Ba Tri bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc

26/01/2024 - 14:22

BDK - Huyện Ba Tri có 13 di tích được xếp hạng, gồm: 1 di tích quốc gia đặc biệt, 3 di tích cấp quốc gia và 9 di tích cấp tỉnh. Các di tích sau khi được xếp hạng được đầu tư bảo quản, sửa chữa kịp thời... góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo của người dân và phục vụ công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc.

Sôi nổi thi đua bè trong Ngày hội truyền thống văn hóa tỉnh tại huyện Ba Tri (1-7-2023).  Ảnh: Trung Hiếu

Sôi nổi thi đua bè trong Ngày hội truyền thống văn hóa tỉnh tại huyện Ba Tri (1-7-2023).  Ảnh: Trung Hiếu

Xây dựng văn hóa, con người Ba Tri

Truyền thống văn hóa đã tạo nên con người Ba Tri với những phẩm chất đáng quý: giàu lòng yêu nước, cương trực, trọng đạo lý, trọng nghĩa tình, cần cù lao động, có tinh thần hiếu học. Với bề dày lịch sử cùng những giá trị văn hóa đặc trưng, Ba Tri xứng đáng là mảnh đất tiêu biểu cho truyền thống lịch sử - văn hóa của tỉnh. Để phát huy các giá trị truyền thống văn hóa của địa phương, huyện đã đưa nhiệm vụ xây dựng văn hóa, con người Ba Tri phát triển toàn diện, gắn với chăm lo đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Huyện xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cả nhiệm kỳ.

Qua thời gian triển khai thực hiện, công tác xây dựng và phát huy các giá trị văn hóa, con người Ba Tri đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhất là nhận thức của cán bộ, đảng viên về xây dựng văn hóa, xây dựng con người có những chuyển biến tích cực. Những giá trị văn hóa tiêu biểu của huyện tiếp tục được bảo tồn và phát huy, từng bước xóa bỏ những hủ tục, tập quán lạc hậu. Các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và sinh hoạt văn hóa tâm linh được quan tâm.

Huyện cũng chú trọng hoạt động khai thác, sử dụng và phát huy giá trị di tích với nhiều hình thức đa dạng như: Nghiên cứu, sưu tầm hiện vật, phim tư liệu, in ấn giới thiệu các ấn phẩm, trưng bày và triển lãm… Gắn kết các di tích văn hóa với các hoạt động du lịch và hoạt động giáo dục lịch sử truyền thống của địa phương cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Qua đó, vừa thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, vừa bồi đắp những phẩm chất tốt đẹp, tình yêu, lòng tự hào về quê hương, đất nước và khát vọng phát triển quê hương.

Bên cạnh đó, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và các phong trào thi đua ngày càng được mở rộng, từng bước đi vào thực chất. Các danh hiệu như: ấp, khu phố văn hóa; cơ quan, đơn vị văn hóa, nhất là danh hiệu gia đình văn hóa thường xuyên được kiểm tra nâng chất, tái công nhận bảo đảm đúng thực chất. Trọng tâm là xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh gắn kết thực hiện phong trào với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng xã nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao. Đến nay, huyện đã xây dựng được 9/21 xã đạt chuẩn NTM, 2 xã NTM nâng cao và 1 xã NTM kiểu mẫu. Các giá trị, chuẩn mực đạo đức được đề cao trong gia đình và cộng đồng. Các phong trào “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Giúp đỡ người tàn tật, chăm sóc trẻ cơ nhỡ”, “Giúp nhau xóa đói giảm nghèo”, “Gia đình hiếu học”… tiếp tục được phát huy và nhân rộng trong cộng đồng.

Hướng đến các giá trị chân, thiện, mỹ

Để phát huy giá trị truyền thống văn hóa địa phương, trong thời gian tới, Ba Tri tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của các giá trị truyền thống văn hóa, con người đối với sự phát triển của quê hương, đất nước. Tập trung xây dựng hệ giá trị văn hóa, con người Ba Tri hướng đến các giá trị chân, thiện, mỹ, tạo nền tảng vững chắc để hoàn thiện hệ giá trị văn hóa, con người Ba Tri trên cơ sở phát huy những phẩm chất cao quý vốn có, tạo động lực tinh thần, phát huy sức mạnh con người Ba Tri trong xây dựng, phát triển quê hương, đất nước.

Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở đáp ứng tốt hơn nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân. Đầu tư xây dựng một số khu lưu niệm lịch sử cách mạng, bia lịch sử tiêu biểu, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho nhân dân.

Quản lý và nâng cao chất lượng tổ chức các lễ hội và các hoạt động văn hóa - nghệ thuật, thông tin tuyên truyền, cổ động. Khuyến khích các hoạt động sáng tác để ngày càng có nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, có tác dụng xây dựng, bồi đắp nhân cách, tâm hồn con người Ba Tri. Cổ vũ cái tốt, cái đẹp, lên án cái xấu, cái ác, chống các hủ tục lạc hậu và tệ nạn xã hội. Mở rộng giao lưu văn hóa, nghệ thuật với các địa phương trong, ngoài tỉnh. Tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa của nhân loại.

Phát huy tổng hợp các nguồn lực trong xã hội để phát triển văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc trên địa bàn. Thực hiện tốt công tác bảo vệ, bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa, đặc biệt là các di tích cấp quốc gia, nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Gắn kết chặt chẽ việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa với phát triển du lịch. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân chủ động tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng, các lễ hội truyền thống dân gian địa phương.

 Kết hợp đồng bộ quá trình xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở với quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Gắn kết chặt chẽ quá trình xây dựng xã văn hóa, gia đình văn hóa với các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, làm cho các hoạt động văn hóa được triển khai thực hiện đồng bộ, đi vào chiều sâu, tạo động lực thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển. Chú trọng xây dựng văn hóa trong Đảng, nhất là phong cách văn hóa lãnh đạo, văn hóa quản lý. Trước hết, cán bộ, công chức phải là những người làm gương, đi đầu; chống những hiện tượng phản văn hóa, phi văn hóa. Đa dạng hóa các hình thức hoạt động để thu hút toàn dân tham gia phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác văn hóa. Tiếp tục phát huy tính chủ động, sáng tạo cũng như tính tự quản của nhân dân trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở; xây dựng làng hóa, gia đình văn hóa; bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa ở địa phương.

Toàn huyện hiện có 125 nhà văn hóa - khu thể thao ấp; trong đó, đạt chuẩn là 30. Trong 23 trung tâm văn hóa - thể thao và học tập cộng đồng xã, thị trấn có 8 trung tâm đạt chuẩn. Tổng số sân tập luyện thể dục thể thao 130 sân, 2 nhà tập luyện thi đấu trong nhà, 3 hồ bơi cố định, 9 bể bơi di động, 1 trung tâm văn hóa - thể thao huyện, 1 nhà thiếu nhi huyện…, góp phần đáp ứng được nhu cầu vui chơi, giải trí, rèn luyện thể chất, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Từ đó, duy trì và nâng chất các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao huyện.

Bùi Thành Dương

Phó bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Ba Tri

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN