
Đoàn giám sát làm việc với các HTX chuỗi tôm biển huyện Bình Đại.
Cùng tham gia với đoàn có Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Văn Tân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Nguyễn Quốc Bảo, đại diện các sở, ban ngành liên quan.
Qua làm việc với UBND huyện Bình Đại, UBND xã Thạnh Phước về tình hình thực hiện chuỗi tôm, được biết, huyện đã thành lập được 2 hợp tác xã (HTX) tôm: HTX Bình Thắng có 20 thành viên, với 40ha; HTX nuôi tôm sinh thái Thạnh Phước có 164 thành viên, gần 400ha. Về kế hoạch phát triển tôm công nghệ cao, huyện Bình Đại được giao phát triển 2.000ha trong tổng số 4.000ha toàn tỉnh.
Theo đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao có nhiều ưu điểm như: Quản lý nguồn nước và môi trường nước, dịch bệnh tôm… mang đến hiệu quả cao. Việc xử lý nước thải trong quá trình nuôi được chủ động, đảm bảo theo quy định. Lợi nhuận tăng cao, bình quân 1-2 tỷ đồng/ha/năm. Huyện bước đầu thực hiện liên kết 100ha trong dân với Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam. Ngược lại, tỷ lệ nuôi truyền thống có hiệu quả không cao, khoảng 40% hòa vốn và có lợi nhuận, còn lại thua lỗ do nhiều lý do như dịch bệnh, giá…
Bên cạnh những thuận lợi, HTX hoạt động còn một số hạn chế như: Năng lực hoạt động không đồng đều, phương án sản xuất kinh doanh chưa cao; một số doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết chưa thu mua theo cam kết. Việc thành lập HTX chưa “chín muồi”, chủ yếu theo tiêu chí nông thôn mới nên chưa đáp ứng như mong muốn…
Cùng ngày, đoàn sẽ khảo sát thực tế một số chuỗi giá trị tôm biển; gặp gỡ, trao đổi thông tin với HTX Bình Thắng, HTX nuôi tôm sinh thái Thạnh Phước, Công ty sản xuất tôm giống Đại Thịnh; Công ty TNHH MTV XNK thủy sản Hải Long.
Được biết, hoạt động giám sát của đoàn nhằm thực hiện Kế hoạch số 464, ngày 19-8-2022 của đoàn giám sát Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh giám sát tình hình tổ chức thực hiện các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, (theo Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy về xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến 2025).
Theo kế hoạch giám sát, tiếp theo chuỗi tôm biển, đoàn sẽ giám sát chuỗi giá trị sản phẩm bưởi da xanh tại Chợ Lách; một số chuỗi giá trị dừa tại Mỏ Cày Nam.
Tin, ảnh: Cẩm Trúc