Kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023), bài 2:

Vận dụng, phát huy giá trị truyền thống trong thực tiễn

03/03/2023 - 05:40

BDK - Đề cương về văn hóa (VH) Việt Nam năm 1943 không chỉ có giá trị về mặt lý luận mà còn có ý nghĩa trong việc chỉ đạo hoạt động VH - xã hội ở nước ta. Việc vận dụng và phát huy tinh thần, luận điểm, nguyên tắc về phát triển VH được đặt ra trong đề cương với ý nghĩa như một cương lĩnh về VH của Đảng đã thực sự mang lại nhiều chuyển dịch và kết quả quan trọng trong sự nghiệp phát triển VH và con người Việt Nam trong suốt tám thập niên qua.

Trình diễn Hát sắc bùa Phú Lễ tại họp mặt kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23-11-2022). Ảnh: Thanh Đồng

Trình diễn Hát sắc bùa Phú Lễ tại họp mặt kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23-11-2022). Ảnh: Thanh Đồng

Điều chỉnh quan hệ giữa các chủ thể văn hóa

Từ nền tảng của Đề cương về VH Việt Nam năm 1943, mối quan hệ giữa các chủ thể VH từng bước được điều chỉnh theo hướng hài hòa, lành mạnh, giúp phát huy hiệu quả vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và chủ thể sáng tạo của nhân dân. Với vai trò là người lãnh đạo sự nghiệp VH, Đảng ta đã ban hành nhiều chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị, kết luận nhằm thể chế hóa các quan điểm, tạo lập nền tảng và định hướng cho việc xây dựng khuôn khổ chính sách VH ở Việt Nam. Trong khi đó, Nhà nước từ vị trí là người chỉ huy đã chuyển sang vai trò của nhà quản lý và bảo trợ. Các cơ quan quản lý nhà nước về VH cũng thực hiện việc phân cấp, phân quyền trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc thống nhất về hành chính quốc gia và đề cao tính tự chủ của địa phương trên nền tảng lợi thế so sánh, năng lực cạnh tranh. Bên cạnh đó, các cơ chế và phương tiện để thúc đẩy và hỗ trợ sự tham gia của nghệ sĩ, các nhà quản lý VH và người dân nói chung vào các đối thoại chính sách đã được xây dựng và phát triển.

Các văn bản pháp luật với vai trò là công cụ điều chỉnh mối quan hệ giữa các chủ thể trong từng lĩnh vực cụ thể của khu vực VH được chú trọng xây dựng và hoàn thiện. Trong lĩnh vực VH, hiện Việt Nam đã có 5 luật: Luật Điện ảnh, Luật Di sản VH, Luật Quảng cáo, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Thư viện, 50 nghị định, 14 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và trên 100 thông tư, thông tư liên tịch được điều chỉnh trực tiếp. Các đạo luật này đã từng bước tạo ra một khuôn khổ pháp lý tương đối nhất quán và hợp lý, tạo lập môi trường vận hành thuận lợi cho các hoạt động VH. Đặc biệt, các văn bản hiện hành đã góp phần thể chế hóa và cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền sáng tạo văn học, nghệ thuật và thụ hưởng, tiếp cận các giá trị VH, tham gia vào đời sống VH của người dân.

Nền tảng tinh thần của đề cương trong nhiều thập kỷ đã được bổ sung và phát triển qua các văn kiện sau này của Đảng, một số chuẩn mực tư tưởng, đạo đức, lối sống của con người Việt Nam, bao gồm cả các giá trị truyền thống (yêu nước, nhân ái, đoàn kết...) và các giá trị hiện đại (năng lực sáng tạo, tôn trọng pháp luật...), đã từng bước được thể chế hóa, đưa vào các văn bản pháp luật, quy ước, hương ước làng, xã, quy chế, quy tắc, nội quy của các cơ quan, đơn vị, tổ chức. Môi trường VH được cải thiện. Đặc biệt, tại các thiết chế VH, các đơn vị, tổ chức VH. Tất cả nhằm thực hiện 2 mục tiêu không thể tách rời là phát triển con người và phát triển VH. Trong đó, phát triển VH vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển VH.

Vận dụng các nguyên tắc của đề cương, việc kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống của VH Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực trong thời gian qua. Cơ chế xử lý hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn, phát huy di sản VH với phát triển kinh tế đã từng bước được xác lập và vận hành trên thực tế. Di sản VH đã và đang trở thành một yếu tố cốt lõi của quá trình chuyển hóa nguồn lực “mềm” VH thành sức mạnh thông qua xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch và là mấu chốt quan trọng tạo nên sức hấp dẫn của điểm đến du lịch. Đi cùng với việc bảo tồn VH truyền thống, việc tiếp thu có chọn lọc tinh hoa VH nhân loại là một xu thế tất yếu, đặc biệt được đẩy mạnh trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.

Văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội

Việc gắn kết VH trong phát triển kinh tế - xã hội có chuyển dịch tích cực về nhận thức và hành động. Từ nhận thức này, các hành động cụ thể đã được thực hiện nhằm khai thác tiềm năng kinh tế của VH, phát huy tối đa vai trò và đóng góp của lĩnh vực này. Minh chứng điển hình cho nỗ lực này chính là việc ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp VH Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Chiến lược đã đánh dấu một bước tiến mới trong việc kiến tạo môi trường thể chế thuận lợi cho các ngành công nghiệp VH khai thác và chuyển hóa các nguồn tài nguyên VH thành các sản phẩm và dịch vụ có sức hấp dẫn. Các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ VH, Thể thao và Du lịch, đã tích cực triển khai công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý, khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp VH.

Những thay đổi tích cực về thể chế chính sách, đặc biệt là các chính sách kinh tế trong VH và khuyến khích sự tham gia của các thành phần sở hữu, sự đầu tư nguồn vốn trong và ngoài nước vào các ngành công nghiệp VH đã thúc đẩy thị trường công nghiệp VH Việt Nam có những bước tiến mới, mang lại những đóng góp nhất định vào tăng trưởng GDP của cả nước.

VH được khẳng định là nguồn sức mạnh nội sinh cho sự phát triển toàn diện của kinh tế - xã hội đất nước. VH có đóng góp như một lĩnh vực độc lập và như một thành tố nằm xuyên suốt trong các lĩnh vực khác. Theo Bộ trưởng Bộ VH, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, để vận dụng khách quan, phát huy hiệu quả giá trị và nguyên tắc Đề cương trong bối cảnh mới, chúng ta cần phải xác định xây dựng môi trường VH là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi nhằm từng bước hình thành nên hệ sinh thái có khả năng nuôi dưỡng, thúc đẩy sự sáng tạo, đồng thời tăng cường năng lực kết nối, lan tỏa, định hình những giá trị tốt đẹp của VH, con người Việt Nam.

Trong giai đoạn hiện nay, vai trò và ý nghĩa của VH chỉ có thể phát huy hiệu quả khi đầu tư cho VH phải thực sự được chú trọng thông qua việc triển khai các chiến lược, chương trình với lộ trình phù hợp. Từ khởi nguồn này, trong các năm tiếp theo, Bộ VH, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục các nỗ lực nhằm khẳng định vị thế của cơ quan chuyên trách về VH và tạo ra những chuyển biến tích cực trong toàn ngành.

“Việc xây dựng môi trường VH được quan tâm một cách thực chất, khoa học và có chiều sâu hơn sẽ tạo ra diện mạo mới cho đời sống VH của toàn dân, kiến tạo các quan hệ hợp tác lành mạnh, phát huy năng lực sáng tạo và nâng cao mức hưởng thụ VH của đông đảo quần chúng nhân dân. Đầu tư cho VH một cách khoa học, hợp lý, chính là đầu tư cho sự phát triển, đầu tư cho tương lai hội nhập mang tính bền vững hơn của đất nước. Đó cũng chính là nền tảng tiên quyết góp phần hình thành một nền VH mới có khả năng tạo động lực khơi dậy khát vọng cống hiến của toàn dân cho sự nghiệp chấn hưng VH và chuyển hóa hiệu quả nguồn tài nguyên VH thành sức mạnh mềm VH Việt Nam trên bản đồ sức mạnh mềm thế giới”.

(Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng)

Thanh Đồng (tổng hợp)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN