Đường nông thôn xã An Bình Tây (Ba Tri).
An Bình Tây là xã thuộc tiểu vùng II của huyện Ba Tri, nằm cách trung tâm thị trấn Ba Tri 1km, có diện tích tự nhiên 1.571ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp 1.272ha, phía Bắc giáp xã Mỹ Nhơn, xã Mỹ Thạnh; phía Nam giáp xã An Đức; phía Đông giáp xã Phú Lễ và thị trấn Ba Tri; phía Tây giáp xã An Hiệp và xã An Ngãi Trung. Toàn xã hiện có 3.311 hộ, với 9.753 nhân khẩu. Xã có 6 ấp (An Hòa, An Lợi, An Phú, An Quới, An Thạnh, An Thuận). Kinh tế xã chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và buôn bán nhỏ lẻ. Thu nhập bình quân đầu người vào cuối năm 2023 là 63,17 triệu đồng/người/năm. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định, hệ thống chính trị được củng cố tăng cường.
Năm 2011, xã An Bình Tây bắt đầu bước vào xây dựng NTM. Tổng kinh phí đã thực hiện trong xây dựng NTM là 153,604 tỷ đồng, trong đó: ngân sách cấp tỉnh 74,94 tỷ đồng, chiếm 48,78%; ngân sách cấp huyện 10,1 tỷ đồng, chiếm 6,57%; ngân sách xã 21,39 tỷ đồng, chiếm 13,92%... Trong từng năm, Đảng bộ và chính quyền xã đều có nghị quyết, kế hoạch tập trung phát triển kinh tế - xã hội nhằm phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, đào tạo nghề, nâng cao thu nhập và đời sống nhân dân, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 7,88% năm 2022 xuống chỉ còn 3,94% (tính đến tháng 7-2024). Tỷ lệ lao động qua đào tạo là 70,8%, đạt so với quy định; tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ là 25,01%, đạt so với quy định.
Trên cơ sở điều kiện sản xuất tại địa phương về đất đai, thổ nhưỡng, xã đã vận dụng tốt từ cây, con giống mới, mô hình mới phù hợp với điều kiện tự nhiên, tập quán sản xuất của người dân, khuyến khích người dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi nhằm tăng năng suất, chất lượng và giảm chi phí giá thành sản phẩm. Qua đó, An Bình Tây có rất nhiều mô hình phát triển kinh tế sáng tạo, bền vững và mang lại thu nhập cao như: mô hình nuôi bò sữa, mô hình trồng rau mầm, mô hình nuôi gà thịt…
Ngoài ra, địa phương còn tổ chức tuyên truyền, vận động người dân đăng ký tham gia học nghề, giới thiệu việc làm và đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng… Công tác giáo dục, văn hóa, y tế, thể dục - thể thao được các ngành, các cấp quan tâm, đáp ứng nhu cầu học tập và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Tất cả các ấp (6/6 ấp) có hạ tầng viễn thông, Internet đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ điện thoại và dịch vụ truy cập Internet, với mạng cáp quang đến 100% ấp của xã và 12 trạm thu, phát sóng thông tin di động mặt đất (BTS) để cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet di động phủ kín địa bàn toàn xã.
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, thời gian qua, nhiều cán bộ, đảng viên của Đảng bộ xã An Bình Tây đã gương mẫu, tiên phong đi đầu trong phong trào hiến đất, mở rộng đường giao thông để xây dựng NTM. Từ đó, phong trào này được lan tỏa rộng khắp, tạo hiệu ứng tích cực trong nhân dân các xóm, ấp trên địa bàn, góp phần làm thay đổi rõ rệt diện mạo nông thôn. Đến nay, có khoảng 40km đường xã, đường ấp, ngõ xóm được nhựa hóa, bê-tông hóa. Ông Nguyễn Văn Sết, 60 tuổi, ngụ tại ấp An Quới, xã An Bình Tây cho biết: “Trước kia, nhiều tuyến đường chính trong xã rất lầy lội, đi lại vô cùng khó khăn, dẫn đến việc giá cả hàng hóa của bà con sản xuất ra thường bị ép giá rất nhiều. Từ khi có phong trào xây dựng NTM, những tuyến đường khang trang, thẳng tắp được thực hiện nên bà con rất phấn khởi.
“Được công nhận xã NTM là vinh dự của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã An Bình Tây. Đây là một cột mốc quan trọng, tạo động lực để xã thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tiếp theo. Thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền xã An Bình Tây sẽ có kế hoạch cụ thể để giữ vững và nâng chất các tiêu chí, chỉ tiêu đã đạt được. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, tạo sự đoàn kết thống nhất cùng nhau xây dựng xã NTM nâng cao trong thời gian sớm nhất”.
(Chủ tịch UBND xã An Bình Tây Phạm Hồng Hải)
|
Bài, ảnh: Bảo Duy