Kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023), bài 3:

Kế thừa, bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa

06/03/2023 - 05:46

BDK - Qua 80 năm từ Đề cương về văn hóa (VH) Việt Nam 1943 (Đề cương), nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng đối với lĩnh vực VH. Nhận thức về VH ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn trên các lĩnh vực, các loại hình. Các sản phẩm VH ngày càng đa dạng, đáp ứng yêu cầu mới, nhiều mặt của xã hội. Nhiều giá trị VH truyền thống và di sản VH của dân tộc được kế thừa, bảo tồn và phát triển. Công nghiệp VH và thị trường VH có bước khởi sắc. Hoạt động giao lưu, hợp tác và hội nhập quốc tế có bước phát triển mới…

Trình diễn chủ đề Văn hóa Việt Nam trong Ngày hội Văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc tại tỉnh. Ảnh: Thanh Đồng

Trình diễn chủ đề Văn hóa Việt Nam trong Ngày hội Văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc tại tỉnh. Ảnh: Thanh Đồng

Những vấn đề đặt ra trong bối cảnh mới

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, tham luận của Ban Tổ chức Trung ương tại Hội thảo khoa học quốc gia cũng đã nêu ra những hạn chế và những vấn đề cần phải quan tâm trong bối cảnh xã hội hiện đại. Trong đó, có thể thấy, VH chưa thật sự được quan tâm đầu tư một cách đầy đủ và tương xứng so với kinh tế và chính trị. Đó là nguyên nhân vì sao dù được đánh giá là quốc gia có nguồn tài nguyên VH dồi dào nhưng nước ta vẫn chưa thuộc nhóm các nước được xem là cường quốc sở hữu “sức mạnh mềm” VH, nghĩa là có sức hấp dẫn, lôi cuốn và thật sự thuyết phục trong mối quan hệ quốc tế.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện VH nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết: “Cần coi VH là lĩnh vực được ưu tiên đầu tư như đã đầu tư cho y tế, giáo dục hay giao thông vận tải. Hiện chúng ta chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế của tài nguyên VH, điểm nghẽn ở đây là luật đầu tư chưa đặt VH là lĩnh vực ưu tiên, vấn đề hợp tác công - tư còn nhiều điểm nghẽn, cần được khơi thông”.

Vai trò của VH trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng nặng về chức năng giải trí. Phát triển các lĩnh vực VH chưa đồng bộ, còn phiến diện, nặng về hình thức, chưa đi vào chiều sâu, thực chất. Môi trường VH vẫn bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực. Sự chênh lệch về hưởng thụ VH giữa các vùng, miền còn lớn. Đời sống VH ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và hải đảo còn không ít khó khăn. Nhiều di sản VH quý báu của dân tộc có nguy cơ bị xuống cấp, mai một, thậm chí bị tiêu vong. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý VH còn lúng túng, chậm trễ, nhất là trong việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về VH. Đầu tư cho VH chưa đúng mức, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao.

Đứng trước sự tác động của quá trình toàn cầu hóa, cạnh tranh quốc tế và cuộc đấu tranh trên lĩnh vực VH, tư tưởng cũng sẽ diễn ra quyết liệt, phức tạp hơn. Nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự tiến triển nhanh chóng của công nghệ số vừa đem lại những cơ hội, vừa tạo ra thách thức mới trong việc xây dựng và phát triển VH. Có thể thấy nổi lên thời gian gần đây là công nghệ ChatGPT - chatbot trí tuệ nhân tạo có mặt tại Việt Nam đang tạo ra nhiều ý kiến tranh luận, khả năng sẽ tác động nhiều đến sự phát triển của xã hội, trong đó có cả VH.

Đầu tư lâu dài và bền vững

Để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về lĩnh vực VH và Hội nghị VH toàn quốc tháng 11-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gợi mở một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Đó là tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước về VH, khắc phục tư duy kinh tế, chỉ tập trung cho kinh tế mà ít quan tâm đến VH. Sớm khắc phục tình trạng chậm thể chế hóa đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng thành luật pháp và các chính sách cụ thể, khả thi. Nâng mức đầu tư một cách hợp lý từ nguồn ngân sách nhà nước, đồng thời khơi thông các nguồn lực xã hội.

Sau Hội nghị VH toàn quốc cùng với việc ban hành Chiến lược phát triển VH đến năm 2030, các đơn vị, địa phương đã ban hành kế hoạch hành động triển khai chiến lược này và thực hiện kết luận của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị VH toàn quốc. Đặc biệt, quán triệt quan điểm VH phải đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị. Nhiều hội nghị, hội thảo bàn về giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, tạo điều kiện cho phát triển VH được triển khai từ Trung ương đến địa phương. Đầu tư cho VH ở nhiều địa phương có sự chuyển biến, gia tăng rõ rệt.

Phát biểu tại Hội thảo khoa học quốc gia, Bộ trưởng Bộ VH, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định, việc vận dụng khách quan, phát huy hiệu quả giá trị và các nguyên tắc của Đề cương trong bối cảnh mới là vô cùng thực chất theo hướng phải phát huy tối đa vai trò của toàn hệ thống chính trị và xã hội. Trong đó, cần tiếp tục đi sâu nghiên cứu, nâng cao nhận thức một cách đầy đủ, sâu sắc VH theo tinh thần của Đề cương và các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng về phát triển VH.

Bên cạnh đó, cần phải phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực VH, xây dựng được môi trường VH lành mạnh, đời sống tinh thần phong phú, hài hòa các mối quan hệ giữa người với người, giữa con người với môi trường VH và thiên nhiên. Bảo tồn, phát huy các giá trị VH truyền thống, tiếp thu tinh hoa VH nhân loại. Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tạo các giá trị VH mới.

Xây dựng môi trường VH số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho VH thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Phát huy vai trò chủ thể sáng tạo, chủ thể thụ hưởng VH là nhân dân. Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với việc giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị VH, giá trị của quốc gia - dân tộc. Kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Bên cạnh đó, xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác VH tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ phát triển VH Việt Nam trong giai đoạn mới cũng như thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, giám sát và đánh giá hiệu quả.

“Cần tiếp tục tạo sự chuyển biến thực chất trong xây dựng môi trường VH cơ sở. Nghiên cứu hệ giá trị của con người Việt Nam để xây dựng và phát triển con người Việt Nam với những phẩm chất phù hợp yêu cầu thời đại, phát triển con người gắn với chăm lo và đề cao VH gia đình, VH nhà trường, VH xã hội để lan tỏa những giá trị truyền thống tốt đẹp với mục tiêu “lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy cái tích cực đẩy lùi tiêu cực”.

Phát huy vai trò của văn học, nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, định hướng phát triển nhân cách của con người Việt Nam, nhất là trong thế hệ trẻ. Tập trung phát triển các loại hình từ nghệ thuật đại chúng đến nghệ thuật bác học. Xây dựng bộ chỉ số quốc gia về phát triển VH và triển khai ứng dụng định kỳ để đo lường, giám sát sự đóng góp và tăng trưởng của lĩnh vực VH trong tổng thể phát triển của quốc gia, không để tụt hậu. Từng bước đẩy nhanh chuyển đổi số lĩnh vực VH và du lịch, xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển VH trên tinh thần đầu tư cho VH là đầu tư cho phát triển lâu dài và bền vững”.

(Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng)

Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN