BDK - Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Ba Tri Bùi Thành Dương cho biết: Thời gian qua, việc triển khai thực hiện nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội (CSXH) trên địa bàn huyện cho công tác giảm nghèo bền vững đạt hiệu quả cao. Mặt trận và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở tích cực hưởng ứng mạnh mẽ, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm tinh thần Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22-11-2014 và Kết luận số 06-KL/TW ngày 10-6-2021 của Ban Bí thư, nhiều mô hình sinh kế được xây dựng và nhân rộng, phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi thực hiện sinh kế giúp người nghèo thoát nghèo bền vững.
Mô hình nuôi dê giảm nghèo ở xã Vĩnh Hòa (Ba Tri).
Ba Tri là huyện thuần nông, kinh tế chủ yếu của người dân là sản xuất nông nghiệp và thủy sản. Địa phương được xem như “vựa lúa” của cả tỉnh và có tổng đàn bò lớn nhất, là một huyện vùng ven biển nên chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, tình hình thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, sản xuất nông nghiệp bấp bênh, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Toàn huyện có 23 đơn vị hành chính cấp xã, thị trấn (2 thị trấn) với 125 ấp, khu phố với dân số hơn 216 ngàn người. Cuối năm 2023, qua công tác rà soát, bình nghị hộ nghèo, huyện còn 3.070 hộ, tỷ lệ 5,5%, hộ cận nghèo còn 2.923 hộ, tỷ lệ 5,2%. Huyện Ba Tri là địa bàn trọng điểm triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia về công tác giảm nghèo.
Thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Huyện ủy, UBND huyện đã cụ thể hóa bằng các kế hoạch, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW đến MTTQ, các ngành, đoàn thể và các xã, phường, thị trấn. Các cấp ủy, chính quyền quán triệt và xem việc sử dụng nguồn vốn vay tín dụng CSXH phục vụ cho công tác giảm nghèo, công tác an sinh xã hội là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, thường xuyên để tổ chức thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo nhanh và bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.
Theo Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Bùi Thành Dương, đến nay, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đã thực hiện 13 chương trình tín dụng ưu đãi, với tổng dư nợ đạt hơn 715 tỷ đồng, tăng hơn 477 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW. Hơn 17 ngàn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được hỗ trợ tích cực tiếp cận và vay vốn. Nguồn vốn vay ưu đãi tín dụng CSXH đã lan tỏa đến 100% ấp, khu phố, xã, phường, thị trấn trên địa bàn huyện. Phòng giao dịch đã triển khai rất tốt công tác phối hợp với chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội thành lập 436 tổ tiết kiệm và vay vốn, xây dựng 23 điểm giao dịch tại cấp xã, đưa các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng như cho vay, thu nợ, thu lãi, huy động vốn, tiết kiệm, chi trả an sinh xã hội, App VBSP SmartBanking... góp phần tạo sự thuận lợi và sự nhanh chóng cho người nghèo, hạn chế “tín dụng đen” và giúp cho địa phương triển khai các hoạt động về thực hiện công tác chuyển đổi số và thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo đánh giá của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Ba Tri, đến nay, tỷ lệ thu nợ gốc đến hạn đạt trên 99%, tỷ lệ nợ quá hạn và khoanh nợ luôn được kéo giảm, hiện chỉ còn 0,1% so với tổng dư nợ. Có 10 đơn vị cấp xã không có nợ quá hạn. Kết quả này, cho thấy có sự chuyển biến tích cực trong công tác nâng cao chất lượng tín dụng CSXH so với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW. Nguồn vốn ủy thác được phân bổ cho các tổ chức chính trị - xã hội các cấp triển khai, xây dựng nhiều chương trình, dự án sinh kế cho cán bộ, hội viên, đoàn viên, thanh niên và quần chúng nhân dân thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo. Cụ thể, Hội Nông dân đảm nhận ủy thác và hỗ trợ vốn vay, giải ngân hơn 224 tỷ đồng, Hội Phụ nữ hơn 302 tỷ đồng, Hội Cựu chiến binh hơn 107 tỷ đồng, Đoàn thanh niên hơn 75 tỷ đồng, với nhiều mô hình được các đoàn thể xây dựng tạo sinh kế hiệu quả. Tiêu biểu như mô hình sản xuất cơm cháy chà bông của thanh niên Nguyễn Văn Có, ấp Bảo Hòa, xã Vĩnh Hòa, từ vốn vay 100 triệu đồng, cơ sở của anh đã tạo việc làm cho 6 lao động thường xuyên và có lợi nhuận từ 100 - 120 triệu đồng/năm. Hộ anh thật sự thoát nghèo bền vững.