh kế ấp An Thạnh. Ấp An Thuận do thành viên Ban Chỉ đạo phụ trách ấp quản lý theo dõi, hỗ trợ hộ nghèo tham gia Đề án sinh kế.

Gắn với việc triển khai thực hiện Chương trình khởi nghiệp thoát nghèo bền vững giai đoạn 2022 - 2025, các hội và đoàn thể xã triển khai nhiều dự án hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất qua các hoạt động như trồng trọt, chăn nuôi phù hợp với điều kiện về đất đai, lao động của hộ nghèo; hỗ trợ người nghèo có ý tưởng làm ăn từ đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại chỗ và xuất khẩu lao động, cụ thể là những hộ có nhu cầu mượn vốn để chăn nuôi tăng thu nhập, tạo sinh kế bền vững cho bản thân và gia đình của người nghèo, người cận nghèo.

Giai đoạn 2015 - 2021, toàn xã có 132 hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia Đề án sinh kế thoát nghèo bền vững. Trong đó, 81 hộ nghèo, 50 hộ cận nghèo với 4 mô hình giảm nghèo được các hội, đoàn thể thực hiện hiệu quả như: mô hình nuôi dê sinh sản có 10 hộ nghèo tham gia, 2 mô hình nuôi bò sinh sản có 28 hộ nghèo và cận nghèo tham gia. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hỗ trợ, quản lý 16 hộ nghèo. Ngoài ra, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã và Hội Nông dân xã phối hợp mở lớp học nghề đan đát ghế dây nhựa, trồng nấm rơm, nấm bào ngư... tạo công ăn, việc làm, tăng thu nhập cho chị em phụ nữ trong thời gian nhàn rỗi. Hỗ trợ vốn vay ưu đãi phát triển sản xuất cho 72 hộ nghèo, hộ cận nghèo và 29 lao động đi làm việc có thời hạn theo hợp đồng tại Nhật Bản.

“Qua công tác điều tra rà soát, bình nghị hộ nghèo cuối năm 2023, toàn xã hiện còn 171 hộ nghèo. Sau khi trừ 147 hộ nghèo được hưởng bảo trợ xã hội và hộ lớn tuổi, bệnh không có khả năng lao động, xã còn 24 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,73%. Hộ cận nghèo còn 166 hộ, sau khi trừ 68 hộ cận nghèo không có khả năng lao động, xã còn lại 98 hộ, chiếm tỷ lệ 2,95%. An Bình Tây đạt được tiêu chí số 11 về tỷ lệ hộ nghèo đa chiều…”.

(Chủ tịch UBND xã An Bình Tây Phạm Hồng Hải)

Bài, ảnh: Thành Lập

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN