Giới thiệu sách

Bác Hồ với thương binh, liệt sĩ

19/07/2024 - 05:23

BDK - Kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7 hàng năm là sự kiện quan trọng, mang ý nghĩa nhân văn cao đẹp, là dịp để cả nước, toàn dân, toàn quân ta tưởng nhớ, tri ân công lao các bậc anh hùng cách mạng, các thương binh - liệt sĩ. Họ đã anh dũng hy sinh và đã để lại ngoài trận địa một phần cơ thể của mình, họ sẵn sàng “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như làm tròn nghĩa vụ quốc tế, tô thắm những trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam. Nhân dịp ngày kỷ niệm, xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc một vài quyển sách hay về đề tài thương binh - liệt sĩ.

Bìa 2 quyển sách Bác Hồ với thương binh, liệt sĩ và Thương binh tàn nhưng không phế.

* Bác Hồ với thương binh, liệt sĩ: Sách do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành (năm 2001). Với độ dày 213 trang, chia thành hai phần, sách tập hợp những bài viết, bài nói, thư từ và hình ảnh được trích dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho thương binh, liệt sĩ, được tuyển chọn từ “Hồ Chí Minh toàn tập” (12 tập). Chất chứa trong từng câu nói, từng lá thư, bài viết chính là tình cảm thiết tha của Bác dành cho những con người xả thân vì nước, không tiếc máu xương bảo vệ Tổ quốc. Có thể kể đến bức thư Bác gửi cho Ban tổ chức “Ngày thương binh toàn quốc”, Bác viết: “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí chịu ốm yếu… vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”. Và còn nhiều nữa những bức thư Bác gửi các chiến sĩ Nam Bộ, thư Bác gửi các chiến sĩ cảm tử quân thủ đô, thư gửi hội mẹ chiến sĩ Liên khu IV, hay thư khen ngợi các chiến sĩ…

Phần sau của quyển sách giới thiệu hồi ức của một số thương binh và gia đình liệt sĩ vinh dự được gặp Bác, được sống trong tình yêu thương của Bác. Sách là tư liệu giúp người đọc tìm hiểu về tư tưởng, tình cảm và những việc làm đầy ân nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh với thương binh và gia đình liệt sĩ, đồng thời nói lên những tình cảm và lòng biết ơn vô hạn của thương binh và gia đình liệt sĩ đối với Người.

Sinh thời, Bác đã từng nói: “Máu đào của các liệt sĩ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn liệt sĩ”. Ghi nhớ lời dạy của Người, Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương, chính sách trong công tác đền ơn đáp nghĩa, các phong trào xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương, quỹ đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng, đi tìm hài cốt liệt sĩ, tu sửa nâng cấp đài tưởng niệm liệt sĩ… thể hiện đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

* Thương binh tàn nhưng không phế: Nhà xuất bản Thông tấn ấn hành (năm 2007) quyển sách “Thương binh tàn nhưng không phế”, gồm có 263 trang, nội dung viết về những câu chuyện hay và chân thật, gây xúc động với bao tấm gương của các cô, chú thương binh đang vẫn từng ngày cống hiến cho đời những hoa thơm trái ngọt. Đó là hình ảnh một người nữ thương binh vượt qua gian khó, hăng say lao động; là câu chuyện về một người thương binh bị mù một mắt, cụt cả hai tay, nhưng vẫn miệt mài qua bao năm tháng mở đất trồng cây, thắp sáng cho cả một vùng quê nghèo khó. Có người thương binh dành trọn tâm huyết cho sự nghiệp trồng người. Và nhiều người trong số họ đã trở thành nhà văn, nhà báo, nhà khoa học xuất sắc hoặc những nhà quản lý ở nhiều lĩnh vực khác nhau, một số thương binh đã được tuyên dương anh hùng lao động trong thời kỳ đất nước đổi mới… Có thể kể đến các bài viết như: “Vết chân tròn” trên vùng đồi, Nghề mộc - Niềm đam mê của người thương binh già, Bản lĩnh của một giám đốc thương binh, Người thầy mang nhân cách người lính, Người thương binh được thưởng “Bông lúa vàng Việt Nam”, Người sáng lập mô hình “Vườn tình thương”, Thời trước bảy lần dũng sĩ, bây giờ triệu phú nuôi tôm, Người thương binh trở thành ông vua cá, Tỷ phú từ những nan tre, Xây lâu đài từ sình lầy…

Nếu như thời chiến tranh, những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” đã cống hiến vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và khi thời bình, bằng nghị lực phi thường, ý chí mạnh mẽ, họ tiêu biểu cho tinh thần khắc phục khó khăn, vượt lên hoàn cảnh, gặt hái thành công trong lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, làm giàu cho quê hương đất nước.

HUỲNH ANH

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN